Và nay, “sau thời gian làm việc cùng nhau (với nhạc sĩ Đức Trí và Gia Định Audio) qua nhiều LP khác nữa, cũng như có cơ duyên – có người thương mình, 3, 4 bên cùng ý tưởng nên… chúng tôi có Một đời yêu anh“, ca sĩ Hương Giang chia sẻ về album – đĩa than đầu tiên cho riêng giọng hát mình.
Màu âm nhạc trong đĩa này là màu của retro, những năm khoảng 1965 – 1972, thời cực thịnh của nhạc soul; nhưng Hương Giang không hát soul, mà chỉ là âm thanh – “bối cảnh” âm nhạc thời đó… |
“Đầu tiên, mình làm để thỏa bản thân mình đã. Rồi thỏa anh em, thỏa những người thực sự muốn nghe một sản phẩm âm nhạc chất lượng… thì tính sau. Và khi cầm – nhìn sản phẩm trên tay, cả đêm trước ngày ra mắt công chúng, tôi ngủ không được. Hồi hộp lắm. Từng tham gia giới thiệu đĩa nhiều lần rồi, nhưng các sản phẩm trước Hương Giang hát chung với mọi người. Còn lần này, là đĩa than đầu tiên dành cho giọng hát Hương Giang, nên cảm giác… khó tả, lạ lắm. Cũng hy vọng và mong mọi người sẽ đón nhận nó, một cách nồng nhiệt, như khi Hương Giang đón nhận sản phẩm này vậy”, nữ ca sĩ thổ lộ.
Trong đĩa này, có ca khúc lần đầu được thu âm đầy đủ lời hát, như Tình sầu, hay có bài hát đã lâu rồi chưa được thu âm như Tiếng còi trong sương đêm |
Cứ làm tốt việc mình, đừng để ý cát – sê người khác!
* Trong những cảm xúc “khó tả và lạ lắm” ấy của chị, có thoáng qua chút chạnh lòng nào không?
– Ca sĩ Hương Giang: Thực ra thì… Việt Nam mình có bao nhiêu ca sĩ? Nhiều lắm, ngôi sao thì ít chứ ca sĩ cần mẫn làm nghề như Hương Giang rất nhiều. Và ca sĩ cũng chia thành nhiều mảng, nhiều phân khúc thị trường. Tôi nghĩ rằng việc làm đĩa than, giống như làm phim đạt chuẩn 4K vậy. Nói hơi dài để trở lại chữ chạnh lòng bạn hỏi. Tức là, tại sao 25 năm trong nghề rồi Hương Giang mới có được ngày hôm nay?
Tôi cho rằng đây là hướng rẽ khác hoàn toàn, dù ca sĩ đơn giản chỉ là lên sân khấu/vào phòng thu hát. Nhưng mọi người không chứng kiến được hết cách thu âm, cách làm âm thanh trong đĩa này nên sẽ khó hình dung được. Nôm na là, nếu nhạc số thu đơn giản hơn, chỉ làm nhạc xong vô phòng thu, mix là xong. Còn thu âm cho đĩa than, nó giống như đóng phim nhựa vậy, chỉ cần có chút sơ xuất nhỏ trong “diễn xuất” sẽ được thấy, cảm rất rõ trên “màn ảnh rộng”.
Đó là lý do tại sao không phải ai cũng có thể thu âm đĩa than được. Nên 25 năm Hương Giang mới có đĩa như vậy là bình thường. Mà thật ra, cũng cần nói thêm, làm đĩa than phải có tài chính nữa (cười). Tuy nhiên không phải ai có tiền đầu tư cũng được (nhạc sĩ, nhà sản xuất đồng ý) làm hoặc làm được.
Đối với tôi, niềm vui sướng, hạnh phúc để có được đĩa này lớn lắm, nên việc “chạnh lòng” đó không thành vấn đề. Còn những chạnh lòng khác thì… nhiều vô cùng, nghệ sĩ mà, nhưng với tôi những niềm vui có được thường lấn át nỗi buồn.
Theo kinh nghiệm của tôi, đừng bao giờ để ý cát – sê của người khác. Bởi nếu thấp hơn mình thì không sao, còn cao hơn thì… dù không sân si cũng dễ bị… tuột mood.
Ca sĩ Hương Giang
Ca sĩ Hương Giang, MC Minh Đức và nhà sản xuất – nhạc sĩ Đức Trí chia sẻ về đĩa than Một đời yêu anh |
* Chị khiến người khác muốn biết nhiều hơn về những nỗi niềm của mình…
– Nhiều đấy! Không phải vì nghệ sĩ nhạy cảm đâu. Ngay cả một người làm nhân viên văn phòng bình thường cũng vậy. Chẳng hạn có người cùng vào làm chung thời điểm với mình, thậm chí sau mình, nhưng thăng tiến nhanh hơn mình, dù đôi khi thực lực không bằng mình. Trên hành trình đó, có khi sự cố gắng, nỗ lực của họ cũng không bằng mình. Tuy nhiên mọi sự trên đời đều có lý do của nó. Và nếu mình cứ chạnh lòng mãi thì làm sao sống nổi (cười). Tốt nhất là nên bằng lòng với bản thân mình.
Thí dụ nhé, một bầu sô gọi cho tôi mời đi hát, nhờ tôi cung cấp mức thù lao của mình. Tôi không có quản lý, nên cũng không biết mình đang ở mức nào so với thị trường. Vậy thì tôi sẽ báo thù lao mà mình chấp nhận được. Chẳng hạn đêm đó nếu diễn ở TP.HCM mình sẽ hát được bao nhiêu tiền, khi đi tỉnh thì mình cứ nghĩ rằng mình được thay đổi môi trường biểu diễn mới, mình được đi chơi…, những yếu tố đó đủ thỏa mãn mình chưa… Khi đó nhận hay không, hoặc đưa ra giá cát – sê của mình thế nào cho phù hợp, là hoàn toàn dựa vào sự bằng lòng với bản thân mình.
Theo kinh nghiệm của tôi thì đừng bao giờ để ý cát – sê của người khác. Vì như vậy sẽ dễ dẫn đến những chuyện khác chẳng hay ho gì, bởi nếu thấp hơn mình thì không sao còn cao hơn thì… dù không sân si cũng dễ bị… tuột mood (cười).
* Nghe có vẻ vừa hợp lý – về mặt cảm xúc, mà cũng vừa không – về tính thực tế đối với một người của công chúng?
– Tôi lại thấy hay. Chỉ cần bằng lòng với mình là được. Mình cứ làm tốt công việc, phần xuất hiện – biểu diễn của mình, nếu họ thấy mình làm tốt thì sẽ tiếp tục mời. Đó là một trong những điều tiên quyết để tôi tồn tại được tới nay, 25 năm trong nghề mà và vẫn vui vẻ sống với nghề. Tôi đón nhận tất cả những gì xảy đến, cả tiêu cực hay tích cực, một cách bình thường, nhất là khi đã trải qua biết bao nhiêu việc, bao nhiêu biến cố. Tôi chỉ mong, mỗi sản phẩm khi phát hành ra, cả đĩa vật lý hay nhạc số (tôi bắt đầu chú tâm hơn đến kênh YouTube và sẽ phát triển nó), sẽ nhận được sự quan tâm, ủng hộ của mọi người. Như vậy đã là vui, là tốt đẹp với người ca hát rồi.
* Tưởng như là mong muốn đơn giản nhưng đó cũng chính là tất cả đối với một ca sĩ?
– Thật ra mong mỏi của tôi, từ khi tiếp cận việc làm đĩa than, cũng như đến khi quyết định làm đĩa Một đời yêu anh này, tôi mong và muốn mình đi theo hẳn “con đường” này. Và cụ thể hơn một chút, tôi sẽ mong mọi người đón nhận khi mình sẽ hướng về một điều gọi là hát nhạc Việt, nhưng chuyển qua jazzy. Tôi nghĩ mình rất phù hợp với màu sắc này. Khi nghe Một đời yêu anh khán giả sẽ cảm nhận được điều đó, thậm chí bài hát chủ đề tôi cũng hát hơi jazzy. Tôi hy vọng mình sẽ được phát triển nhiều hơn theo hướng đi này.
Hương Giang cho biết đa số ca khúc trong đĩa than này lần đầu cô thể hiện |
* Chị vừa nhắc đến bài hát chủ đề, vì sao chị chọn Một đời yêu anh?
– Ý tưởng chọn bài chủ đề này là từ Đức Trí. Và thực sự nó cũng có ý nghĩa. Năm ngoái, ông xã Hương Giang mất trong dịch Covid-19. Tôi làm đĩa này, với bài hát đó, như là một món quà mà Hương Giang và mọi người cùng dành cho anh ấy…
* Chị tự đánh giá về mức độ hài lòng cho đĩa nhạc này thế nào?
– Mấy hôm nay tôi thật sự cảm thấy rất sướng, vì nhìn lại mọi điều, tất cả ê kíp thực hiện đĩa từ làm bìa cho đến âm thanh, âm nhạc, chọn bài… đều hoàn hảo, trừ tôi hát (cười). Khi chia sẻ niềm vui này với anh Dũng Đà Lạt (là guitarist chơi trong band cho album), tôi cũng đã nói như vậy, thì ảnh cười bảo “không, em hát rất hay”. Tôi nghĩ chắc ca sĩ nào cũng vậy, khi làm xong album hay sản phẩm nào, nghe lại cũng “soi” ra lỗi cả, và luôn ước gì có thể làm lại. Ngày trước tôi rất khó chịu về điều này, nhưng bây giờ tôi đã biết bỏ bớt điều đó đi vì thấy như thế chỉ làm khó mình thôi. Những lỗi nho nhỏ về cách hát có thể… hoan hỉ bỏ qua, tôi nghĩ vậy, chỉ cần có cảm xúc tốt là được.
* Và câu hỏi ngoài lề một chút, đến nay, Hương Giang dường như là một trong số ít những ca sĩ hiếm khi xuất hiện trên các game show liên quan đến ca hát…
– Tham gia game show, dù vai trò gì, cũng là một cách hay để ca sĩ giới thiệu hoặc tiếp cận khán giả. Nhưng chắc ai cũng biết, đó là con dao hai lưỡi.
Với ca sĩ 25 năm trong nghề như tôi, nổi thì không phải nổi nhưng nói không có tiếng cũng không đúng, nhất là trong giới. Khán giả có thể không biết Hương Giang nhiều nhưng trong giới hầu như ai cũng biết. Chỉ cần nghe tôi nói mình đi chơi game hay được mời thi game show là họ đã la làng lên rồi, họ phản ứng vui kiểu “chị mà thi ai chấm chị!”.
Đã là ca sĩ “có tuổi” trong nghề với kinh nghiệm bao nhiêu năm thì không nên để bị dẫn dắt trong những câu chuyện của các “trò chơi” truyền hình. Thực sự tôi đã chứng kiến những người bạn, đồng nghiệp của mình, sau tham gia game show và bị ảnh hưởng tinh thần sau đó thế nào, có khi chỉ vì một câu trả lời – chia sẻ mà bị khán giả quay lưng…
Tôi nghĩ rằng, những ca sĩ như tôi nên tham gia những chương trình truyền hình không có tính chất thi thố. Vì thi, tự nhiên mình đẩy mình và cả ban tổ chức vào thế khó, mà người ngồi ghế nóng cũng… nằm vào thế khó (cười). Nên tốt nhất đừng làm khó nhau, Mình cứ làm tốt công việc của mình như lâu nay Hương Giang vốn được biết đến như vậy!
Không phải danh ca hay ngôi sao, mà là một giọng hát!
Nhiệm vụ của những người sản xuất là phải luôn luôn nghĩ đến một điều rằng, phải dành cho khán giả sự thú vị. Để thú vị, phải làm sao mang đến những điều người ta không đoán được, và cũng vừa có những điều người ta biết chắc rằng nó sẽ phải như thế nhưng họ vẫn thấy được sự bất ngờ, dù rất nhỏ thôi. Bởi chúng ta cũng không cần quá nhiều đột phá trong chuỗi những sản phẩm đã được định hình.
Hầu hết những bài hát trong đĩa không có thời gian, nó không nên được gọi là những bài hát cũ hay xưa mà chỉ là những bài hát hay. Nếu chúng ta còn nghe đến ngày hôm nay, rõ ràng đó là nhạc của ngày hôm nay. Chỉ khác là chúng tôi không dùng âm thanh điện tử, không dùng cách phối hiện đại mà theo hướng truyền thống, sử dụng các nhạc cụ truyền thống.
Tôi có kho nhạc cụ đã để dành từ lâu, cứ mỗi lần làm đĩa, tôi thường giới thiệu một nhạc cụ. Có đĩa tôi giới thiệu tiếng sáo ocarina, hay như Một đời yêu anh có accordion, clarinat. Và để “săn lùng” những người chơi nhạc cụ này cũng là cuộc trải nghiệm thú vị của người làm đĩa.
Khi biên tập đĩa này, tôi rất muốn được xem đây là Vol.1 của Hương Giang. Tôi muốn Hương Giang trở thành người không phải được gọi là danh ca hay ngôi sao, tôi dùng từ giọng hát, là một giọng hát mà mọi người sẽ yêu thích, giống như giới nghe âm thanh vẫn thích Stacey Kent, Diana Krall, Norah Jones… – những giọng hát họ nghe hằng ngày và không thấy mệt.
Sự chuẩn bị cho tất cả các khâu, từ những gì nhìn thấy được (hình ảnh, con chữ trên bìa, cách đóng gói), nghe thấy được (âm thanh) lẫn cảm nhận được (không gian âm nhạc)… chỉ để giới thiệu một giọng hát qua những bài hát hay; phần phối lùi về sau để đệm cho giọng hát.
Về giọng hát, tôi chọn rất nhiều bài trong đĩa gắn liền với một tên tuổi, là ca sĩ Thanh Thúy. Dù Hương Giang không liên quan gì đến giọng hát cô Thanh Thúy, nhưng vì giọng hát Thanh Thúy là giọng hát ám ảnh được người nghe. Và tôi không hiểu sao lại tìm thấy sự tương đồng giữa cách hát của Hương Giang và cô Thanh Thúy. Tôi cố tình tìm nhiều bài Thanh Thúy từng hát và để cho Hương Giang “đấu” chơi. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng những bài hát này đều có điểm chung là trầm, buồn. Và những bài hát trầm, buồn thì đúng là để nghe, không để khoe khoang hay trưng trổ… (Nhạc sĩ Đức Trí).
Nguồn: thanhnien.vn