Bản tin Bộ Y tế tối 16.8 cho biết tính từ 18h ngày 15.8 đến 18h ngày 16.8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.652 ca nhiễm Covid-19 mới. Trong ngày có 4.473 bệnh nhân khỏi bệnh.
Ngày 16.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 368 ca tử vong tại 15 tỉnh thành phố, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Việt Nam lên 6.141 ca.
Thông tin về 8.652 ca nhiễm Covid-19 được công bố trong ngày 16.8 gồm:
– 8 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
– 8.644 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 2.422 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (3.341), Bình Dương (2.522), Long An (599), Đồng Nai (588), Khánh Hòa (262), Đồng Tháp (158), Tiền Giang (152), Vĩnh Long (131), Đà Nẵng (96), An Giang (87), Cần Thơ (86), Sóc Trăng (75), Trà Vinh (71), Phú Yên (62), Thừa Thiên – Huế (60), Tây Ninh (52), Hà Nội (50), Bình Thuận (33), Kiên Giang (32), Ninh Thuận (27), Gia Lai (25), Nghệ An (24), Hà Tĩnh (17), Đắk Lắk (11), Quảng Nam (11), Bắc Ninh (11), Lâm Đồng (8 ), Thanh Hóa (6), Nam Định (6), Hậu Giang (6), Bình Phước (6), Lạng Sơn (4), Cà Mau (4), Quảng Ngãi (4), Ninh Bình (3), Bình Định (3), Lào Cai (2), Quảng Bình (2), Sơn La (2), Bạc Liêu (2), Hà Nam (1), Hải Dương (1), Thái Nguyên (1).
Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 930 ca. Tại TP.HCM giảm 1.175 ca, Bình Dương tăng 164 ca, Long An tăng 85 ca, Đồng Nai tăng 42 ca, Khánh Hòa tăng 96.
– Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 283.696 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 77/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 171/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.886 ca nhiễm).
+ Số ca nhiễm Covid-19 mới ghi nhận trong nước từ ngày 27.4 là 279.681 ca.
+ Có 6/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Hải Phòng.
+ Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc cao là TP.HCM (152.827), Bình Dương (46.501), Long An (14.998), Đồng Nai (14.204), Bắc Giang (5.795).
– Tổng số ca được điều trị khỏi: 106.977 ca.
– Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 590 ca.
– Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 22 ca.
Ngày 16.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 368 ca tử vong tại 15 tỉnh thành phố. Gồm: TP.HCM (315), Bình Dương (29), Long An (8), Tiền Giang (4), Hà Nội (2), Bình Định (1), Bình Thuận (1), Đắk Lắk (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Hưng Yên (1), Khánh Hòa (1), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1), Thừa Thiên-Huế (1).
– Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến ngày 16.8 là 6.141 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỉ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.
– Số lượng xét nghiệm từ 27.4 đến nay đã thực hiện 8.299.083 mẫu cho 23.798.054 lượt người.
Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 14.666.708 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 13.287.434 liều, tiêm mũi 2 là 1.379.274 liều.
TP.HCM chia 3 giai đoạn để kiểm soát dịch Covid-19
Hôm qua (15.8), Chủ tịch UBND TP.HCM có quyết định toàn TP tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid-19 đến ngày 15.9.
Theo đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM có kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm phòng chống dịch. Mục đích là chăm lo hỗ trợ cho người dân, lực lượng tuyến đầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị, tiêm phòng vắc xin và điều trị cho người nhiễm Covid-19.
TP.HCM phấn đấu kiểm soát được tình hình dịch bệnh trước ngày 15.9. Trong đó sẽ chia làm 3 giai đoạn cụ thể:
Giai đoạn từ 15.8 – 22.8: Kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19. Không để xảy ra trường hợp người bệnh (F0) chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị.
Xác định chiến lược chuyển đổi “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng”; mở rộng “vùng xanh” tại TP.Thủ Đức và các quận, huyện.
Giai đoạn từ 23.8 đến 31.8: Mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn TP.HCM. Phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh đối với các quận, huyện: Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, Phú Nhuận, Q.5, Q.7, Q.11.
Giai đoạn từ 1.9 đến 15.9: Kiểm soát lây nhiễm cộng đồng. Số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày; số nhập viện dưới 2.000 người mỗi ngày (tương đương dưới 200 trường hợp/triệu dân).
Đảm bảo hơn 70% người dân trên 18 tuổi được tiêm mũi 1, 15% người dân được tiêm mũi 2.
Chuẩn bị 1 triệu túi an sinh hỗ trợ người dân chống dịch
Sáng 16.8, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Tại cuộc họp báo, PV Thanh Niên đặt một số câu hỏi về triển khai gói hỗ trợ người dân trong 1 tháng giãn cách xã hội như thế nào, những ai được nhận, gói hỗ trợ đủ sống trong bao nhiêu ngày, hỗ trợ tiền nhà trọ thế nào. Bên cạnh đó, TP.HCM có tính đến phương án trích nguồn ngân sách tích lũy để hỗ trợ khẩn cấp cho người dân hay không.
Trả lời vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết TP.HCM nỗ lực hỗ trợ theo từng đối tượng phù hợp: có những gói hỗ trợ để người dân không bị đói, có gói hỗ trợ cho điều trị F0. Trong đó, thành phố xây dựng gói hỗ trợ để người dân duy trì cuộc sống từ 3 – 7 ngày, sau đó tiếp tục điều chỉnh.
“Nội dung từng gói hỗ trợ có tham vấn chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia y tế. Trước mắt, TP cố gắng chuẩn bị 1 triệu gói như vậy để hỗ trợ người dân. Trung tâm an sinh điều phối, ghi nhận nhu cầu và phối hợp với các quận huyện thực hiện cho phù hợp”, ông Đức thông tin.
Về trích quỹ dự trữ hỗ trợ cho người dân, ông Đức cho biết TP.HCM đã và đang trích quỹ hỗ trợ khẩn cấp cho người dân. Thời gian qua, TP.HCM cố gắng huy động tất cả nguồn lực có thể để hỗ trợ người dân, các nguồn lực xã hội đóng góp, thành phố sử dụng hiệu quả. “TP.HCM rất ấm lòng khi nhận được hỗ trợ của Trung ương, Chính phủ và 62 tỉnh, thành bạn, sự tài trợ của rất nhiều nhà hảo tâm về thiết bị y tế, lương thực thực phẩm, nhân lực”, ông Đức nói.
Tại TP.HCM, toàn bộ cán bộ, công chức cũng chia sẻ, giảm thu nhập tăng thêm trong năm 2020 và 2021 để chi hỗ trợ cho người dân; như gói 900 tỉ đồng vừa rồi thì nguồn chi chính là từ tiết kiệm. Ngoài ra, các quỹ dự trữ của thành phố cũng được huy động để đảm bảo an sinh.
Trong kế hoạch triển khai giãn cách xã hội trong 1 tháng tới, UBND TP.HCM cho hay sẽ sắp xếp, bố trí ngân sách và các nguồn lực tài chính đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đồng thời, tiếp tục triển khai việc thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% chi phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại và tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 không tính tiền lương và các khoản thu nhập khác của các cơ quan, đơn vị; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch.
TP.HCM giảm còn 3 tầng điều trị bệnh nhân Covid-19
Tại buổi họp báo sáng 16.8, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc TP.HCM giảm còn 3 tầng điều trị bệnh nhân Covid-19 thay vì 5 tầng điều trị như trước đây, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết, về cơ bản việc phân tầng của thành phố tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trước đây, TP.HCM gọi là “3 tầng 5 lớp” chứ không phải thêm tầng với mục tiêu là phân chia bệnh nhân từ nhẹ đến nặng để tập trung nhân lực, trang thiết bị, đáp ứng được năng lực điều trị ở từng tầng.
Ông Hưng cho biết để phù hợp với tình hình điều trị hiện nay, thành phố phân lại tầng cho rõ ràng, còn đúng 3 tầng theo mô hình của Bộ Y tế.
Cụ thể, tầng 1 là triển khai chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà kết hợp với điều kiện đảm bảo an sinh cho người dân. Đồng thời, tầng này cũng là các ca F0 không triệu chứng, không có bệnh nền hoặc có bệnh nền ổn định đang điều trị tại cơ sở cách ly tập trung ở quận, huyện và TP.Thủ Đức. “Có thể hiểu đơn giản nhất đây là những F0 không triệu chứng hoặc bệnh nhẹ, bệnh nền ổn định”, ông Hưng nói.
Hiện TP.HCM có 18.120 bệnh nhân F0 cách ly tại nhà, có 153 cơ sở cách ly tập trung F0 cấp quận, huyện với tổng 23.898 giường.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trả lời báo chí tại buổi họp báo sáng 16.8
|
Tầng 2 là tiếp nhận, thu dung các trường hợp cần cấp cứu và điều trị, các F0 có triệu chứng từ nhẹ, trung bình đến nặng và kèm hoặc không kèm bệnh nền ở các bệnh viện (BV) dã chiến và BV điều trị Covid-19 hoặc bệnh viện thực hiện mô hình tách đôi. Hiện TP.HCM có 74 BV điều trị Covid-19 (gồm 24 BV dã chiến, 41 BV đa khoa, 9 BV Trung ương) với tổng công suất 49.392 giường.
Tầng 3 chuyên hồi sức chuyên khâu F0 nặng và nguy kịch ở BV tuyến cuối của thành phố và Bộ Y tế tăng cường. Hiện có 8 BV hồi sức Covid cấp thành phố và 5 trung tâm hồi sức quốc gia với tổng công suất 3.883 giường.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính đến sáng 16.8, thành phố ghi nhận 151.904 ca bệnh đã được Bộ Y tế công bố. Hiện thành phố đang điều trị 33.149 bệnh nhân, trong đó có 2.122 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.858 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Trong ngày 15.8 có 2.146 bệnh nhân Covid-19 xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân xuất viện cộng dồn từ đầu năm đến nay lên gần 73.000 người; có 282 trường hợp tử vong.
Điện thoại Trung tâm hồi sức Covid-19 nhận cả ngàn cuộc gọi cầu cứu
Ngày 16.8.2021, GS.TS.BS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết ngay sau khi Bộ Y tế điều động, lực lượng cán bộ, nhân viên của bệnh viện đã tức tốc lên đường vào TP.HCM để thiết lập Trung tâm hồi sức Covid-19 quy mô 500 giường tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 13.
Việc triển khai thiết lập các khoa, phòng được thực hiện thần tốc. Sau thời gian ngắn chuẩn bị, Trung tâm đã bắt đầu tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng từ ngày 11.8.
Theo ông Trần Bình Giang, để kịp thời tiếp nhận các bệnh nhân nặng, nguy kịch, bệnh viện không đợi thiết lập xong 500 giường hồi sức mới nhận bệnh mà thực hiện theo mô hình “cuốn chiếu” làm tới đâu, tiếp nhận bệnh nhân tới đó.
Sau khi thiết lập xong 2 block với gần 100 giường và đã kín bệnh nhân, dự kiến trong ngày 16.8, bệnh viện tiếp tục thiết lập thêm một block khác do chủ đầu tư mới bàn giao để tiếp tục tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nặng.
Theo GS.TS.BS Trần Bình Giang, sau khi Trung tâm công bố số điện thoại đường dây nóng, chỉ trong ít ngày đã có hơn 1.000 cuộc gọi cầu cứu từ người dân TP.HCM. Tuy nhiên, do Trung tâm hồi sức do Bệnh viện quản lý chỉ có quy mô 500 giường và mới thiết lập xong 100 giường nên không thể tiếp nhận thêm các bệnh nhân từ các cuộc gọi cầu cứu của người dân.
Theo ông Trần Bình Giang, Trung tâm hồi sức Covid-19 do Bệnh viện Việt Đức quản lý là nơi cấp cứu bệnh nhân nặng nên tiếp nhận chủ yếu từ phía ngành Y tế TP.HCM và các Bệnh viện Dã chiến chuyển lên. Việc phân loại bệnh và điều trị được tiến hành khoa học, bài bản.
Với phương châm “tiếp nhận khẩn trương, điều trị tận tụy”, hiện nay riêng phía Bệnh viện Việt Đức đã có trên 360 y bác sĩ, cán bộ có chuyên môn vững vàng túc trực tại đây để chăm sóc tận tình, điều trị tích cực nhất cho bệnh nhân.
Trung tâm hồi sức do Bệnh viện Việt Đức quản lý với quy mô 500 giường, trong đó có 200 giường hồi sức bệnh nhân nặng thở máy xâm nhập và không xâm nhập; 200 giường cho bệnh nhân thở ô xy; 100 giường dành để theo dõi bệnh nhân khi đã chuyển nhẹ.
Đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện sẵn sàng tinh thần xung phong vào tâm dịch. Xa gia đình, xa người thân, làm việc trong môi trường đặc biệt, nhưng mỗi người đều xác định xem người bệnh nặng như người người thân của mình, luôn giúp bệnh nhân tất cả mọi việc.
Ông Trần Bình Giang cho hay, tình trạng bệnh nhân Covid-19 hiện nay có chuyển biến rất nhanh. Các bác sĩ, nhân viên y tế đang ngày đêm chạy đua với thời gian để cứu người. Với trang thiết bị hiện đại và chuyên gia giàu kinh nghiệm, giáo sư Trần Bình Giang hy vọng Trung tâm Hồi sức Cấp cứu Covid-19 sẽ cứu được nhiều bệnh nhân nặng.
Ngày đầu Đà Nẵng “ai ở nhà nấy” chống Covid-19
Sáng 16.8, lực lượng Công an TP.Đà Nẵng tổng ra quân kiểm tra, xử lý người vi phạm quyết định của UBND thành phố về áp dụng các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Từ 8 giờ ngày 16.8, mọi người tuyệt đối không được ra khỏi nhà, nơi đang cư trú, thực hiện nghiêm “ai ở đâu thì ở đó”. Thành phố yêu cầu người dân thực hiện tuyệt đối chủ trương nhà cách ly với nhà; không đi ra, vào thành phố, trừ những người được phép tham gia vào các hoạt động theo quy định. Nhằm thực hiện nghiêm quyết định, Công an TP.Đà Nẵng đã lập 200 tổ tuần tra lưu động giám sát việc chấp hành “ai ở đâu ở đó” của người dân trong 7 ngày phong tỏa toàn thành phố.
Đối với mỗi công an phường thành lập ít nhất 2 tổ tuần tra, mỗi công an các quận, huyện thành lập 10 tổ tuần tra và Công an thành phố Đà Nẵng thành lập thêm 20 tổ tuần tra. Mỗi tổ gồm 3 cán bộ, chiến sĩ công an cùng các lực lượng phối hợp khác như dân quân, dân phòng, bảo vệ dân phố… tuần tra trải rộng khắp toàn thành phố, hoạt động liên tục trong 7 ngày thực hiện giãn cách cùng với hơn 300 các chốt kiểm soát đã lập trước đó.
Theo thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng , kể từ 8 giờ ngày 16.8, tất cả các loại giấy đi đường đã được cấp trước đây và các mẫu giấy nhận diện phương tiện do Sở Giao thông – Vận tải cấp trước ngày 16.8 không còn giá trị sử dụng. Công an Đà Nẵng đã in và cấp phát thẻ công vụ, thẻ nhận diện cho các đối tượng, trên cơ sở danh sách đề xuất của Văn phòng UBND thành phố và văn phòng UBND các quận, huyện. Việc cấp thẻ được siết chặt ngay từ đầu, được phân cấp rõ ràng, hạn chế đối tượng và số lượng được cấp.
Say xỉn lăng mạ công an tại chốt kiểm soát Covid-19 ở Hà Nội
Ngày 16.8, mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại cảnh một người đàn ông có biểu hiện say xỉn, không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang, bị các cán bộ tại chốt kiểm dịch khu đô thị Đặng Xá (xã Đặng Xá, H.Gia Lâm, Hà Nội) dừng xe nhắc nhở thì chửi bới, thách thức lực lượng làm nhiệm vụ.
Theo nội dung đoạn video, khi được yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra, người đàn ông tự xưng “tao là VTV, tiến sĩ đấy” rồi thách thức lực lượng chức năng “mày muốn gì, mày nhớ mặt tao đấy”, thậm chí còn chửi các cán bộ làm nhiệm vụ.
Đáng chú ý, khi người này lấy giấy tờ ra phục vụ việc kiểm tra đã bất ngờ ném xuống đất và gây hấn với lực lượng chức năng.
Sau đó, người đàn ông chấp nhận đi vào chốt để kiểm tra. Tuy nhiên, lực lượng chức năng xác định người này không có giấy tờ thể hiện là người trong Khu đô thị Đặng Xá.
Tiếp đó, người đàn ông lấy lý do lên nhà lấy sổ hồng để chứng minh rồi ra lấy xe bỏ chạy và thách thức lực lượng chức năng “bắt đi”. Người này sau đó bị đưa trở lại chốt để làm việc.
Chiều 16.8, trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Nam, Chủ tịch UBND xã Đặng Xá, cho biết người đàn ông kể trên tên là Nguyễn Đức (38 tuổi, tạm trú tại Khu đô thị Đặng Xá).
Theo bà Nam, sau khi xảy ra sự việc, Công an xã Đặng Xá đã mời anh Đức về trụ sở làm việc. Tuy nhiên, do anh Đức say xỉn nên đã gọi vợ xuống cùng làm việc và được cho về, sáng 16.8, tiếp tục mời lên làm việc, lập hồ sơ xử lý.
Về thông tin anh Đức làm ở VTV, bà Nam cho biết, anh Đức từng công tác 10 năm tại VTV, tuy nhiên, thời điểm hiện tại đã nghỉ việc và đang là giám đốc marketing của một công ty.
Chiều 16.8, trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, cơ quan này vừa chỉ đạo Công an xã Đặng Xá lập hồ sơ, tham mưu UBND cùng cấp ra quyết định xử phạt anh Nguyễn Đức (38 tuổi, tạm trú Khu đô thị Đặng Xá, xã Đặng Xá) về các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch.
Theo vị lãnh đạo, sau khi nhận thông tin sự việc, cơ quan này đã về địa phương, phối hợp với Công an xã Đặng Xá làm việc với anh Đức và xác định vụ việc chưa có dấu hiệu hình sự.
Nữ điều dưỡng trong bệnh viện F0 ở Bình Dương
Dẫu là chiến sĩ tuyến đầu, là những người dũng cảm nhất trong cuộc chiến khốc liệt với dịch bệnh Covid-19, thế nhưng, những thầy thuốc của đoàn y tế Ninh Bình chi viện cho Bình Dương chống dịch, cũng có phút yếu lòng khi nhớ về gia đình.
Họ gửi lại con cái cho người thân, theo tiếng gọi của Bộ Y tế để xông pha vào nơi dịch Covid-19 đang nóng bỏng nhất. Xa gia đình, xa con, tránh sao được những phút nhớ nhà buồn đến rơi nước mắt.
Đoàn y bác sĩ của Ninh Bình trong bệnh viện dã chiến số 1, điều trị F0 tầng 2 ở phường Thới Hoà (thị xã Bến Cát). Các y bác sĩ trong điều kiện khó khăn, nhưng tinh thần ai cũng lạc quan.
Đoàn chi viện cho Bình Dương chống dịch từ ngày 3.8 với 30 thành viên gồm các y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm. Sau khi đến Bình Dương đoàn đã bắt tay ngay vào công việc điều trị F0 trong bệnh viện dã chiến số 1 cùng với các đoàn y tế ở các tỉnh thành khác.
Đoàn được bố trí chỗ ở ngay trong khu vực của bệnh viện dã chiến, gần với khu điều trị. Khu ở của các y bác sĩ là một văn phòng làm bằng nhà tiền chế 2 tầng. Tầng trệt dành cho nam và tầng trên dành cho nữ.
Theo sự phân công của bộ phận chuyên môn của bệnh viện, các thành viên trong đoàn đi làm, trực cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân F0 theo từng nhóm phù hợp với khả năng chuyên môn của từng người.
Những ngày đầu đến Bình Dương, hầu hết các thành viên trong đoàn đều bỡ ngỡ từ cách sinh hoạt, ăn uống và kể cả việc điều trị bệnh nhân Covid-19.
Sau mỗi ca trực, các y bác sĩ trở về khu vực nghỉ ngơi, sinh hoạt với những chiếc nệm trải trên sàn, hàng ngày ăn cơm hộp do Tổng công ty Becamex IDC cung cấp mang từ bên ngoài vào.
Nhiều thành viên trong đoàn cho biết khẩu phần ăn thì đầy đủ, ngon nhưng đồ chiên xào nhiều quá nên ai cũng thèm rau luộc. Vừa làm công việc chuyên môn, các y bác sĩ cũng tập để quen dần với cách sinh hoạt, ăn uống của người miền Nam.
Gác lại những khó khăn, họ vẫn đang từng giờ, từng ngày kiên cường giữa tâm dịch, chiến đấu với dịch bệnh để giành lại sự sống cho nhiều người.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 16.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.