Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa) chủ trì hội nghị |
Chính sách visa, xúc tiến… đều thua
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điểm lại các mốc thời gian quan trọng kể từ khi Việt Nam mở cửa kinh tế sau đại dịch. Trong đó, sau nhiều cuộc họp bàn cãi, ngày 15.3, Việt Nam đã tuyên bố với cả thế giới chính thức mở cửa du lịch.
Khẳng định quyết định mở cửa sớm là đúng, song, Thủ tướng Phạm Minh Chính trăn trở: “Vì sao chiến dịch vắc – xin Việt Nam ‘đi sau về trước’ nhưng du lịch lại ‘đi trước về sau?’. Vì sao du lịch nội địa phục hồi nhanh chóng, vượt cao điểm 2019 nhưng du lịch quốc tế vẫn còn nhiều điểm nghẽn? Nguyên nhân do cơ chế hay cách làm, do thể chế hay cách thức thực hiện? Chúng ta có quyết tâm phát triển, đột phá du lịch trong năm 2023 hay không?”.
Lý giải những vấn đề mà Thủ tướng đặt ra, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, từ sau khi mở cửa chính thức, các bộ, ngành cũng đã ban hành các chính sách kịp thời như khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh như trước khi có dịch; không yêu cầu có chứng nhận tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19; dừng việc khai báo y tế đối với người nhập cảnh từ ngày 27.4; đồng thời từ 15.5, du khách tới Việt Nam không phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh.
Song song, ngành du lịch đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều sự kiện truyền thông lớn. Nhiều hoạt động quảng bá du lịch của địa phương tạo ấn tượng, gây được tiếng vang.
“Kết quả là ngay sau khi mở cửa, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh. Du lịch nội địa bùng nổ, trở thành bệ đỡ của toàn ngành. Đến thời điểm này, ngành du lịch đã đóng góp ngân sách gần 5.000 tỉ đồng. Thế nhưng, thị trường quốc tế vẫn chưa được như kỳ vọng. Lường trước những khó khăn nên ngành du lịch chỉ đặt chỉ tiêu khiêm tốn, đón 5 triệu khách quốc tế nhưng đến nay mới đạt 70%, đón khoảng 3,5 triệu lượt khách” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thông tin.
Phân tích cụ thể nguyên nhân khách quan, người đứng đầu ngành du lịch chỉ rõ: Trước đây, cơ cấu khách quốc tế của Việt Nam chủ yếu là thị trường Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… (trước dịch chiếm tới khoảng 70% thị trường). Các nước này hiện nay mới bắt đầu khởi động lại, chưa thực sự mở cửa. Trong khi đó, một số thị trường châu Âu, Nga bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga – Ukraina. Ngoài ra, xu hướng chọn điểm đến của khách Âu có thay đổi sau 2 năm dịch. Họ chọn những điểm đến gần thay vì tới thị trường xa như Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Thế nhưng, nguyên nhân chủ quan mới là quan trọng nhất. Cụ thể, trong bối cảnh có sự cạnh tranh ngày càng lớn của các quốc gia trong khu vực, nhiều nước có cách làm mở với chính thức thị thực thông thoáng. Đơn cử, Singapore, Malaysia miễn thị thực cho 162 quốc gia và vùng lãnh thổ; con số này ở Philippines là 157, Thái Lan là 67, trong khi Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Số lượng ít, thời hạn miễn thị thực cũng ngắn – chỉ 15 ngày, chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách du lịch quốc tế, đặc biệt là các thị trường xa như châu Âu thường đi du lịch 3 – 4 tuần. Điều này tác động rất lớn, làm giảm năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa chuyển hướng được thị trường khách, từ Bắc Á sang châu Âu và châu Mỹ. Một trong những nguyên nhân do chưa có cơ quan làm nhiệm vụ xúc tiến nước ngoài. Sau nhiều năm kiến nghị, Việt Nam vẫn chưa có có chính sách mở văn phòng đại diện du lịch quốc gia ở nước ngoài. Trong khi đó, Thái Lan có 27 văn phòng đại diện du lịch ở các quốc gia khác. Đây là mạng lưới kết nối, quảng bá quan trọng mà Việt Nam chưa làm được.
Đặt mục tiêu khiêm tốn nhưng Việt Nam vẫn không đạt chỉ tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong 2022 |
Ba năm nữa có vượt nổi Thái Lan?
Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân đánh giá du lịch là hạ tầng của đối ngoại của đất nước. Du lịch phát triển thì hàng không mới phát triển, mới kết nối mọi người, giải quyết được tới 2 triệu công ăn việc làm trực tiếp. Đi theo du lịch là thương mại, giải quyết chuỗi vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng mà các doanh nghiệp đang khó khăn và đặc biệt là mở đường cho luồng đầu tư nước ngoài.
“Với những tác động lan tỏa như vậy, Việt Nam có nên phấn đấu trở thành một cường quốc du lịch hay không? Nếu đặt mục tiêu như vậy thì chúng ta phải cạnh tranh trên toàn bộ các phương diện. Mới đây trong cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch, chúng tôi đặt mục tiêu: Bóng đá mình thắng được Thái Lan, không có lý gì du lịch lại thua họ” – ông Trương Gia Bình nói.
Để đạt mục tiêu này, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân đề xuất: Về mặt truyền thông, nên dành không gian để giới thiệu, quảng bá, thay đổi nhận thức về du lịch Việt Nam. Đặc biệt, cần có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách.
“Nếu Thái Lan miễn thị thực cho 67 nước thì Việt Nam miễn cho bao nhiêu nước để không thua? Nếu họ cho khách lưu trú thời gian dài 60 – 90 ngày thì Việt Nam có thua không? Vì sao thua? Cuối cùng là nên bỏ các quy định không cần thiết như yêu cầu bảo hiểm Covid-19 trị giá 10.000 USD… Chúng ta hãy mạnh dạn đặt mục tiêu vượt Thái Lan trong 3 năm tới. Nếu đạt được thì chắc chắn Việt Nam sẽ vươn lên trở thành cường quốc du lịch” – ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Trước quan điểm của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhìn nhận: Khó! Không phải chỉ riêng Việt Nam tính chuyện khôi phục sớm du lịch. Các nước khác cũng quyết tâm phục hồi rất mạnh mẽ. Trong 2022, du lịch nội địa Thái Lan đã đạt khoảng 180 triệu lượt khách/70 triệu dân, tỉ lệ đạt khoảng 2,6 lượt người/năm. Việt Nam lập kỷ lục với 101 triệu lượt khách nội địa, chia trên tỷ lệ đầu người được hơn 1 lượt người/năm.
“Khách nội địa là dễ nhất của chúng ta mà còn thua Thái Lan tới 2,6 lần thì muốn vượt thị trường khách quốc tế, phải quyết tâm mạnh mẽ hơn rất nhiều” – ông Vũ Thế Bình khẳng định.
Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam đề xuất về chính sách visa, trước khi được chấp thuận mở rộng chính sách miễn visa và tăng giới hạn lưu trú cho khách lên 30 ngày theo kiến nghị của Bộ VHTTDL, cần trở lại trạng thái đồng bộ, nhuần nhuyễn, thuận lợi như đã làm được vào năm 2019. Các bộ, ngành phối hợp với nhau thật chặt chẽ, khách vào chỉ cần nộp hồ sơ 2 – 3 ngày là có được visa, mở visa cửa khẩu, mở visa cho khách tàu biển…
Hội nghị cũng ghi nhận rất nhiều ý kiến của các doanh nghiệp du lịch, hàng không đề nghị Thủ tướng có những quyết sách mạnh mẽ, gỡ nút thắt visa, tăng cường công tác xúc tiến, củng cố nguồn lực cho hệ thống hạ tầng du lịch trong nước… để du lịch Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội phục hồi nhờ chính sách vắc-xin “đi sau về trước”.
Nguồn: thanhnien.vn