Saturday, November 23, 2024

NSƯT Thúy Đạt: Đến với “Hát lên Việt Nam” bằng trái tim yêu nước



NSƯT Thúy Đạt gửi đến Cuộc vận động sáng tác ca khúc “Hát lên Việt Nam” bài “Màu cờ nước Việt”, thể hiện tình yêu mãnh liệt đối với quê hương, đất nước.

 

NSƯT Thúy Đạt nguyên là Biên tập viên Âm nhạc thuộc Phòng Dân ca và Nhạc Cổ truyền, Ban Âm nhạc VOV3, Đài TNVN. Khi biết thông tin về Cuộc vận động sáng tác ca khúc “Hát lên Việt Nam – Let’s sing Viet Nam”, NSƯT Thúy Đạt đã gửi đến ca khúc “Màu cờ nước Việt”.

Với ca khúc này, NSƯT Thúy Đạt hy vọng rằng: “Sẽ có nhiều bạn nghe bài hát mà tôi viết và cảm nhận được tình yêu của tôi đối với quê hương, đất nước. Để rồi sẽ có thêm nhiều sáng tác cho cuộc vận động Hát lên Việt Nam. Từ đó, chúng ta sẽ có thêm muôn vàn giai điệu đẹp ca ngợi đất nước, con người Việt Nam”.

PV VOV có cuộc trò chuyện với NSƯT Thúy Đạt:

PV: NSƯT Thúy Đạt có thể chia sẻ cảm nhận của mình về Cuộc vận động sáng tác ca khúc “Hát lên Việt Nam – Let’s sing Viet Nam” do Đài TNVN tổ chức?

NSƯT Thúy Đạt: Để chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng CSVN, kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, Đài TNVN đã phát động Cuộc vận động sáng tác ca khúc với chủ đề “Hát lên Việt Nam”. Đây là cuộc vận động rộng rãi nhất, toàn diện nhất cho các tác giả chuyên và không chuyên nghiệp trong nước cũng như người Việt Nam ở nước ngoài và cả những tác giả nước ngoài muốn chia sẻ tình yêu đối với Việt Nam.

Đề tài của cuộc thi cũng rất rộng, từ ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam đến ca ngợi sức trẻ, thành tựu trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Là một người Việt Nam, là một Nghệ sĩ Ưu tú của nền nghệ thuật nước nhà, Thúy Đạt cũng muốn đóng góp tình yêu đất nước, lòng đam mê nghệ thuật của mình với Cuộc vận động sáng tác ca khúc lần này của Đài Tiếng nói Việt Nam.

PV: Đó là lý do để NSƯT Thúy Đạt viết ca khúc mang tên “Màu cờ nước Việt”?

NSƯT Thúy Đạt: Đúng vậy! Bài hát “Màu cờ nước Việt” là tiếng lòng của Thúy Đạt, cảm xúc của Thúy Đạt đối với quê hương, đất nước, với các giá trị lịch sử. Bài hát chứa đựng những hình ảnh những con người Việt Nam cần cù chịu thương, chịu khó trong lao động, anh dũng trong chiến đấu, và tràn đầy sức sống để dựng xây Tổ quốc.

 

 

PV: Tại sao NSƯT Thúy Đạt lại chọn hình ảnh lá cờ làm chủ đề, hình tượng xuyên suốt ca khúc?

NSƯT Thúy Đạt: Khi nhắc tới Tổ quốc là nhắc tới quê hương Việt Nam, chúng ta sẽ nhớ ngay đến hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay. Lá cờ là hình ảnh đẹp nhất, tự hào nhất của mỗi quốc gia. Phải trải qua bao nhiêu hy sinh, mất mát thì đất nước chúng ta mới có được lá cờ độc lập tung bay. Đã có biết bao thế hệ ông cha không tiếc thân mình để bảo vệ nền độc lập ấy. Nên tôi muốn hình ảnh lá cờ xuyên suốt tác phẩm của mình. Nó như 1 chứng nhân lịch sử cho những mất mát đau thương của dân tộc, cũng như trước những thời khắc huy hoàng.

PV:  Được biết, trước đây NSƯT Thúy Đạt cũng đã sáng tác 1 số ca khúc. Vậy lần này với một tác phẩm về đề tài lớn là đất nước, bà có gặp khó khăn gì trong việc lựa chọn ngôn ngữ âm nhạc?

NSƯT Thúy Đạt: Tôi sáng tác ca khúc hoàn toàn bằng cảm xúc, bằng trái tim của mình chứ không được học sáng tác chuyên nghiệp. Là một nghệ sĩ hát cải lương dân ca các miền, tôi đã soạn đến hàng trăm bài lời mới cho dân ca và nhạc cổ truyền dân tộc, được phát trên làn sóng phát thanh. Nhưng bên cạnh đó thì những giai điệu của các thể loại khác như trữ tình, ca khúc cách mạng cứ ngân vang trong tôi. 

Mỗi lần có cảm hứng sáng tác, tôi đều ghi âm, hát ngay vào điện thoại. Có lần đang đi đường, chợt nghĩ ra một giai điệu, tôi tấp xe máy vào lề đường và đứng tại chỗ để ghi âm. Sau đó, tôi có nhờ con gái út là nhạc sĩ Thúy My chép nhạc lại giúp mẹ. Cứ như vậy, các ca khúc của tôi được ra đời với nhiều đề tài như chống dịch Covid-19, về mẹ, về Phật giáo, về quê hương, đất nước…

Đối với Thúy Đạt thì cái khó nhất khi viết ca khúc về hình ảnh đất nước thân yêu, đó là phải toát lên được sự hào hùng của mấy nghìn năm lịch sử nhưng vẫn phải có sự lãng mạn tình yêu giữa con người với con người, con người với quê hương. Lần nào cũng vậy, tôi thường hát đi hát lại nhiều lần rồi sửa giai điệu, sửa lời sao cho mình ưng ý. Tôi cũng rất hạnh phúc khi có một gia đình, các con đều hoạt động nghệ thuật cho nên chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhau.

PV: Khi tham dự cuộc vận động sáng tác ca khúc “Hát lên Việt Nam”, bà có mong muốn gì?

NSƯT Thúy Đạt:  Tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều bạn nghe bài hát mà tôi viết và cảm nhận được tình yêu của tôi đối với quê hương, đất nước. Để rồi sẽ có thêm nhiều sáng tác cho cuộc vận động Hát lên Việt Nam. Từ đó, chúng ta sẽ có thêm muôn vàn giai điệu đẹp ca ngợi đất nước, con người Việt Nam.

Cảm ơn Đài TNVN đã tạo nên một sân chơi cực kỳ lý thú, ý nghĩa cho tất cả tác giả trong nước cũng như quốc tế để hiểu thêm về Việt Nam và để ca ngợi sức chiến đấu bền bỉ, kiên trung chịu đựng và kiên cường, bất khuất của người Việt Nam . Những con người ấy đã tạo nên một Việt Nam anh hùng và tươi đẹp như ngày hôm nay.

PV: Xin cảm ơn NSƯT Thúy Đạt!/.

NSƯT Thúy Đạt sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc ở Nam Định, cha là nghệ nhân đàn bầu Nguyễn Tiếu, một trong người sáng lập Đoàn Ca Múa Nhạc Trung ương (nay là Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam). Anh của bà là nhạc sĩ, NSND Nguyễn Tiến (Nguyên Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội).

Năm 1969, Thúy Đạt học khóa 3 lớp Cải lương Trường Sân khấu Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Trước khi tốt nghiệp 2 tháng, bà đã mạnh dạn đến Đài Tiếng nói Việt Nam ứng tuyển và trúng tuyển vào làm việc tại tổ Cải lương, Đoàn Ca nhạc của Đài TNVN .

Năm 1998, bà chuyển sang công tác biên tập tại Phòng Dân ca và nhạc cổ truyền và ghi dấu ấn với thính giả qua các chương trình: “Chân dung nghệ sĩ cải lương”, “Giai điệu phương Nam”, “Yêu mãi khúc dân ca”, “Ơn nghĩa sinh thành”… cho tới lúc nghỉ hưu. 

Gia đình bà có 4 thành viên đều là những nghệ sĩ của VOV. Chồng của bà là cố NSƯT trống chèo Văn Hùng, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Ca nhạc dân tộc. Con gái cả theo nghiệp mẹ là biên tập Thúy Thúy công tác tại Phòng Dân ca và nhạc cổ truyền VOV3, còn con gái út thì theo nghiệp bố là nhạc sĩ, nghệ sĩ Thúy My công tác tại Đoàn Ca nhạc dân tộc Nhà hát Đài TNVN.

 

 

 

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.



PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img