Tuesday, November 26, 2024

Muôn chuyện ngán ngẩm về những băng chuyền hành lý ở sân bay Việt Nam

Chen nhau lấy hành lý

“Trải nghiệm tồi tệ nhất của mình tại các sân bay Việt Nam là khi lấy hành lý ở băng chuyền. Ai cũng cố ủn chiếc xe đẩy của họ vào sát băng chuyền cho bằng được. Một cái xe đẩy đã to, lại còn thêm họ đứng bên cái xe đẩy, thành ra chiếm luôn một đoạn băng chuyền không cho ai chen vào được” – sau chuyến bay gần 10 tiếng từ Qatar, anh Đ.Hùng (TP.HCM) vừa đáp sân bay Tân Sơn Nhất đã phải ngán ngẩm chia sẻ trên trang cá nhân.

Theo anh Hùng, không chỉ hành khách giành nhau chỗ để lấy hành lý sớm hơn người khác, các nhân viên bốc xếp thuộc cảng còn “chiếm cứ” luôn các khu vực thuận lợi để khuân đồ của họ, mặc cho những hành khách khác bị đánh dạt ra phía sau. Điều này càng tạo nên cảnh nhốn nháo như chợ chồm hổm ngay tại khu vực băng chuyền của một sân bay lớn như Tân Sơn Nhất.

“Tại sao người ta không để xe đẩy cách xa băng chuyền tầm 2m, rồi đứng quan sát, thấy hành lý của mình tới thì bước vào kéo ra xe đẩy? Hầu hết sân bay nước ngoài mà mình đi thì hoặc là dân có ý thức cao nên không xảy ra trò ‘pressing băng chuyền’, hoặc là họ vẽ một cái vạch giới hạn cho xe đẩy hành lý. Sân bay ở Bangkok có vạch này. Cái này trước hết do khâu tổ chức của đơn vị phụ trách sân bay, sau đó là ý thức con người” – anh Đ.Hùng đặt vấn đề.

Muôn chuyện ngán ngẩm về những băng chuyền hành lý ở sân bay Việt Nam

Hành khách chờ lấy hành lý tại sân bay Nội Bài

Bên dưới bài đăng của anh Hùng, có tới hàng trăm bình luận cùng chung nỗi bức xúc. Nhiều người than dù mình lịch sự đứng ở xa chờ hành lý tới nhưng cũng không tránh khỏi bị người khác chen lên, va quệt. Trong khi có người cho rằng hành khách ý thức kém thì bộ phận quản lý phải biết cách giám sát tốt hơn. Có thể học tập các sân bay nước ngoài, kẻ một vạch ngăn cách để chấm dứt tình trạng hỗn loạn này.

Câu chuyện của anh Đ.Hùng không phải chuyện mới, chuyện lạ mà đã tồn tại nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ được đặt ra và giải quyết một cách nghiêm túc, quyết liệt. Một giảng viên của một trường đại học lớn tại TP.HCM nhận định: Tâm lý muốn chiếm lợi thế hơn người khác, muốn nhanh hơn người khác khiến nhiều người có thể vẫn ý thức được việc chen lấn là xấu, nhưng ngay khi đó, họ đã không kiểm soát được bản thân mình.

“Tại những nhà ga hàng không, nơi có nhiều hành khách là người nước ngoài. Văn hóa xếp hàng thể hiện được sự thân thiện, văn minh của nước chủ nhà với khách quốc tế. Vậy mà chúng ta còn chưa làm tốt thì không thể nói đến chuyện kêu gọi ý thức và văn hóa xếp hàng trong đời sống xã hội nói chung được” – vị này nhấn mạnh.

Hành lý bị nứt vỡ, mất cắp

Cùng lúc ghi nhận phản ánh của anh Đ.Hùng, chúng tôi nhận được hình ảnh của bạn đọc K.L (TP.HCM) gửi về – một chiếc vali vỡ nát phần góc sau 2 giờ bay từ TP.HCM ra Nội Bài và chưa đầy 1 vòng nằm trên băng chuyền hành lý tại sân bay Nội Bài.

Kể lại chi tiết “chuyến đi bão táp”, chị K.L cho biết khi tới sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục cho chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội tối muộn 21.12, do hành lý quá cân quy định nên chị phải mua tại chỗ gói 10kg hành lý ký gửi với giá hơn 400.000 đồng.

Ở đầu TP.HCM, nhân viên làm thủ tục lâu vì trục trặc máy móc. Sân bay vắng tanh mà gần 20 phút chưa bán được gói hành lý. Chuyến bay theo kế hoạch cất cánh lúc 21 giờ nhưng delay tới gần 21 giờ 45 mới bay. Hạ cánh tại Nội Bài phải chờ thêm gần 20 phút với lý do kẹt sân đỗ.

“Vào tới khu lấy hành lý, nhận được chiếc vali tôi hết hồn. Từng chứng kiến nhiều người tức giận ghi nhận về thùng hành lý ký gửi rách bươm nhưng không ngờ hôm nay tới lượt chính mình. Không hiểu họ quăng quật tới cỡ nào mà thành ra như vậy” – chị K.L bức xúc.

Muôn chuyện ngán ngẩm về những băng chuyền hành lý ở sân bay Việt Nam

Hành lý của chị K.L bị vỡ sau khi ký gửi theo chuyến bay từ TP.HCM – Hà Nội

Thực tế, hành lý ký gửi bị quăng quật, bị rách, móp méo; hành lý xách tay bị chôm chỉa ngay trên máy bay; nhân viên bốc xếp trộm đồ của khách… là những thực trạng của ngành hàng không khiến nhiều hành khách, đặc biệt khách bay các chuyến quốc tế luôn nơm nớp lo lắng.

Anh L.H.V, từng làm nhân viên bốc xếp trực thuộc công ty phục vụ mặt đất của một hãng hàng không tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), chia sẻ hành lý trong hầm hàng máy bay đều được xếp trong các thùng hàng lớn bằng kim loại, mỗi thùng chứa vài chục vali, kiện hàng. Một nhân viên sẽ đứng trong máy bay chuyển cho nhân viên bên ngoài, đưa lên băng chuyền ra khỏi bụng máy bay.

Hành lý sau đó sẽ được đưa lên xe chở vào khu vực băng chuyền trước khi tới tay hành khách. Với các chuyến bay đi, hành lý sẽ được chở từ điểm cuối khu vực băng chuyền trong sân bay ra bằng xe, sau đó nhân viên bốc xếp sẽ xếp các hành lý lên băng chuyền chạy thẳng lên bụng máy bay. Đây cũng là khâu hành lý bị quăng quật “không thương tiếc”, dẫn tới bị móp méo, thậm chí bung rách.

Theo quy định trách nhiệm bồi thường, với các chuyến bay quốc tế, mức bồi thường với hành lý thất lạc tối đa 20 USD/kg hành lý ký gửi và tối đa 400 USD/hành khách với hành lý xách tay (các đường bay châu Âu có mức bồi thường riêng). Với các đường bay nội địa, hành khách được bồi thường theo cân nặng hành lý, tối đa 200.000 đồng/kg.

Nhiều hành khách cho rằng, việc được bồi thường với hành lý bị rách, bị móp méo khó khăn do vướng “hàng rào quy định” từ các hãng, trong khi mức bồi thường lại không thấm vào đâu so với giá trị đồ bị hư hỏng.

Hành lý vào muộn hàng giờ đồng hồ

Tình trạng chen lấn, hành lý bị hư hỏng càng khiến hành khách bức xúc hơn khi trước đó đã phải trải qua thời gian chờ đợi mỏi mòn vì hành lý đến trễ.

Như Thanh Niên đã nhiều lần phản ánh, thời gian qua, hành khách vô cùng bức xúc về tình trạng chờ mỏi mòn cả tiếng đồng hồ mới lấy được hành lý ký gửi sau khi đáp chuyến bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Ban đầu, việc chậm trễ thường xảy ra đối với các chuyến bay khung giờ tối nhưng gần đây, ngay cả những chuyến bay giờ đẹp cũng không tránh khỏi chờ đợi.

Theo quy định của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam về chất lượng dịch vụ khu vực băng chuyền hành lý đến, đối với chuyến bay quốc tế, kiện hành lý đầu tiên di chuyển đến cuối băng chuyền trong vòng 20 phút từ lúc chuyển lên đầu băng chuyền. Thời gian này đối với các chuyến bay nội địa chỉ là 10 phút.

Thế nhưng thực tế, thời gian mà hành khách phải chờ đợi hiện nay tại sân bay Tân Sơn Nhất gấp từ 4 – 7 lần quy định.

Muôn chuyện ngán ngẩm về những băng chuyền hành lý ở sân bay Việt Nam

Những băng chuyền hành lý đang dần trở thành nỗi ám ảnh của hành khách khi đáp xuống các sân bay ở Việt Nam

Theo lý giải của lãnh đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, nguyên nhân chính do hạ tầng Tân Sơn Nhất đã quá tải trầm trọng. Phục vụ lượng khách nhiều gấp gần 2 lần công suất thiết kế, phần sân đỗ của Cảng Tân Sơn Nhất quá chật chội, không phải máy bay nào cũng có thể đậu sát nhà ga. Những máy bay đậu xa thì thời gian chở hàng hóa vào tới khu vực băng tải có khi phải mất tới nửa giờ đồng hồ.

Ngay cả với những máy bay được đậu gần, vào tới sát nhà ga cũng không thoát khỏi cảnh chờ đợi bởi số lượng băng tải hiện nay quá ít so với số chuyến bay. Một băng tải nhiều khi phải đảm nhận trả hành lý cho 4 – 5 chuyến bay nhưng phải sắp xếp lần lượt từng chuyến 1 để tránh nhầm lẫn, náo loạn hành lý. Trong một số khung giờ cao điểm, 2 – 3 chuyến bay hạ cánh cùng lúc, sử dụng chung 1 băng tải hành lý sẽ phải chờ lần lượt.

Các sân bay không chỉ đơn thuần là 1 hạ tầng giao thông mà còn là cửa ngõ của đất nước. Chúng ta đang hết sức nỗ lực để thu hút du khách quốc tế, mời gọi đầu tư… nhưng nếu cứ để những hình ảnh xấu xí bên băng chuyền hành lí tồn tại thì những nỗ lực này có thể lại đổ sông, đổ biển.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img