Sunday, January 12, 2025

Một năm hội nghị văn hóa toàn quốc: Chắp cánh công nghiệp văn hóa



Suốt 1 năm qua, đời sống văn hóa cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt trong việc phát triển công nghiệp văn hóa.

Đúng 1 năm trước, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24.11.2021 ở Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng nêu rõ Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa bởi “văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Suốt 1 năm qua, đời sống văn hóa cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt trong việc phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH). Nhân dịp 1 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Thanh Niên đã phỏng vấn PGS-TS Bùi Hoài Sơn (ảnh), Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội, về vấn đề này.

Một năm hội nghị văn hóa toàn quốc: Chắp cánh công nghiệp văn hóa

Tạo ra những lợi thế cạnh tranh

Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24.11.2021 có nhắc tới nhiều nội dung. Xin ông cho biết phát triển CNVH có phải một vấn đề lớn được đặt ra không?

Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24.11.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhấn mạnh một trong những giải pháp quan trọng để phát triển văn hóa là tập trung phát triển các ngành CNVH.

Kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy CNVH là một trong những công cụ quan trọng để tạo ra sức mạnh mềm, cũng như các sức mạnh kinh tế, ngoại giao. Bài học từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản hay nhiều quốc gia phương Tây đều cho thấy nếu tập trung vào phát triển các ngành CNVH, chúng ta sẽ tạo ra những lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh để từ đó thúc đẩy không chỉ CNVH mà còn các lĩnh vực KT-XH khác.

Chúng ta đã thực hiện chiến lược phát triển CNVH 5 năm rồi. Là người soạn thảo chiến lược, ông nhận định thế nào về năm vừa qua? Đó có phải là năm chúng ta thực hiện chiến lược mạnh hơn những năm còn lại trong 5 năm đó không?

Thời gian qua, đặc biệt trong 1 năm vừa qua, việc tập trung phát triển CNVH của chúng ta có những chuyển biến khá tích cực. Dấu ấn đầu tiên có thể thấy được là luật Điện ảnh được xây dựng theo tinh thần của CNVH, hướng tới công nghiệp điện ảnh. Trong đó, điện ảnh được xem xét trên cơ sở khai thác tài năng sáng tạo, vốn văn hóa của đất nước, công nghệ, kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm dịch vụ điện ảnh.

Chúng ta cũng kỳ vọng tinh thần này sẽ tạo những cú hích điện ảnh, cũng như văn hóa kinh tế. Điều này giống như bộ phim Hàn Quốc Trò chơi con mực đã không chỉ đạt doanh thu điện ảnh mà còn phục hồi nghề làm loại kẹo truyền thống trong phim, hay bài hát của Thái Lan khiến cả thế giới đổ xô đi tìm món xôi xoài của họ.

Bên cạnh đó, còn có nhiều tín hiệu CNVH tích cực từ ngành khác, đặc biệt đến từ chủ trương của các địa phương. Sau khi tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo UNESCO vào 2019 thì năm nay, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09 về CNVH thủ đô đến 2025, tầm nhìn 2030, định hướng 2045.

Chúng ta cũng thấy tín hiệu vui khác là sự tham gia đời sống sáng tạo của các tổ chức quốc tế như UNESCO, các tổ chức đại học quốc tế như RMIT, hay các tổ chức khác… tại khắp cả nước. Nó cho thấy tinh thần sáng tạo trong 2022 đã rất phổ biến, đi đến từng ngõ ngách của nhiều TP, từng người dân, từng góc phố con đường… Thời trang, tổ chức sự kiện, du lịch văn hóa đều thấy có tín hiệu tích cực khi hướng tới chuyên nghiệp hơn. Các dấu hiệu đó có sức mạnh hơn khi được hưởng ứng của cả xã hội sau 1 năm kể từ ngày 24.11.2021.

Một năm hội nghị văn hóa toàn quốc: Chắp cánh công nghiệp văn hóa

Cần có những chính sách ưu đãi để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong ảnh: À Ố Show của VN đã để lại nhiều dấu ấn khi lưu diễn nước ngoài

Tạo hạt nhân cho phát triển CNVH

Rõ ràng thời điểm tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc, các ngành sáng tạo đang bị ảnh hưởng Covid-19 dẫn đến hao hụt nhân lực. Hiện tại, ông thấy nhân sự có còn khủng hoảng không, có thể làm gì để tạo cú hích phát triển?

Dù thời gian qua có nhiều tín hiệu tích cực về sự phát triển CNVH thì chúng ta vẫn không khỏi lo ngại về sự bền vững phát triển CNVH tại VN. Vấn đề nằm ở chỗ các sự kiện còn mang tính kỳ dịp, tổ chức chưa chuyên nghiệp hay một số tồn tại tạo điểm nghẽn ngăn phát triển bùng nổ văn hóa. Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến lo ngại đó đến từ nhân lực. Chúng ta có nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân, nhiều người trong số họ sáng tạo, tuy nhiên từ sáng tạo đến thị trường còn là khoảng cách khá xa.

Chúng ta cần biết cách tạo thương hiệu cho nghệ sĩ để từ đó tạo ra thương hiệu cho sản phẩm, thậm chí là cả ngành CNVH. Thương hiệu của đạo diễn Trương Nghệ Mưu có ảnh hưởng tích cực đến phát triển điện ảnh Trung Quốc thế nào cho ta thấy tầm quan trọng của thương hiệu nghệ sĩ. Việc ta chưa có được nghệ sĩ có tiếng, có thương hiệu trong khu vực và trên thế giới cũng là một cản trở.

Cái gốc của tạo ra nghệ sĩ là đào tạo nghệ thuật của chúng ta còn nhiều điều phải thay đổi. Tuyển sinh vào các trường nghệ thuật đều khó khăn cả đầu vào lẫn đầu ra. Nó khiến nhiều tài năng ít khao khát tham gia môi trường nghệ thuật. Nghệ sĩ làm việc cũng gặp cản trở từ mức lương đến chế độ đãi ngộ, tuổi nghề… Điều này khiến chúng ta chưa hình thành nên một đội ngũ nghệ sĩ có chất lượng từ đó tạo ra hạt nhân cho phát triển CNVH.

Một năm hội nghị văn hóa toàn quốc: Chắp cánh công nghiệp văn hóa

Vâng, và 1 năm cũng chưa đủ dài để chúng ta thay đổi được các chính sách còn chưa hợp lý phải không, thưa ông?

CNVH đang gặp cản trở như chính sách ưu đãi cho phát triển chưa có, từ ưu đãi thuế đến ưu đãi đất đai hay hỗ trợ địa vị pháp lý cho các không gian sáng tạo. Khi chưa có được ưu đãi chính sách như vậy, rất khó để tạo điều kiện huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và ngoài nước cho sự phát triển của ngành CNVH ở nước ta.

Bên cạnh đó, chúng ta thấy hệ thống cơ sở hạ tầng cho phát triển CNVH cũng còn vấn đề. Chúng ta chưa có bảo tàng quốc gia nào xứng tầm thời đại, nơi có thể tự hào giới thiệu với thế giới về những giá trị vật chất, tinh thần đã được hình thành. Các thiết chế nhà hát, thư viện, triển lãm cũng như vậy. Không có những thiết chế phù hợp, khó tổ chức được các sự kiện liên quan đến CNVH.

Cần hệ thống luật đầy đủ toàn diện

Ở trên, ông nhắc tới việc luật Điện ảnh ra đời trên tinh thần hướng tới CNVH. Nhưng còn những luật khác thì sao, các luật thúc đẩy CNVH có là ưu tiên của Quốc hội không, thưa ông?

Để phát triển CNVH, cần hệ thống luật đầy đủ toàn diện, vì chỉ 1 luật hay 2 luật thì chưa đủ thành môi trường pháp lý thuận lợi. Ví dụ, có luật Điện ảnh rồi vẫn cần luật Đất đai để tạo điều kiện cho xây dựng trường quay, cơ sở điện ảnh ở vị trí thuận lợi, từ đó có cơ sở hạ tầng tốt. Hay là sửa luật Thuế. Trong luật Điện ảnh quy định có ghi các đoàn làm phim nước ngoài tới VN làm phim sẽ được ưu đãi thuế, nhưng ưu đãi thế nào thì lại phải có trong luật Thuế.

Trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, quốc gia nào có ưu đãi thuế nhiều hơn sẽ có cơ hội thu hút được tốt hơn các đoàn phim nước ngoài. Khi họ vào VN không chỉ là thu được tiền từ dịch vụ làm phim mà còn quảng bá được hình ảnh đất nước, con người trong các phim. Chúng ta có thể thông qua hợp tác giúp trình độ làm phim tốt hơn. Tương tự như vậy, không chỉ cần luật Điện ảnh, chúng ta còn có 12 ngành công nghiệp văn hóa. Lĩnh vực biểu diễn chẳng hạn, chúng ta mới chỉ có nghị định mà chưa có luật, cần hoàn thiện luật Nghệ thuật biểu diễn theo hướng công nghiệp biểu diễn…

Khi nhìn lại 5 năm CNVH, có ý kiến chúng ta nên xây dựng luật về sáng tạo nội dung và tự do biểu đạt. Ông nghĩ sao về điều này?

Có nhiều đề xuất luật khác nhau để xây dựng CNVH. Ví dụ như có đề xuất xây dựng luật về sáng tạo nội dung và tự do biểu đạt; cũng có đề xuất luật hiến tặng và bảo trợ văn hóa. Vừa rồi, qua việc ấn Hoàng đế chi bảo cần đưa về VN, ta thấy có khoảng trống về hiến tặng, ta thấy cần làm sao để huy động được nguồn lực xã hội trong hiến tặng các hiện vật bảo tàng hay hỗ trợ cho lĩnh vực văn hóa. Những bức xúc như vậy đòi hỏi có luật để xử lý và tạo điều kiện cho xã hội phát triển.

Xin cảm ơn ông!

6 nhiệm vụ trọng tâm

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24.11.2021, Tổng Bí thư cũng đã nêu lên 6 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc:

Một là, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người VN, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Hai là, xây dựng con người VN thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình VN, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia – dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình VN với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

Ba là, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân – thiện – mỹ. Nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền của đất nước.

Bốn là, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bảo đảm sự công bằng. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa.

Năm là, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người VN. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà nước; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa.

Sáu là, xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành CNVH, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img