Nhiều nơi ở Trung Đông đã và đang trải qua nhiều trận hạn hán dai dẳng, nhiệt độ tăng dần đến mức nhiều vùng bị bỏ hoang do con người không thể sống được.
Mới chưa đầy 2 thập niên trước, Urmia còn là hồ lớn nhất cả vùng Trung Đông, nhộn nhịp khách du lịch đi kèm dịch vụ nhà hàng, khách sạn. Giờ đây sau 26 năm, hồ từ diện tích 5.400km2, giờ chỉ còn khoảng 2.500km2, theo Ủy ban Bảo vệ môi trường tỉnh Tây Azerbaijan của Cộng hòa Iran.
Những chuyến phà từng đưa đón khách du lịch đến và đi từ những hòn đảo nhỏ ở hồ Urmia của Iran đã bị gỉ sét, không thể di chuyển, trên khu vực đang nhanh chóng trở thành một đồng bằng muối. Tốc độ khô cạn quá nhanh khiến ai cũng lo chẳng mấy chốc hàng nghìn km2 đó sẽ chỉ còn là bãi đất nhiễm mặn.
Xác tàu gỉ sét nằm giữa hồ Urmia (Iran) cạn trơ đáy |
Những vấn đề như vậy đã trở nên quen thuộc ở nhiều vùng của Trung Đông – nơi nước đang cạn kiệt. Khu vực này đã chứng kiến hạn hán dai dẳng và nhiệt độ cao, nắng nóng đến mức chúng hầu như không phù hợp cho cuộc sống của con người. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu dẫn đến việc quản lý và sử dụng quá mức nước, và những dự báo về tương lai của nước ở đây thật nghiệt ngã.
Theo CNN, ông Charles Iceland, Giám đốc toàn cầu về nước tại Viện Tài nguyên thế giới (WRI), cho biết một số quốc gia Trung Đông như Iran, Iraq và Jordan đang phải khai thác nước ngầm để tưới tiêu nhằm cải thiện khả năng tự cung cấp lương thực khi lượng mưa ngày càng ít. Điều này càng làm cho nguồn nước dự trữ cạn kiệt. Lượng mưa giảm và nhu cầu nước tưới ngày càng tăng ở các nước trong khu vực đang khiến nhiều sông, hồ và vùng đất khô cạn. Nhiều nơi trở thành đất hoang không có người ở. Căng thẳng về cách chia sẻ và quản lý tài nguyên nước sông, hồ có thể trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến khả năng xảy ra xung đột như đã từng xảy ra trong lịch sử.
Theo ông Mansour Almazroui, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Đại học King Abdulaziz của Saudi Arabia, mấu chốt ở đây là với sự gia tăng nhiệt độ hiện nay, bất cứ lượng mưa nào cũng sẽ bốc hơi nhanh vì trời quá nóng. Tuy nhiên, sẽ có những trận mưa cực lớn, gây lũ như ở Trung Quốc, ở Đức, ở Bỉ… gần đây.
Ở Iran, hồ Urmia đã bị thu hẹp phần lớn do có quá nhiều người khai thác, và một số đập được xây dựng trên lưu vực hồ chủ yếu để tưới tiêu đã làm giảm lượng nước chảy vào hồ.
Thảm họa về nước của Iran đã trở thành một vấn đề nguy hiểm. Trong 1 tuần của tháng 7, ít nhất 3 người biểu tình thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với nhân viên an ninh. Những người này biểu tình phản đối việc thiếu nước ở tây nam Iran.
Tại Iran, mạng lưới đập rộng lớn nuôi sống ngành nông nghiệp chiếm khoảng 90% lượng nước mà đất nước này sử dụng. Theo cơ quan khí tượng của Iran, nước này đang trải qua thời kỳ khô hạn tồi tệ nhất trong 5 thập niên nên ngành nông nghiệp đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Mùa đông của Trung Đông được dự báo sẽ khô hơn khi thế giới ấm lên, và trong khi mùa hè sẽ ẩm ướt hơn, nhiệt độ dự kiến sẽ bù đắp lượng nước, theo dự báo mới nhất của các nhà khoa học được Ủy ban liên chính phủ về khí hậu của Liên Hợp Quốc công bố vào đầu tháng này.
Một nghiên cứu của Bộ Năng lượng Iran cho thấy sự cạn kiệt của hồ có hơn 30% là do biến đổi khí hậu.
Những thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến lượng nước sẵn có mà còn ảnh hưởng đến chất lượng.
Hồ Urmia có tính siêu kiềm, có nghĩa là nó rất mặn. Khi nó bị thu hẹp, nồng độ muối tăng lên và trở nên cực đoan, việc sử dụng nước hồ để tưới tiêu sẽ gây hại cho mùa màng của nông dân.
Quen với lối sống ít nước
Ở Jordan, một trong những quốc gia căng thẳng về nước nhất trên thế giới, người dân đã quen với việc sống với rất ít nước.
Một nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia cho thấy người Jordan sẽ phải giảm một nửa lượng nước sử dụng bình quân đầu người vào cuối thế kỷ này. Hầu hết những người Jordan có thu nhập thấp hơn sẽ sống với 40 lít nước mỗi ngày, cho tất cả các nhu cầu của họ – chẳng hạn như uống, tắm, giặt quần áo và rửa bát đĩa. Người Mỹ trung bình ngày nay sử dụng khoảng 10 lần lượng nước này.
Daniel Rosenfeld, giáo sư thuộc Chương trình Khoa học Khí quyển tại Đại học Hebrew của Jerusalem, cho biết tại nhiều gia đình ở Jordan, nước không nhất thiết phải có hàng ngày.
“Jordan hiện thiếu nước nghiêm trọng – nước được cấp đến các hộ gia đình ở Jordan 1 hoặc 2 lần một tuần, ngay cả ở thủ đô Amman” – ông Rosenfeld nói.
Một người bán cà chua nhìn về vùng đất cằn, nhiễm mặn nơi Biển Chết rút dần ở khu vực Ghor Haditha, Jordan. Ảnh: Getty Images |
Các nghiên cứu cho thấy mực nước ngầm ở các vùng của Jordan đang giảm hơn 1 mét mỗi năm và làn sóng người tị nạn từ nhiều quốc gia trong khu vực đã gây thêm áp lực lên nguồn tài nguyên vốn đã căng thẳng này.
Tổng thư ký Cơ quan Nước Jordan, Bashar Batayneh, nói với CNN rằng Jordan cần thêm nguồn tài trợ từ phần còn lại của thế giới để giải quyết nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng.
Theo ông Batayneh, Jordan chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng người tỵ nạn Syria và chịu tác động sâu sắc liên quan đến nước. Người tỵ nạn tiêu tốn của ngành nước hơn 600 triệu USD/năm, trong khi Jordan chỉ nhận được một phần nhỏ số tiền trợ giúp từ cộng đồng quốc tế.
Lý do thì không phải chỉ do mỗi biến đổi khí hậu. Nguồn nước ở Jordan phụ thuộc chính yếu vào hệ thống sông Jordan, vốn chảy qua cả Israel, Bờ Tây, Syria, Lebanon. Hệ thống đập chằng chịt dọc tuyến đã lấy đi phần lớn nguồn nước khi nó chảy đến lãnh thổ Jordan. Tất nhiên là Jordan cũng chẳng kém khi “chích” mạch dòng sông vô số chỗ để trữ và điều tuyến nước. Và khu vực này đã không ít lần xảy ra xung đột chỉ vì nguồn nước.
Căng thẳng trên các hệ thống sông lớn khác trong khu vực như Euphrates và Tigris cũng không hiếm lần xảy ra.
Hiện tại thì các nước đã có cơ chế hợp tác, nhưng giới chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng tình trạng nhanh hơn khiến cơ chế đó sẽ lỗi thời, và rõ rang là biến đổi khí hậu cũng là căn cớ cho các mối xung đột tiềm ẩn trong tương lai.
Hàng năm, Jordan đang mua một lượng lớn nước ngọt từ Israel, nước cũng thiếu nước ngọt tự nhiên chẳng kém họ. Tuy nhiên, do Israel sở hữu công nghệ tách muối nên “tha hồ” hút nước biển lên làm nước ngọt để bán. Từ đây lại sinh ra mặt trái. Sản xuất nước đòi hỏi điện năng, càng xuất nhiều điện càng tác động thêm vào biến đổi khí hậu./.
Nguồn: moitruongvadothi.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.