Khi Mạc chúa cuối cùng của dòng họ Tokugawa là Iemochi lên ngôi vị Chinh di Đại tướng quân đời thứ 14, thì cũng chính năm đó (1858), Nhật Bản ký một loạt hiệp ước giao hảo với các nước Tây phương. Năm 1881 là năm Thiên hoàng Minh Trị xuống chiếu dẫn đến việc thành lập Nghị viện 9 năm sau đó, nên có thể xem đây là thời điểm đã hoạch định xong bản thiết kế tổng thể toàn diện cho một thể chế mới “quân chủ lập hiến”, thay thế toàn bộ triều đình Mạc phủ phong kiến.
Vì vậy, cuốn Cuộc Duy Tân Minh Trị (1858 – 1881) – Một cuộc cách mạng hiếm thấy trong lịch sử trở nên hấp dẫn khi đưa ra một mô hình và những luận chứng, để từ đó giải thích lịch sử Nhật Bản trong khoảng thời gian 23 năm. Đây là khoảng thời gian từ sau khi “đoàn tàu đen” của Mỹ do Đô đốc Perry chỉ huy đến vịnh Edo (tức vịnh Tokyo ngày nay) nã đại pháo thị uy và yêu cầu Nhật Bản “mở nước” – nghĩa là chấm dứt tình trạng “tỏa quốc” (bế quan, tỏa cảng), cho đến khi Thiên hoàng Minh Trị sau khi nắm lại được đại quyền chính trị đã xuống chiếu dẫn đến việc thiết lập Nghị viện sau đó, đưa nước này trở thành một quốc gia quân chủ lập hiến hiện đại.
Cuộc đại cách mạng Duy Tân Minh Trị đã xoay một góc 180 độ về cơ chế chính trị, từ thể chế phong kiến lạc hậu “có vua lại có chúa” chuyển sang thể chế quân chủ lập hiến dân chủ nhất trong mọi chế độ quân chủ; về cấu trúc xã hội thì chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp lạc hậu, nghèo nàn bước sang xã hội công nghiệp sản xuất đại trà. Điều đáng nói hơn cả là chỉ trong vòng vài chục năm, cuộc Duy Tân Minh Trị đã đưa nước Nhật vươn lên thành một trong 8 cường quốc thế giới ở thời kỳ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Vậy mà nhân vật tiêu biểu cho tất cả “thói hư tật xấu” của thời đại phong kiến cần phải loại bỏ là Tướng quân Tokugawa – dòng họ đã thay vua (đúng ra là “tiếm quyền” vua) trị vì nước Nhật trong hơn 200 năm, cũng chỉ cần dâng một bản tấu chương xin từ chức là xong, đúng kiểu một cuộc “cách mạng không đổ máu”.
Hai tác giả của bản sách gốc là Banno Junji và Ohno Ken-ichi đều là giáo sư đại học uy tín và có nghề ở Tokyo (Nhật Bản). Cuốn sách Cuộc Duy Tân Minh Trị (1858 – 1881) – Một cuộc cách mạng hiếm thấy trong lịch sử thực sự thành công khi đặt ra mô hình “cấu trúc mềm” để giải thích cho sự “nhanh gọn” đã đưa Nhật Bản xếp ngang hàng các cường quốc Âu – Mỹ thời đầu thế kỷ 20, trong lúc vừa phải đối mặt việc đáp ứng những yêu sách của các nước lớn, vừa phải giải quyết nhiều mâu thuẫn, khúc mắc và những bất cập nội tại.