Kết luận hội nghị, Thủ tướng lưu ý, làm gì cũng phải có quy hoạch và quy hoạch phải đi trước một bước, quy hoạch phải tổng thể, toàn diện, bao quát, có tính định hướng. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ cho rằng quy hoạch phải bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của bộ, ngành, địa phương. “Nếu không bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của bộ, địa phương thì rất khó phát triển bền vững, chuyển phát triển theo chiều rộng sang theo chiều sâu”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, công tác quy hoạch không mới, nhưng việc triển khai luật Quy hoạch lần này có điểm mới là phải đồng thời làm quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, quy hoạch ngành và “triển khai những công việc mới thì bao giờ cũng có những khó khăn, lúng túng”.
Ví dụ với nội dung mà nhiều ý kiến băn khoăn là quy hoạch nào có trước, quy hoạch nào có sau, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần cùng làm, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Theo đó, các bộ, địa phương phải làm tốt nhất quy hoạch ngành mình, địa phương mình; đồng thời phối hợp thật tốt, tăng cường trao đổi giữa địa phương và T.Ư, giữa các địa phương với nhau trên tinh thần không câu nệ về hành chính, thủ tục, không cục bộ, chia cắt, manh mún.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng công bố khung quy hoạch ngành để các địa phương nghiên cứu, tiếp thu, tích hợp, cụ thể hóa vào quy hoạch địa phương, phù hợp với quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng.
Thủ tướng nhìn nhận, tiến độ lập quy hoạch đang chậm. Quốc hội sẽ giám sát tối cao về công tác này, vì vậy tinh thần là phải khẩn trương, lãnh đạo, chỉ đạo thật tốt, bảo đảm chất lượng, tiến độ, vừa bảo đảm kết nối vùng và quốc gia hiệu quả nhất. Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị quyết để tháo gỡ kịp thời vướng mắc, khó khăn và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch theo quy định của luật Quy hoạch.