Theo quy định của UBND TP.HCM, người dân thuộc các vùng xanh, vùng vàng sẽ được đi mua thực phẩm một lần một tuần từ 2 tuần tới, quy định này cũng được áp dụng tại nhiều quận huyện trong thời gian qua. Thế nhưng, sáng chủ nhật (22.8), trên nhiều tuyến đường tại các quận không bị cấm shipper, không thuộc vùng đỏ, vùng cam, người đi mua thực phẩm vẫn đông.
Để vào các chợ truyền thống mua rau, người dân phải trình giấy đi chợ
|
Theo các bà nội trợ, riêng rau cho một bữa ăn nay tính bằng “tiền trăm” chứ không còn “tiền chục” nữa
|
Theo những người đi mua rau tại khu vực chợ Hòa Hưng, chợ Tô Hiến Thành sáng nay (22.8), giá các loại rau củ tăng hơn 50% so với hôm trước, giá trung bình 25.000 đồng/kg nay lên 45.000 đồng/kg
|
Rất nhiều nơi không còn bán rau củ quả theo loại mà bán đồng giá, 40.000 – 50.000 đồng/kg. Chẳng hạn, tại khu vực phường 8, phường 9, Q.Tân Bình, có một vài nơi chuyên bán rau củ quả từ Đà Lạt về, giá bữa trước su hào 37.000 đồng/kg, cà rốt 33.000 đồng/kg, cà tím 26.000 đồng/kg, cà chua 32.000 đồng/kg, củ cải 25.000 đồng/kg, dưa leo 25.000 đồng/kg, su su 25.000 đồng/kg, xà lách 30.000 đồng/kg, bí đỏ 30.000 đồng/kg… Sáng 22.8, những nơi bán hàng này báo đồng giá 40.000 đồng/kg. Có loại như xà lách báo giá 50.000 đồng/kg.
Tương tự, hàng rau củ miền Tây lên, bán giá khoảng 25.000 đồng/kg mấy ngày trước, nay bán đồng giá 30.000 đồng/kg cho cả loại hành tây, sả… Đáng nói, đa số người bán đều thông báo, đây là… chuyến hàng cuối cùng, từ ngày mai (23.8) tạm ngưng bán vì không đưa hàng lên được nữa.
Số rau củ này nếu theo giá mua mấy ngày trước khoảng 110.000 đồng, sáng 22.8, chị Hải (Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình) cho biết mua đồng giá 40.000 đồng/kg, tổng đơn hàng là 205.000 đồng, tăng gần gấp đôi
|
Xe chở rau củ vẫn tiếp tục được đưa về các chợ dân sinh khu vực Q.3, Q.Tân Bình
|
Đến trưa, người mua vẫn tiếp tục đổ ra đường…
|
Việc mua sắm trên các tuyến đường hầu như không tuân thủ quy định 5K
|
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, TP.HCM triển khai công tác phòng chống dịch đến các sở ban ngành từ ngày 22.8 – 6.9, các quận huyện và TP.Thủ Đức phải thành lập tổ cung ứng hàng hóa địa phương, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu đủ cho người dân trên địa bàn TP.HCM. Chính các phường, xã phải tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý theo quy định trong trường hợp vi phạm các quy định về công tác phòng, chống dịch.