Tuổi đời thấp hơn trung bình của người dân?
Phi công được đi khắp nơi và được trả lương hậu hĩnh. Mức lương quá cao (cơ trưởng British Airways thu nhập trung bình 167.000 bảng Anh vào trước Covid-19) nhưng thực tế, phi công là nghề căng thẳng hàng đầu thế giới, từng xếp thứ ba vào năm 2018 theo một khảo sát.
Phi công luôn đối mặt với nhiều áp lực kể cả tinh thần lẫn thể xác |
Áp lực bay và thường xuyên đối mặt nguy hiểm là những yếu tố làm tăng căng thẳng của phi công, theo cuộc khảo sát nói trên. Thêm nữa, vấn đề rối loạn nhịp sinh học (giấc ngủ luôn bị điều chỉnh) cũng gây nguy hiểm đối với phi công… Những nguyên nhân trên liệu có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của phi công và cuối cùng tác động lên tuổi thọ của họ?
Bài báo của Telegraph tham khảo nhiều nghiên cứu khác nhau từ Hiệp hội Phi công Hoàng gia Anh (Balpa) và các chuyên gia về giấc ngủ cũng như nghiên cứu được xuất bản vào nhiều năm trước. Trong đó có Flight Safety Digest – một ấn phẩm của Tổ chức An toàn bay Mỹ kết luận, người làm nghề phi công chết ở độ tuổi trẻ hơn dân số nói chung, dựa trên hai nguồn dữ liệu chính.
Đầu tiên, dữ liệu được lấy từ 7 hiệp hội phi công xem xét số phi công mất ở độ tuổi 50 – 74 (độ tuổi nghỉ hưu trung bình 54). Nghiên cứu thứ hai đến từ Hiệp hội Phi công Mỹ và xem xét các trường hợp phi công mất ở độ tuổi 60. Phân tích từ hai nguồn này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra con số qua đời trung bình của các phi công là 61, so với tuổi qua đời trung bình của người dân là 63.
Một nghiên cứu khác sau đó cũng đã lật lại những dữ liệu quá khứ, khi thêm lần nữa khắng định phi công chết trẻ. “Mỗi khi phi công của hãng bay nào đó qua đời chỉ sau vài năm nghỉ hưu, tranh luận về phi công thường chết yểu tái hiện và được củng cố thêm bởi những nhà quan sát”, các tác giả của nghiên cứu cho biết.
Nghiên cứu liệt kê các yếu tố căng thẳng về thể chất và tinh thần được cho ảnh hưởng đến sức khỏe của phi công. Danh sách những mối nguy mà phi công gặp phải nghe có vẻ đáng sợ, bao gồm: công việc cực nhọc; bức xạ vũ trụ, hiệu ứng điện từ trường; rối loạn nhịp sinh học; âm thanh, độ rung; áp suất cao và tình trạng thiếu oxy nhẹ (cơ thể không được cung cấp đầy đủ oxy); ô nhiễm chất lượng không khí; dinh dưỡng có vấn đề; trách nhiệm nặng nề về an toàn và sự sống còn của hành khách…
Tình trạng đã được cải thiện?
Giấc ngủ bị gián đoạn và xáo trộn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của phi công như thế nào? Theo tiến sĩ Neil Stanley, chuyên gia về giấc ngủ độc lập từng làm việc tại Đại học Surrey, Anh, thì giấc ngủ luôn bị gián đoạn của phi công ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của họ. Ông chỉ ra rằng, bị jetlag (thay đổi múi giờ liên khiến rối loạn giấc ngủ) gây ra những hệ lụy lớn hơn những gì mọi người nghĩ và mất nhiều ngày để giấc ngủ có thể khôi phục trở lại. “Chẳng hạn, một chuyến bay từ New York đến London có thể mất tới 10 ngày hoặc lâu hơn để giấc ngủ của bạn phục hồi. Vấn đề với các phi công là họ hiếm khi có đủ thời gian giữa các chuyến bay để thích nghi trở lại hoàn toàn”, ông nói.
Phi công thường có giấc ngủ bị xáo trộn |
Stanley đã dẫn một vài bài báo khoa học cho thấy, có bằng chứng về mối liên hệ chặt chẽ giữa thời lượng giấc ngủ hàng đêm và nguy cơ tử vong cao. Ngoài ra, ông cũng nói thêm rằng làm việc làm theo ca (các phi công thường đổi ca nghỉ ngơi trên các chuyến bay dài) là cực kỳ có hại cho sức khỏe và tinh thần.
Trên Quora, cơ trưởng Jeff Loftin, cho biết ông bay lần đầu vào 1987. Thời điểm đó đã có nghiên cứu chỉ ra rằng nếu một phi công nghỉ hưu sớm 5 năm ở tuổi 55, anh ta sẽ có tuổi thọ bình thường (mất vào đầu những năm 70). Nếu một phi công làm việc cho đến tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 60, sẽ mất ở tuổi 63 (tuổi trung bình). Lý do được giải thích: Những người nghỉ hưu sớm có nhiều thứ để tận hưởng trong cuộc sống, vì vậy họ có cuộc sống viên mãn, hạnh phúc khi về hưu (hạnh phúc, viên mãn được biết là giúp kéo dài tuổi thọ), trong khi những người làm việc đến 60 tuổi sẽ có ít hưởng thụ hơn vì bay nhiều hơn.
Tuy nhiên, Bob Hunter, trưởng bộ phận an toàn của Balpa cho biết trên Telegraph: “Có nhiều hạn chế của các nghiên cứu trong quá khứ khi các điều kiện cho phi công đã thay đổi trong những năm gần đây. Các nghiên cứu mới nhất dành riêng cho các phi công của Nhật Bản và Anh Quốc cho thấy họ có tuổi thọ cao hơn người bình thường do một phần được kiểm tra sức khỏe thường xuyên và kỹ lưỡng hơn trước đây”.
Theo Balpa, các phi công thường được yêu cầu kiểm tra y tế loại 1 mỗi năm một lần. Kiểm tra thường xuyên hơn theo độ tuổi và điều kiện y tế trước kia. Họ được kiểm tra về mắt mũi, huyết áp, cholesterol và cả bệnh tiểu đường, HIV… Nhờ thế, đã có nghiên cứu cho thấy phi công nhìn chung có sức khỏe tốt hơn nhiều so với các nhóm người bình thường nằm trong đối tượng so sánh của nghiên cứu.
Nguồn: thanhnien.vn