Dãy Hải Vân không chỉ nổi tiếng với “thiên hạ đệ nhất hùng quan” trên đỉnh, mà còn có địa danh cầu vòm Đồn Cả ở chân núi với “vẻ đẹp cổ điển” khác lạ, hút hồn du khách.
Đúng như tên gọi của nó, cầu vòm Đồn Cả có kiến trúc hình vòm độc đáo, được xây dựng chủ yếu bằng đá nằm dưới chân dãy Hải Vân hùng vĩ (giữa TP.Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Cây cầu không chỉ có ý nghĩa quan trọng trên tuyến đường sắt Bắc – Nam mà từ lâu, với vẻ đẹp được đánh giá vừa cổ điển vừa hoang sơ, cầu vòm Đồn Cả đã trở thành là địa điểm “sống ảo” ưa thích của giới trẻ.
Cây cầu có vị trí ở phía tỉnh Thừa Thiên-Huế và nằm dưới chân đèo Hải Vân |
Cầu vòm Đồn Cả được xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Cây cầu có độ cao 20m với chiều dài khoảng 100m, uốn cong bắc ngang qua con suối thơ mộng.
Vẻ đẹp cũ kỹ của cây cầu |
Du khách khi đến đỉnh đèo Hải Vân, đi thêm 5 km về hướng bắc (hướng tỉnh Thừa Thiên-Huế) sẽ bắt gặp trạm tuần của kiểm lâm. Đối diện trạm kiểm lâm này có một đường bê tông nhỏ dẫn xuống ga Hải Vân Bắc.
Cầu vòm Đồn Cả được đánh dấu trên Google Map |
Khi đến ga Hải Vân Bắc, du khách có thể gửi xe máy ở đây rồi đi bộ khoảng 1 km dọc theo tuyến đường sắt Bắc – Nam, hướng về phía TP.Đà Nẵng.
Đường bê tông xuống ga Hải Vân Bắc dài khoảng 2 km |
Sau khoảng 30 phút đi bộ, cầu vòm Đồn Cả sẽ hiện ra trước mắt với hàng lan can đặc trưng. Đặc biệt, ấn tượng nhất của cầu vòm Đồn Cả là dải đường cong mềm mại trông rất nên thơ.
Khi du khách điều khiển phương tiện trên đường bê tông phải hết sức lưu ý vì đường khá nhỏ và ẩm ướt, rêu bám trên mặt đường sẽ gây ra trơn trượt.
Tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân dài 28 km |
Do phải đi trên đường sắt chật hẹp, có nhiều đá nên du khách cần chuẩn bị trước cho mình một đôi giày có độ bám tốt, êm chân để thuận lợi khi di chuyển.
Du khách sẽ bắt trọn khoảnh “tàu anh qua núi” ở cầu vòm Đồn Cả |
Bên cạnh đó, 25 – 30 phút sẽ có một chuyến tàu đi qua, du khách hãy tìm hiểu thông tin các chuyến tàu từ nhân viên gác trạm để an toàn trong quá trình di chuyển đến cầu vòm. Đây cũng là hình ảnh đẹp mà du khách có thể “canh me” để lưu lại khi tàu qua cầu.
Kiến trúc cây cầu gồm 4 vòm lớn bắc ngang qua con suối |
Ông Trần Văn Hùng (65 tuổi, một người dân đi rừng ở dãy Hải Vân), chia sẻ: “Cây cầu này được xây dựng từ thời Pháp. Người dân địa phương gọi là cầu vũng thuyền, vì ở dưới chân cầu có một vũng nước như vũng thuyền…”.
Với lối kiến trúc độc đáo cùng vẻ đẹp hoang sơ, yên bình của núi rừng, du khách đặt chân đến cầu vòm nên chuẩn bị thiết bị chụp ảnh, ghi hình tốt để sở hữu những bức hình “cực chill”.
Một địa điểm cắm trại thích hợp cho những người yêu thiên nhiên |
Ở vị trí cầu vòm Đồn Cả, du khách không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Hải Vân hùng vĩ mà còn có thể ngắm nhìn màu nước biển xanh thẳm của vịnh Lăng Cô.
Bậc thang để du khách di chuyển xuống con suối dưới chân cầu |
Dây dại che lấp lô cốt thời Pháp bên cạnh cầu vòm Đồn Cả |
Cùng với “thiên hạ đệ nhất hùng quan” ở đỉnh, đoạn đường đèo được tạp chí du lịch Travel + Leisure danh tiếng của Mỹ bình chọn nằm trong 10 tuyến đường đẹp nhất thế giới ở lưng chừng, dãy Hải Vân còn có cầu vòm Đồn Cả với lối kiến trúc cổ điển của Pháp ở chân núi chắc chắn sẽ không khiến du khách thất vọng khi một lần đến thăm.
Nguồn: thanhnien.vn