Wednesday, November 27, 2024

Điện Thái Hòa có gì mà du khách Thái Lan muốn ‘mục sở thị’?

Điện Thái Hòa, nơi đặt ngai vàng biểu trưng quyền lực của vương triều nhà Nguyễn là công trình kiến trúc tiêu biểu của di tích cố đô Huế đã được hạ giải để trùng tu vào tháng 4.2022. Việc hạ giải trùng tu ngôi điện cùng với đó chiếc ngai vàng quyền uy được di dời để bảo quản, khiến cho du khách Thái Lan không muốn mua vé vào tham quan Đại nội.

Trước khi công trình này được hạ giải, PV Thanh Niên đã ghi lại những hình ảnh tư liệu quý về công trình đặc biệt này.

Điện Thái Hòa có gì mà du khách Thái Lan muốn ‘mục sở thị’?

Điện Thái Hòa nhìn từ sau tới trước thẳng hướng ra Kỳ đài

Theo tư liệu lịch sử của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng nhất trong Hoàng cung triều Nguyễn.

Điện Thái Hòa có gì mà du khách Thái Lan muốn ‘mục sở thị’?

Điện Thái Hòa chụp từ trên cao nhìn từ mặt trước trong một sự kiện tái hiện lại nghi lễ của triều Nguyễn

Công trình kiến trúc này được khởi công xây dựng vào 21.2.1805 và hoàn thành vào tháng 10.1805, dưới triều vua Gia Long. Khi ấy, điện Thái Hòa nằm cách vị trí hiện nay khoảng 45m về phía tây bắc.

Tháng 3 năm 1833 khi quy hoạch lại và hoàn chỉnh hệ thống kiến trúc ở Đại nội, vua Minh Mạng đã cho dời điện Thái Hòa về phía nam, xây dựng đồ sộ, nguy nga hơn. Từ đó về sau, ngôi điện này còn được tu bổ nhiều lần.

Điện Thái Hòa có gì mà du khách Thái Lan muốn ‘mục sở thị’?

Ngay giữa chánh điện có treo bức hoành với ba chữ Hán: Thái Hòa Điện (đọc từ trái sang phải)

Điện Thái Hòa có gì mà du khách Thái Lan muốn ‘mục sở thị’?

Chính giữa ngôi điện được đặt ngai vàng của vương triều nhà Nguyễn

Điện Thái Hòa được xây dựng theo kiểu nhà kép, được gọi là “trùng thiềm điệp ốc” hay “trùng thiềm trùng lương” (mái chồng lên nhau, nhà nối liền nhau). Diện tích mặt bằng ngôi điện là 1.360m2. Nền điện cao hơn tầng sân chầu thứ nhất 1m và cao hơn mặt đất 2,35m.

Ngôi nhà chính ở phía sau là chính điện (hay chính doanh) có 5 gian hai chái, ngôi nhà phía trước gọi là tiền điện (hay tiền doanh) có bảy gian hai chái. Hai nhà trước và sau được nối lại với nhau bằng một mái thừa lưu hay còn gọi là mái vỏ cua.

Điện Thái Hòa có gì mà du khách Thái Lan muốn ‘mục sở thị’?

Hệ thống cột bên trong được sơn son thếp vàng

Điện Thái Hòa có gì mà du khách Thái Lan muốn ‘mục sở thị’?

Công trình trước khi hạ giải đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn nên được gia cố, chống đỡ

Là nơi diễn ra các đại lễ và các cuộc họp đại triều với sự tham gia của vua, hoàng thân quốc thích và các đại thần.

Tên điện Thái Hòa với chữ “Hòa” có nghĩa là hòa hợp, hài hòa, “Thái Hòa” là khí âm dương hội hợp mà dung hòa với nhau. Vua trị vì thiên hạ cần phải giữ cho được sự hòa hợp tốt đẹp giữa dương và âm, cương và nhu thì mới hữu ích cho vạn vật.

Điện Thái Hòa có gì mà du khách Thái Lan muốn ‘mục sở thị’?

Phần nóc, mái và các ô hộc được trang trí rồng khảm sành sứ và các ô hộc thơ văn theo mô típ nhất thi, nhất họa được làm bằng nghệ thuật pháp lam

Điện Thái Hòa có gì mà du khách Thái Lan muốn ‘mục sở thị’?

Những điêu khắc chạm trổ đẹp trên phần mái và nóc điện

Điện Thái Hòa có gì mà du khách Thái Lan muốn ‘mục sở thị’?

Trước khi hạ giải, hệ mái nhiều chỗ đã hư hỏng, thấm dột phải gia cố bằng tôn

Trải qua hơn 200 năm tồn tại, trước các tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt miền Trung, mặc dù nhiều lần tu bổ, trùng tu dưới các triều vua Nguyễn nhưng đến nay, điện Thái Hòa bị xuống cấp nghiêm trọng.

Điện Thái Hòa có gì mà du khách Thái Lan muốn ‘mục sở thị’?

Trước khi công trình hạ giải, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã phối hợp với Công ty AGS Technologies tiến hành số hóa 3D điện Thái Hòa để lưu trữ tư liệu hình ảnh chân thực và phục vụ du lịch trải nghiệm thực tế ảo

Ngoài giá trị mang tính biểu tượng của triều đình nhà Nguyễn, công trình kiến trúc điện Thái Hòa còn là nơi lưu giữ hệ thống văn thơ, theo hình thức trang trí nhất thi, nhất họa độc đáo đã được UNESCO công nhận Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Điện Thái Hòa, với chiếc ngai vàng là điểm thu hút du khách nhất trong quần thể di tích cố đô Huế. Trước đó như Thanh Niên đã đưa tin, mỗi ngày có khoảng 1.000 du khách Thái Lan đến cố đô Huế nhưng hầu hết không mua vé vào tham quan Đại nội. Một trong những lý do được đưa ra là, khách Thái chỉ muốn vào chiêm ngưỡng điện Thái Hòa và ngai vàng, nhưng ngôi điện này đang trong quá trình trùng tu. Vì thế, họ chỉ đứng bên ngoài Đại nội chụp hình và rời đi.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc trùng tu công trình này cũng là sự kiện hiếm có vì phải trải qua chu kỳ khoảng 100 năm mới diễn ra một lần. Những công đoạn tiêu biểu về trùng tu như: phục chế các hoa văn, cấu kiện, trang trí; trùng tu hệ gỗ, mái, khảm sành sứ, pháp lam… là những công đoạn tinh xảo thể hiện tinh hoa của các làng nghề Việt trong kiến trúc, xây dựng truyền thống cần được trình diễn để phục vụ du khách mà không cần đóng cửa hoàn toàn điện Thái Hòa.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img