Wednesday, November 27, 2024

Trải nghiệm ngắm cực quang không dễ đến 2 lần trong đời



Phơi mình mấy tiếng đồng hồ ngoài đêm giá lạnh -6 độ và ước nguyện thấy cực quang của chúng tôi thành công mỹ mãn ở một nơi cực Bắc Na Uy.

Khi biết tôi được chọn tham gia dự án trao đổi giảng viên (Erasmus+ Global Mobility) với trường đại học ở Na Uy, trong đầu tôi vang lên bài hát Norwegian Wood của nhóm Beatles với âm thanh da diết của tiếng đàn sitar. Ngoài chữ Norwegian, nội dung bài hát hoàn toàn không liên quan. Nhưng với một người hâm mộ Beatles thì sự liên tưởng này đến một cách tự nhiên.

Trải nghiệm ngắm cực quang không dễ đến 2 lần trong đời

Khi cực đại, quầng ánh sáng vắt ngang cả bầu trời gần như trùng lên dải ngân hà

Một tuần chưa thấy mặt trời

Thị trấn Narvik nơi tôi đến khá nhỏ, cách thủ đô Oslo khoảng 1.000 km về hướng Bắc, nhiệt độ dĩ nhiên rất lạnh, hầu như âm vài độ. Một người sống ở Sài Gòn, gần xích đạo sẽ cảm nhận nhiều điều khác biệt về thời gian và không gian khi ở gần Bắc Cực. Sự khác biệt đó mang đến những điều ngạc nhiên (mặc dù bạn đã có thể biết qua sách vở).

Đầu tiên, trong cả tuần ở đây tôi chưa hề thấy ánh mặt trời. Mùa đông, trời chỉ mờ mờ sáng trong khoảng từ 9 đến 15 giờ. May là lúc này mới cuối tháng 11, chứ đến ngày đông chí 21.12 chắc còn ngắn hơn nhiều.

Trải nghiệm ngắm cực quang không dễ đến 2 lần trong đời

Dải ngân hà huyền thoại thường chỉ thấy trong sách vở nay được chứng kiến ngoài đời thực

Trong những đêm trời quang, bầu trời có nhiều sao (hơn tất cả những trời sao từ nhỏ đến giờ tôi đã thấy). Và bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng dải ngân hà (milky way) huyền thoại mà trước đây, chỉ được thấy qua sách vở. Đó là một cảm giác thật choáng ngợp. Trong phút chốc, tôi quên hẳn cái lạnh -6 độ. Tôi phóng tầm mắt ra xung quanh tìm sao Bắc đẩu (như cách gọi thông thường của Việt Nam) nhưng không thấy. Chỉ khi ngửa hẳn đầu ở gần 90 độ thì bạn sẽ thấy nó. Và ngạc nhiên thay, nó không sáng như tôi đã thấy ở Sài Gòn. Thay vào đó, một ngôi sao rất sáng mà ban đầu tôi tưởng là Bắc đẩu thì chính là Jupiter (sao Mộc).

Hành trình chiêm ngưỡng cực quang

Nhưng cái mà tôi mong đợi nhất là Aurora, hiện tượng cực quang đã khơi gợi óc tưởng tượng của tôi từ lần đầu tiên thấy trong sách lúc nhỏ. Với quyết tâm đó và thông tin của các bạn địa phương, tôi rất phấn khích đợi giờ xuất phát của tour ngắm cực quang.

Trải nghiệm ngắm cực quang không dễ đến 2 lần trong đời

Ánh sáng chuyển động liên tục, như các phím đàn piano nhảy nhót

Năm lớp áo, ba lớp quần, nhìn cũng gần giống mấy anh phi hành gia, tôi bắt đầu hành trình theo hướng dẫn viên địa phương cùng một đôi người Đan Mạch.

Tại điểm tập hợp trước khi xuất phát, hướng dẫn viên chỉ cách hiểu các app dự đoán thời điểm, vị trí để có cơ may ngắm được cực quang. Bạn phải trông chờ vào cường độ phát tán của các hạt từ mặt trời, sự thay đổi điện tích của mặt đất, tốc độ gió, độ bao phủ của mây… và cả sự may mắn.

Xe chở chúng tôi xa dần thị trấn để tiến dần vào khu vực không còn ánh đèn nhân tạo. Không gian tĩnh mịch đến nỗi, ban đầu mọi người còn trò chuyện thì giờ, một cách tự nhiên, đều im lặng. Cộng thêm bóng tối bao trùm, ánh sáng của các vì sao càng lúc càng rõ hơn khiến việc đợi chờ cực quang như có hấp lực.

Trải nghiệm ngắm cực quang không dễ đến 2 lần trong đời

Một bữa tiệc của sắc màu thiên nhiên

Xe đến vị trí thích hợp, chúng tôi xuống, đi tới gần bờ biển. Cực quang bắt đầu xuất hiện nhưng cường độ còn yếu nên cả nhóm đốt lửa nướng bánh kẹp, uống nước nóng chờ, trong khi liên tục cập nhật các app.

Sau khi thưởng thức xong 2 lần nướng bánh và gần hết bình nước nóng thì các chỉ số trên app cho thấy tối nay sẽ là một tối may mắn. Và đúng vậy, cường độ cực quang lớn dần khiến cả nhóm trở nên phấn khích. Ngay cả anh bạn hướng dẫn chuyên nghiệp cũng thừa nhận, hiếm khi chứng kiến được cảnh này. Ánh sáng chuyển động liên tục, như các phím đàn piano nhảy nhót. Khi cực đại, quầng ánh sáng vắt ngang cả bầu trời, có cảm giác như trùng lên dải ngân hà. Đúng là không dễ gì có được lần thứ 2 trong đời, tôi thầm nghĩ. Có lẽ mọi người trong nhóm, đều có chung suy nghĩ này.

Trải nghiệm ngắm cực quang không dễ đến 2 lần trong đời

Khung cảnh choáng ngợp, lộng lẫy của ánh sáng cực quang trên bầu trời

Quá may mắn mới chiêm ngưỡng được 2 trong 1 như vậy, chúng tôi đã được một “bữa tiệc thịnh soạn” đến nỗi khi thu dọn máy thì ánh sáng vẫn còn. Thật xứng đáng cho việc phơi mình mấy tiếng đồng hồ ngoài giá lạnh -6 độ! Coi như ước nguyện thấy cực quang của tôi thành công mỹ mãn.

Erasmus+ Global Mobility là dự án do cộng đồng châu Âu (EU) tài trợ để sinh viên, giảng viên có cơ hội học tập, đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm ở nước ngoài, góp phần tăng cường mối liên kết giữa khu vực EU và thế giới.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img