Mấy bữa nay Sài Gòn lành lạnh, tôi nghĩ bụng phải chi ăn được tô cháo ếch nóng hổi, ngập gừng với hành thì đã quá. Nằm lướt mạng một hồi, hình như điện thoại nó cũng đọc được tâm trí mình hay sao mà vô tình tôi thấy clip giới thiệu về bếp của Hoàng.
Tìm hiểu thì mới biết quán này từng gây sốt trên mạng xã hội, người ta chia sẻ rần rần. Nghe giới thiệu thì thấy quán bán món cháo ếch chuẩn vị Mã Lai (thường nghe người ta nói cháo ếch Singapore thôi), thêm anh chủ cũng điển trai và nhân viên là chú chó dễ dãi hay ra mừng khách. Đọc thấy một comment của một bạn nữ: “Quán cháo ếch này “đẹp trai nhất” Sài Gòn quá”, thấy cũng hài hài. Thấy hay hay nên tranh thủ cơn mưa chiều cuối mùa ở Sài Gòn vừa tạnh, đi làm về tôi tạt qua Bếp Hoàng.
Nổi tiếng nhờ… Ngọc Trinh
Tới hồi 17 giờ, quán chưa đông lắm, lai rai khách ngồi ăn. Điều đầu tiên tôi ấn tượng là lời chào và nụ cười tít mắt của anh chủ sau lớp khẩu trang. Nhưng khoan, chắc ấn tượng đầu hẳn phải là chú chó có bộ lông trắng vàng, cái mặt buồn mà hề hước thôi rồi ra ngoắc ngoắc đuôi chào đón.
Nghe tôi giới thiệu, chủ quán làm nốt phần cháo còn lại rồi tranh thủ tâm sự cùng tôi trước khi khách quá đông. “Thời gian qua quán được chia sẻ lên mạng nhiều nên khách cũng khá lắm em!”, anh chủ nói.
Happy đứng đón khách |
Anh chủ được nhận xét điển trai, thân thiện với khách |
Nhìn quanh một lượt, quán không rộng lắm chỉ chừng 6 cái bàn, mỗi bàn có chừng 4 cái ghế. Nhưng ngồi đây thấy một cảm giác dễ chịu và ấm áp tới lạ, chắc cũng vì tông ánh sáng màu vàng và cách bày trí như một Hội An thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn. “Quán này mình anh thiết kế, theo đúng gu anh thích đó”, anh Bùi Minh Hoàng (27 tuổi) cầm ly nước ra mời tôi, giới thiệu.
Anh Hoàng, tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội), nhưng cuối cùng quyết định không theo nghề. Ra trường, anh làm đủ thứ nghề, giữ xe, freelancer… 3 năm trước, anh chàng vào Sài Gòn lập nghiệp và mới mở quán này gần 1 năm nay.
“Sao không phải là cháo ếch Singapore?”, tôi tò mò. Anh chủ cười kể năm ngoái, anh có một người bạn ở Mã Lai sang chơi, anh cũng dẫn đi ăn cháo ếch như vậy. Ăn xong, người đó nhận xét cháo ở quán đó không giống cháo ếch Singapore đã từng ăn, rồi giới thiệu thêm: “Mày biết cháo ếch Mã Lai không? Bữa nào qua chỗ tao tao nấu cho”.
Nhờ mạng xã hội, quán đông khách hơn |
Vậy là anh qua thật, và ăn thấy vừa lạ vừa ngon nên xin luôn công thức nấu. Người bạn kia cũng nhiệt tình hướng dẫn, nhưng lúc đó anh chỉ nghĩ xin để nấu chơi chơi, chứ chưa từng có ý định mở quán. Qua dịch Covid-19, anh Hoàng nhận ra mình không còn trẻ nữa, cũng muốn ổn định, nên mở quán này, dồn hết tâm huyết của mình vào xem sao.
2 tháng đầu bán, anh nói, quán ế. Không có ai biết, và cũng ít khách tới mua. May sao có một lần quán được nghệ sĩ Ngọc Trinh chọn làm nơi tới ăn, và giới thiệu lên YouTube, khách tới ăn đều đặn hơn.
“Ban đầu chị Trinh nói nếu mà quán ăn không ngon là chị ấy sẽ không giới thiệu đâu. Giờ chị thành khách ruột của quán luôn rồi. Nhưng tôi không bao giờ quên những vị khách đầu tiên đến ăn và ủng hộ quán tới tận bây giờ”, anh nói.
Khách trò chuyện cùng anh Hoàng |
Ếch được chế biến theo vị Mã Lai |
Hỏi mới biết quán chỉ bán 2 món, là cháo gà và cháo ếch chuẩn vị Mã Lai, mỗi phần đồng giá 70.000 đồng. Khách có thể gọi cháo thêm tùy thích, và theo lời anh chủ là “gọi cả nồi cũng được” (cười).
Chiều hết khẩu vị của khách
Gần đây, nhiều người đến quán ăn thấy ngon đã giới thiệu lên nhiều trang mạng, quán cũng nổi tiếng. Có khách, nhưng quán chỉ có mỗi anh Hoàng lo tất cả các công việc, và chú chó tên Happy làm nhiệm vụ tiếp khách, làm cho khách… vui trong lúc chờ món được dọn ra.
“Có mình tôi, nên làm cũng chậm. Nhưng mình cảm ơn khách thật nhiều vì đã chịu khó chờ đợi, chịu khó trò chuyện và hỏi thăm mình. Ở quán, tôi chiều hết khẩu vị của khách, chỉ cần anh chị cô chú dặn nấu sao, mặn nhạt thế nào, tôi sẽ nêm nếm đúng ý”, anh chủ gửi lời.
Chủ quán cho biết Ngọc Trinh là khách quen của quán |
Chỉ vào Happy đang “chọc” mấy vị khách, anh nói đó là món quà mà một vị khách quen tặng, vì thấy anh chủ dễ thương. Nay chú chó đã trở thành người bạn, và cũng là “gương mặt thương hiệu” của quán ăn này.
Chừng 30 phút sau, quán bắt đầu đông khách. 6 bàn, khách ngồi chật kín, đa phần đều đi theo gia đình. Người tới mua về cũng đông không kém, mình anh Hoàng “chạy ngược chạy xuôi” để khách không phải đợi lâu. Nhưng mà, tôi nghĩ nếu tới giờ cao điểm, khách nên chuẩn bị một tâm lý thoải mái chơi với Happy vì cũng phải chờ đợi 5 – 10 phút mới có món.
Chập tối, chị Lê Trần Bảo Châu (33 tuổi) dắt 2 đứa con vô quán này ăn. Chị thích ăn cháo gà vì đã lọc hết xương, còn mấy đứa nhỏ thì hảo cháo ếch. Chị Châu ăn ở đây từ ngày đầu tiên quán khai trương, đều đặn ghé ăn mỗi tuần tới giờ.
“Hoàng thân thiện, nhiệt tình, nấu cháo ngon với lại chiều khách dữ lắm. Mình dặn em nấu sao là nó nấu y vậy”, chị nhận xét. Chỉ vào chú chó Happy, chị nói đó là món quà mà chị tặng cho anh Hoàng mấy tháng trước. Mới cho hồi còn nhỏ xíu, nay đã lớn và dễ thương nên chị cũng mừng.
Một phần cháo 70.000 đồng, cháo thêm miễn phí |
Happy được nhiều khách thích vì “dễ dãi” |
Còn anh Chấn Hưng (26 tuổi) vì xem được chuyện của Hoàng trên TikTok cũng dẫn bạn gái qua đây để ủng hộ. Tới quán, anh hỏi thăm anh chủ về cuộc sống, về Happy, về món ăn.
“Quán ít khách hơn chắc còn tâm sự được thêm với Hoàng nhiều. Ở đây, mọi thứ dễ thương và gần gũi như ở nhà. Mà con Happy này không biết sợ người lạ là cái gì, thứ chó… dễ dãi”, anh vuốt ve chú chó nói.
Tôi gọi ăn thử một phần cháo ếch, xem hương vị ra sao. Từng ăn nhiều quán cháo ếch khác ở Sài Gòn, tôi thấy cháo ở đây có vị khác biệt, và khá đậm đà. Cháo mềm, thơm. Thịt ếch dai, chắc, nước vừa miệng, có thể chấm kèm bánh mì. Tôi nghĩ về hương vị, quán được 8/10 điểm.
Chú chó là món quà mà khách tặng chủ quán |
Quán bán từ 3 giờ chiều tới 1 giờ sáng hôm sau, có bữa bán hết sớm thì nghỉ sớm. Ở quán ăn này, dường như mọi phiền muộn của cuộc sống hằng ngày, của dòng xe cộ kẹt cứng ngoài đường tan biến. Ở Bếp Hoàng, tôi thấy có chút bình yên, niềm vui, chút thân thuộc và tràn ngập tiếng cười.
Nguồn: thanhnien.vn