Sunday, November 24, 2024

Giữa khủng hoảng và dịch bệnh: Chuỗi cung ứng tại châu Á vẫn phát triển mạnh mẽ

Thế giới đang lo lắng về sự sụp đổ của các chuỗi cung ứng toàn cầu và mối đe dọa của sự mất cân bằng trong bối cảnh Mỹ tìm cách đưa các hoạt động sản xuất về nước và về khu vực lân cận.

Tuy nhiên, các chuỗi cung ứng vẫn phát triển mạnh mẽ ở một số khu vực, đặc biệt là ở châu Á, bất chấp tất cả những thách thức kể từ năm 2020 khi dịch COVID-19 làm sụt giảm thương mại toàn cầu.

Kết quả này là do các doanh nghiệp ở châu Á đã làm tốt hơn một số nơi khác để chống chọi với những biến động trong địa chính trị, bao gồm tập trung xây dựng kho hàng dự trữ mà họ cần, tiến hành đa dạng hóa sản phẩm và nỗ lực duy trì quan hệ thương mại thông suốt.

Trong bối cảnh ngành sản xuất Mỹ ảm đạm thì việc chuỗi cung ứng châu Á linh hoạt đã cho thấy vai trò toàn cầu quan trọng của các công ty công nghiệp khổng lồ như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.

Dòng chảy các sản phẩm công nghệ cao, máy móc công nghiệp và tư liệu sản xuất giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đạt mức 300 tỷ USD vào năm 2021, mức cao nhất kể từ khi hai nước thiết lập mối quan hệ kinh tế vào năm 1992, theo Bank of America.

Giữa khủng hoảng và dịch bệnh: Chuỗi cung ứng tại châu Á vẫn phát triển mạnh mẽ

Ảnh minh họa. Nguồn: AFP.

Đối với các công ty Mỹ, mọi chuyện không suôn sẻ như vậy. Kể từ cuối năm 2020, một loạt công ty thuộc S&P 500 đã liên tục phàn nàn về áp lực chuỗi cung ứng trong các báo cáo thu nhập của họ. Gần đây nhất là trong tháng này, các giám đốc điều hành của tập đoàn Dover Corp, Mỹ cho biết họ đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho khách hàng về sự chậm trễ “trong nhiều đợt giao hàng do có vấn đề về chuỗi cung ứng”.

Người dân Trung Quốc gia tăng nhu cầu về các sản phẩm giá trị cao

Trong khi các công ty ở Mỹ gặp nhiều vấn đề, thì các doanh nghiệp ở Nhật Bản và Hàn Quốc gặp ít vấn đề tương tự hơn dù trong cùng thời kỳ khó khăn như vậy. Hitachi Ltd, một trong những công ty công nghiệp lớn nhất của Nhật Bản với hoạt động kinh doanh khổng lồ ở Trung Quốc, đã lưu ý trong thông báo về doanh thu mới nhất vào tháng 7 rằng “không có sự gián đoạn chuỗi cung ứng nào” trong quý đầu tiên. Các công ty lớn khác cũng đã đề cập về những động thái họ đã thực hiện để cải cách các luồng thương mại.

Khi quy mô thương mại ở châu Á tăng lên, sự phụ thuộc lẫn nhau cũng tăng theo. Nguyên liệu, linh kiện và hàng hóa chế biến, tiêu dùng được luân chuyển tự do và với khối lượng lớn giữa các quốc gia.

Và khi nhu cầu của Trung Quốc đối với các sản phẩm có giá trị cao hơn tăng lên, các đối tác thương mại cũng đã thay đổi các mặt hàng xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu này. Chỉ số Herfindahl-Hirschman, một thước đo mức độ tập trung hàng hóa của thị trường, cho thấy Hàn Quốc đang gửi khối lượng hàng hóa chuyên dụng lớn hơn tới nước láng giềng Trung Quốc.

Thiết bị công nghiệp, máy móc có độ chính xác cao và chất bán dẫn chiếm gần 40% xuất khẩu của Hàn Quốc trong sáu tháng đầu năm nay. Xuất khẩu máy móc và thiết bị điện của Nhật Bản sang Trung Quốc cũng đã tăng lên.

Thực tế là các chuỗi cung ứng sẽ được mở rộng và đạt được hiệu quả tốt nhất khi các nền kinh tế tăng trưởng và các nhà sản xuất sản xuất được ngày càng nhiều hàng hóa có giá trị tốt hơn. Những điều này đã và đang diễn ra ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các công ty công nghiệp ngày càng chuyên môn hóa sản phẩm theo nhu cầu của các đối tác thương mại, đồng thời ngày càng nhiều nhà cung cấp và các quốc gia bị thu hút vào mạng lưới các sản phẩm đa dạng được giao dịch.

Làm kinh doanh thay vì làm chính trị

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp muốn làm kinh doanh và mục tiêu của họ không phải là giải quyết các vấn đề địa chính trị. Chi phí cơ hội của việc hành động theo các luận điệu chính trị bằng cách thay đổi dây chuyền sản xuất và di chuyển nhà máy là quá cao.

Đó là một phần lý do tại sao các công ty vẫn đang làm những gì họ cần làm, liên tục phát triển các chuỗi cung ứng, thay vì tiến hành điều chỉnh theo những tuyên bố chính trị mới nhất của các nhà lãnh đạo. Họ chọn cách thích nghi với các tuyên bố này bằng cách bổ sung thêm một số dòng sản phẩm và cắt giảm đi các dòng khác, cùng một số biện pháp cục bộ khác.

Đối với Mỹ, kỳ vọng một ngày nào đó chuỗi cung ứng của Mỹ sẽ đa dạng và tiếp tục phát triển rộng có thể là sẽ chưa diễn ra một sớm một chiều. Đạo luật Giảm lạm phát và Đạo luật mới về chip và khoa học của chính quyền ông Biden đang hỗ trợ các nỗ lực đưa hoạt động sản xuất bên ngoài trở về nước Mỹ.

Với những biện pháp này, Mỹ có nguy cơ tự cô lập mình với một loạt các nhà cung cấp toàn cầu và tạo ra sự phụ thuộc nhiều hơn vào các đối tác thương mại Bắc và Nam Mỹ./.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img