Nói đến Quảng Ngãi, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến don. Nhưng địa phương này còn nhiều món ngon, đặc sản khác hấp dẫn du khách.
Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi vừa đề cử 4 món đặc sản vào bản đồ 100 món ẩm thực đặc sắc nhất Việt Nam giai đoạn 2022 do Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam tổ chức.
Từ các đề cử này, hiệp hội sẽ xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, vẽ bản đồ ẩm thực Việt cùng các chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực đến từ nhiều vùng miền nhằm mục tiêu giữ gìn, tôn vinh và phát triển giá trị ẩm thực Việt Nam.
Cá bống sông Trà
Cá bống sông Trà có mùi thơm và màu cánh gián đặc trưng, thường được ăn cùng cơm trắng hoặc cháo |
Phải là loại cá bống sống ở sông Trà, sông Vệ trên những đoạn nước sạch trong có đáy cát, mới có thể trở thành món đặc sản của quê hương Quảng Ngãi.
Người dân đánh bắt và chọn loại cá bống còn sống, rửa sạch, làm ruột cá và ướp với mắm, bột ngọt, đường tầm 30 phút rồi đem kho. Khi kho cần đảo nhẹ tay để tránh cá bị nát cũng như giữ lửa nhẹ rim cá cho đến khi chín, cùng với tiêu, nước màu đường… Cá bống kho đúng kiểu Quảng Ngãi là cá có màu nâu thẫm, thân thẳng, có vị mặn, béo, quyện với hương thơm của tiêu và nước mắm.
Cá bống sông Trà ngày nay đã được bán ra khắp cả nước và trở thành món quà khi du khách rời Quảng Ngãi. Cùng với cá bống, chỉ cần chén cơm trắng và một ít rau xanh, dưa leo, bạn đã có một bữa cơm ngon miệng.
Kẹo gương
Kẹo gương là một trong những món quà phổ biến của Quảng Ngãi, mỏng và giòn rụm, ngọt thanh |
Miếng kẹo trong suốt và giòn tan, dễ vỡ như gương, vì thế người Quảng Ngãi gọi là kẹo gương. Quy trình làm kẹo nghe có vẻ đơn giản nhưng các công đoạn khá phức tạp. Đường cát sên đặc, mạch nha, mỡ heo được cho vào chảo lớn đun sôi, khuấy nhanh đều để dung dịch không bị cháy. Khi dung dịch có màu vàng nhạt thì bắc xuống bếp, cho đậu phộng đã rang chín vào trộn đều sau đó đổ ra ngoài, dùng ống nứa lăn cho mỏng. Khoảng 20 phút sau, những miếng kẹo sẽ đông cứng và thành món kẹo gương.
Quế Trà Bồng
Hiện nay, tinh dầu quế và các mặt hàng mỹ nghệ được sản xuất từ vỏ quế như bình, chén, hộp đựng trà; tăm, nhang… của Trà Bồng đã trở thành “thương hiệu” nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà còn vươn ra khắp miền Trung và cả nước |
“Anh đi qua Việt Bắc nhớ hoa hồi biên giới
Anh đi tới miền Trung thoáng hương trầm xứ Nghệ
Anh đi vô Đồng tháp có hương sen thơm ngát
Anh vẫn không quên hương quế, hương quế Trà Bồng”.
(Lời bài hát “Hương quế Trà Bồng”, Đào Việt Hưng)
Quế Trà Bồng không chỉ là cây đem lại lợi ích kinh tế cao mà còn là nguồn cảm hứng thi ca vô tận của người Quảng Ngãi. Khi cây quế đủ lớn, người dân sẽ cắt vỏ ra khỏi thân và mang đi chế biến. Vỏ quế thường được dùng làm thuốc, gia vị hoặc các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; cành và lá được dùng để chế biến tinh dầu. Quế Trà Bồng có mùi hương đặc biệt, chứa lượng tinh dầu cao nên được trong và ngoài nước ưa chuộng.
Don
Du khách chưa đến Quảng Ngãi nếu chưa ăn don |
Món ăn gắn bó nhất với người dân Quảng Ngãi mà ai đi xa cũng luôn nhớ về, đó là don. Don đi cùng tuổi thơ của nhiều người, sinh ra đã thấy don và trưởng thành cùng với những kỷ niệm về món ăn dân dã này.
Con don sống trên những dòng sông quê hương Quảng Ngãi, sau khi được “cào” về sẽ đem đi ngâm, rửa sạch rồi cho vào nồi nước sôi, khuấy mạnh và đều tay. Khi don há miệng cũng là lúc phần nước luộc có được tất cả những gì tinh túy nhất. Nước luộc don được cho riêng ra nồi khác, nêm nếm vừa ăn tùy theo khẩu vị của mỗi người.
Nước luộc được múc ra tô, thêm vào con don, hành lá. Don thường được ăn từ chiều đến tối, dùng chung với bánh tráng và bên cạnh luôn có những tép tỏi Lý Sơn. Nước don thơm ngọt, bánh tráng vừa đủ mềm, chút tiêu – ớt cay hòa quyện tạo nên một thứ ẩm thực khác lạ.
Ngoài danh sách do Sở VH-TT-DL tỉnh đề cử, Quảng Ngãi còn có nhiều đặc sản hấp dẫn khác, du khách có thể thưởng thức hoặc mua về làm quà.
Ở đâu có người Quảng Ngãi, ở đó có bánh xèo. Món ăn bình dị dân quê theo chân người Quảng Ngãi vào Sài Gòn, bán nhiều ở những quận Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình. Góc quán đơn sơ với những chiếc bánh vàng nhạt nhỏ nhắn, khác với bánh xèo miền Tây to lớn, nhưng thơm phức mùi vị quê hương.
Bánh xèo Quảng Ngãi thường được ăn kèm với ram bắp và rau sống, chén nước mắm pha mặn |
Từ rằm tháng mười đổ lên, các lò bánh thuẫn ở Quảng Ngãi lại đỏ lửa chuẩn bị cho mùa bánh Tết. Nguyên liệu chính có trứng, bột mì, bột bình tinh, đường được đánh tơi ra, sau khi đổ xong phải đem sấy cho giòn. Bánh có thể được giữ nhiều tháng nếu để nơi thoáng mát, khô ráo.
Bánh thuẫn là món không thể thiếu trong những ngày Tết |
Tỏi Lý Sơn có những đặc điểm riêng biệt như củ nhỏ, tép đều, màu trắng, chắc; có mùi vị thơm cay dịu và nồng hơn củ tỏi được trồng ở các nơi khác. Trong khi tỏi thường có giá khoảng 200.000 đồng (một củ trung bình khoảng 15 tép), thì tỏi cô đơn (1 củ 1 tép) lên tới trên 1,2 triệu đồng/kg. Về Quảng Ngãi, du khách còn có dịp thưởng thức gỏi tỏi Lý Sơn, được chế biến từ những cây tỏi non.
Tỏi Lý Sơn nổi tiếng thơm ngon |
Nguồn: thanhnien.vn