Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính điểm lại các mốc thời gian quan trọng kể từ khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế sau đại dịch. Trong đó, sau nhiều cuộc họp, ngày 15.3, Việt Nam tuyên bố với cả thế giới chính thức mở cửa du lịch.
Khẳng định quyết định mở cửa sớm là đúng đắn, song, Thủ tướng trăn trở: “Vì sao chiến dịch vắc xin Việt Nam “đi sau về trước” nhưng du lịch lại “đi trước về sau?”. Vì sao du lịch nội địa phục hồi nhanh chóng, vượt cao điểm 2019 nhưng du lịch quốc tế vẫn còn nhiều điểm nghẽn? Nguyên nhân do cơ chế hay cách làm, do thể chế hay cách thức thực hiện? Chúng ta có quyết tâm phát triển, đột phá du lịch trong năm 2023 hay không?”.
Du khách nước ngoài mua đồ ở chợ Bến Thành |
Hụt hơi trong cuộc cạnh tranh điểm đến
Lý giải những vấn đề mà Thủ tướng đặt ra, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết ngoài những nguyên nhân khách quan về thị trường nguồn khu vực Đông Bắc Á chưa thực sự mở cửa, một số thị trường châu Âu, Nga bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga – Ukraine…, một trong những nguyên nhân chủ quan tác động mạnh nhất tới kết quả không đạt chỉ tiêu đón 5 triệu khách của ngành du lịch trong năm qua là chính sách visa kém cạnh tranh.
Trong bối cảnh có sự cạnh tranh ngày càng lớn của các quốc gia trong khu vực, nhiều nước có cách làm mở với chính sách thông thoáng. Đơn cử, Singapore, Malaysia miễn thị thực cho 162 quốc gia và vùng lãnh thổ; con số này ở Philippines là 157, Thái Lan là 67, trong khi Việt Nam chỉ dừng lại ở con số 24. Số lượng ít, thời hạn miễn thị thực cũng ngắn (chỉ 15 ngày), chưa phù hợp nhu cầu du lịch dài ngày của khách du lịch quốc tế, đặc biệt là các thị trường xa như châu Âu thường đi du lịch 3 – 4 tuần.
Bên cạnh đó, sau nhiều năm kiến nghị, Việt Nam vẫn chưa có chính sách mở văn phòng đại diện du lịch quốc gia ở nước ngoài, trong khi Thái Lan có 27 văn phòng đại diện du lịch ở các quốc gia khác. Đây là mạng lưới kết nối, quảng bá quan trọng mà Việt Nam chưa làm được.
Từ góc độ hàng không, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, lại cho rằng vấn đề lớn nhất của ngành du lịch trong 2023 là cạnh tranh điểm đến mang tầm quốc gia. Dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế chỉ ra rằng thị trường vận tải hàng không toàn cầu đang đạt mức phục hồi 66% so với trước dịch, thị trường nội địa là 82%. Tuy nhiên, trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mức phục hồi chỉ đạt 44%. Dự báo năm 2023, vận tải hàng không quốc tế sẽ quay về mức 80%, nội địa đạt tới mức 95% so với trước dịch với mức lãi nhỏ nhưng khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn chỉ ở mức thấp hơn 70% và tiếp tục lỗ 6,9 – 7 tỉ USD.
“Những con số này cho thấy Việt Nam nằm trong vùng trũng của sự phục hồi ngành hàng không. Hàng không gắn chặt với du lịch và đây là thách thức rất lớn. Các nước trong khu vực sẽ có các chính sách mạnh mẽ để thu hút và phát động thị trường khách. Điều này tạo nên sự cạnh tranh rất lớn về điểm đến mang tầm quốc gia”, ông Lê Hồng Hà khẳng định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam |
Cũng theo ông Lê Hồng Hà, thời gian qua, Vietnam Airlines đã thực hiện khôi phục toàn bộ các thị trường quốc tế với tần suất khai thác dần trở lại với mức 2019. Doanh nghiệp (DN) sẵn sàng phục vụ kết nối hàng không cho sự trở lại của thị trường du lịch. Đồng thời cũng tổ chức nhiều chương trình, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, những hoạt động này còn mang tính đơn lẻ, chưa đủ sức cạnh tranh lôi kéo khách, đặc biệt khi đặt cạnh các chương trình cạnh tranh rất “khủng” của các nước xung quanh.
Cần quyết sách mạnh để gỡ “nút thắt” visa
Muốn vượt thị trường quốc tế, phải quyết tâm mạnh mẽ hơn
Không phải chỉ riêng Việt Nam tính chuyện khôi phục sớm du lịch. Các nước khác cũng quyết tâm phục hồi rất mạnh mẽ. Trong 2022, du lịch nội địa Thái Lan đã đạt khoảng 180 triệu lượt khách/70 triệu dân, tỷ lệ đạt khoảng 2,6 lượt người/năm. Việt Nam lập kỷ lục với 101 triệu lượt khách nội địa, chia trên tỷ lệ đầu người được hơn 1 lượt người/năm. Khách nội địa là dễ nhất của chúng ta mà còn thua Thái Lan tới 2,6 lần thì muốn vượt thị trường khách quốc tế, phải quyết tâm mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Sun Group, cho biết đối với các DN phát triển du lịch, thị trường quốc tế cực kỳ quan trọng. Năm 2019, tuy lượng khách quốc tế chỉ bằng 1/5 khách nội địa nhưng doanh thu từ thị trường này chiếm tới 55%. Thế nhưng, hiện khách quốc tế giảm rất mạnh. Đơn cử như khu nghỉ dưỡng Bà Nà Hill tại Đà Nẵng, lượng khách quốc tế năm 2019 chiếm tới 90%, sau đại dịch chỉ còn 10%, ảnh hưởng rất lớn tới doanh thu DN cũng như nền kinh tế địa phương. Theo ông Đặng Minh Trường, về chất lượng dịch vụ và sản phẩm mới, DN cùng các địa phương hoàn toàn có thể đảm đương được. Tuy nhiên, để du lịch thực sự phục hồi, cần sự vào cuộc của nhà nước thay đổi 2 chính sách quan trọng là visa và công tác truyền thông, xúc tiến.
Cụ thể với chính sách visa, ông Đặng Minh Trường đề xuất, mở rộng thêm các nước được miễn thị thực, trong đó tập trung vào thị trường tiềm năng, chi tiêu tốt như Mỹ, Canada, New Zealand, Thụy Sĩ…, đồng thời áp dụng chính sách thị thực lưu trú dài hạn có thể 1 năm hoặc vài năm như một số nước đã áp dụng thành công như Singapore, Thái Lan… Nhu cầu khách quốc tế đến Việt Nam muốn có ngôi nhà thứ 2, ở dài hạn, nếu được áp dụng không chỉ giúp ngành du lịch mà còn là hướng để giải quyết thị trường bất động sản trong nước.
Du khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt được mức như kỳ vọng |
Đồng tình, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ đánh giá Việt Nam đã bỏ lỡ những cơ hội từ việc kiểm soát dịch tốt và mở cửa sớm. Dù các DN đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng “nút thắt” lớn nhất là chính sách thị thực kém cởi mở vẫn chưa được các bộ liên quan cùng Chính phủ quyết tâm tháo gỡ. Cùng với đó, dù mở cửa nhưng công tác xúc tiến, quảng bá du lịch gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các đại sứ quán. Tại các thị trường chính của du lịch Việt Nam thì cần các cơ quan tham tán, tập trung đẩy thật mạnh công tác này để theo kịp các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Singapore.
“DN không ngại khó, không ngại khổ, lăn lộn được nhưng chính sách hậu phương không được tháo gỡ sẽ làm nản lòng chiến sĩ. Hy vọng Thủ tướng sẽ có những quyết sách nhanh, mạnh như chính sách về vắc xin để đột phá du lịch, không lãng phí những nỗ lực về kiểm soát dịch bệnh mà Việt Nam đã đạt được”, ông Nguyễn Quốc Kỳ kỳ vọng.
Áp dụng e-visa cho tất cả các quốc gia từ 1.1.2023
Chính phủ trong giai đoạn này chưa thể sửa luật để mở rộng chính sách miễn visa cho du khách nước ngoài. Vì thế, cần nhanh chóng thay đổi phương thức cấp visa. Bộ Công an ngay trong ngày hôm nay nộp đề xuất mở rộng diện cấp visa điện tử cho công dân tất cả các nước, Chính phủ sẽ sớm phê duyệt để áp dụng ngay từ 1.1.2023.
Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam
Trước khi được chấp thuận mở rộng chính sách miễn visa và tăng giới hạn lưu trú cho khách lên 30 ngày theo kiến nghị của Bộ VH-TT-DL, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng cần trở lại trạng thái đồng bộ, nhuần nhuyễn, thuận lợi như đã làm được vào năm 2019. Các DN phản ảnh tốc độ xử lý hồ sơ hiện nay rất chậm. Vì thế, các bộ, ngành phối hợp với nhau thật chặt chẽ, khách vào chỉ cần nộp hồ sơ 2 – 3 ngày là có được visa, mở visa cửa khẩu, mở visa cho khách tàu biển…
Cung cấp sản phẩm khách cần
Sau khi lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành cùng DN, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định trước đại dịch, du lịch Việt Nam cũng chưa có khả năng cạnh tranh cao, sau đại dịch tiếp tục đi sau, chứng tỏ chưa có đột phá. Đại dịch Covid-19 tác động, gây hậu quả tới nhiều ngành, nhiều nghề nhưng ngành du lịch chịu tác động nặng nề hơn. Do đó, các cấp, các ngành, DN, các địa phương đã cố gắng, nỗ lực rồi phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, linh hoạt, sáng tạo hơn nữa, thay đổi cách tư duy, tiếp cận mới trong xử lý các vấn đề cụ thể, sát điều kiện và tình hình thế giới hiện nay.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải xem xét cơ cấu lại sản phẩm du lịch theo hướng đặc sắc, cung cấp những dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không chỉ cái chúng ta sẵn có”.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam đã đón 2,9 triệu khách quốc tế, tăng 21,1 lần so cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch. Trong số 2,9 triệu khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng thì có 2,7 triệu khách du lịch (chiếm 93,1%). Tính chung cả năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Trong khi đó, khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt, tăng hơn gấp rưỡi so mục tiêu đặt ra 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỉ đồng, vượt hơn 23% so kế hoạch năm 2022 và bằng 66% so năm 2019.
Về những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trước hết, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng miền, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế. Chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị, hình thành nên các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực…
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế, trong đó các vấn đề liên quan visa, thuế… việc nào thuộc thẩm quyền của các bộ thì chủ động triển khai, thuộc Chính phủ thì trình ngay, thuộc thẩm quyền Quốc hội thì khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Quốc hội. Đặc biệt, phải đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại, lưu trú cho khách du lịch quốc tế.
“Để du lịch thực sự là ngành mũi nhọn, ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, sự hợp tác, cạnh tranh bình đẳng và luôn làm mới chính mình của các DN. Tất cả cùng phải cố gắng, cùng tìm ra giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, lợi thế đất nước, chung sức đồng lòng khôi phục và phát triển ngành du lịch hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trường hợp nào khách du lịch tàu biển không thể lên bờ chỉ vì visa, doanh nghiệp chỉ rõ để chúng tôi xử lý ngay
Bộ Công an luôn đồng hành và tham mưu để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện thông thoáng về thị thực. Sau khi thực hiện thí điểm e-visa, Bộ Công an đang tiếp tục nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống visa điện tử nói riêng cũng như công tác xuất nhập cảnh nói chung. Từ 15.3, Bộ Công an đã khôi phục hoàn toàn chính sách thị thực như trước dịch. Đồng thời, áp dụng nhiều quy định, chính sách tạo thuận lợi cho phù hợp với tình hình mới.
Về việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và áp dụng các giao dịch điện tử trong việc mời bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh, hồ sơ thủ tục đơn giản và được thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử. Các cơ quan, tổ chức có thể nộp, nhận kết quả trả lời và đề nghị xét duyệt trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, không cần trực tiếp đến các cơ quan xuất nhập cảnh. Bên cạnh đó, người nước ngoài quá cảnh vào Việt Nam có nhu cầu vào nội địa tham quan cũng được xét thị thực phù hợp trong thời gian quá cảnh.
Ngoài ra, đối với công dân đến từ 80 quốc gia, vùng lãnh thổ được cấp e-visa, cũng đề nghị cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam mà không cần thông qua cơ quan, tổ chức bảo lãnh. Theo quy định, thị thực du lịch cấp cho người nước ngoài có thời hạn đến 3 tháng và được cấp tạm trú ở cửa khẩu thời hạn đến 30 ngày. Đủ điều kiện theo yêu cầu của Chính phủ thì sẽ được cấp visa.
Quy định của luật nhưng nhiều cơ quan, tổ chức chưa nắm rõ nên mới kiến nghị kéo dài thời gian lưu trú cho du khách. Quy định cấp thị thực cho khách tàu biển hiện rất thuận lợi theo chính sách. Khách du lịch tàu biển nào đến Việt Nam không được lên bờ chỉ vì không được cấp thị thực, các DN chỉ rõ, chúng tôi xử lý ngay. Có đơn vị nào vi phạm sẽ xử lý ngay.
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quan
Nguồn: thanhnien.vn