Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các địa phương chú trọng thực hiện hiệu quả, an toàn công tác thu gom, vận, chuyển, xử lý rác thải
Công tác thu gom và xử lý rác thải góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu cách ly trên địa bàn TP HCM, TP Hà Nội và các tỉnh đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh là một trong những vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm.
Theo thống kê, trong giai đoạn dịch bệnh, năm 2020, có đến 75% người dân sống ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội sử dụng dịch vụ mua đồ ăn trực tuyến. Việc đặt món và giao đồ ăn tận nơi đã làm cho số lượng rác thải nhựa tăng đáng kể. Theo GS, TS Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, đồ nhựa dùng một lần tiện lợi và rẻ, nhưng lại tạo nên gánh nặng cho môi trường, bởi phần lớn các loại rác này không được tái chế, không thể tiêu hủy… Ngoài ra, dịch Covid-19 đang kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của rác thải y tế, những sản phẩm làm từ nhựa phục vụ phòng, chống dịch, xét nghiệm và chữa bệnh.
Tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện, cơ sở y tế…, khẩu trang, găng tay, tấm che giọt bắn và áo bảo hộ được coi là vật bất ly thân của các bác sĩ, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Song, một thực tế không thể phủ nhận là khối lượng gia tăng của các loại rác thải này cũng là gánh nặng trong công tác xử lý. Nhiều người dân lo lắng, nếu như việc thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực bị phong tỏa do có người nhiễm hoặc nghi nhiễm mà không được xử lý đúng quy định, sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ phát tán mầm bệnh rộng ra trong cộng đồng.
Công tác thu gom, xử lý rác thải tại các khu cách ly tập trung luôn phải đảm bảo theo đúng quy trình của Bộ Y tế (Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet) |
Các khu cách ly y tế tập trung của các địa phương nghiêm túc tuân thủ theo đúng quy trình từ thu gom, vận chuyển đến xử lý rác thải y tế; thực hiện phun hóa chất khử khuẩn nguồn rác và chuẩn bị phương án xử lý phù hợp, không để rác tồn đọng lâu, ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt của khu cách ly. Các lực lượng chức năng thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền, vận động các công dân ở các khu cách ly liên quan đến dịch COVID-19 tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong bảo đảm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải.
Tại các địa phương, đã có quy định rất cụ thể về việc xử lý chất thải. Theo đó, toàn bộ chất thải rắn phát sinh từ khu vực điều trị người mắc Covid-19 trong cơ sở y tế phải được thu gom, quản lý như đối với chất thải y tế nguy hại. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao (gồm: mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm của người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19) phát sinh từ quá trình lấy mẫu xét nghiệm, từ phòng xét nghiệm phải được xử lý sơ bộ bằng thiết bị hấp hoặc thiết bị khử trùng khác trước khi tiếp tục phân loại, thu gom, xử lý.
Về hoạt động xử lý, ưu tiên xử lý tại cơ sở y tế ngay trong ngày bằng lò đốt chất thải rắn y tế hoặc bằng thiết bị hấp chất thải lây nhiễm hoặc thiết bị khử khuẩn khác đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Bên cạnh đó, xử lý tập trung, vận chuyển chất thải ngay trong ngày đến cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm bệnh hoặc cơ sở có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Toàn bộ chất thải rắn phát sinh ở khu vực cách ly tập trung, khu dân cư cách ly y tế, cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú; chất thải phát sinh từ hoạt động xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2; tại các điểm chốt phòng, chống dịch phải được thu gom, xử lý như đối với chất thải rắn phát sinh từ khu vực điều trị người mắc Covid-19 nêu trên.
Rác thải sinh hoạt chưa có sự tiếp xúc người nhiễm SARS-CoV-2 được thu gom, xử lý ngay trong ngày theo quy định về quản lý rác thải sinh hoạt. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện phun hóa chất khử trùng chất thải trước khi chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý.
Về công tác thu gom, tất cả những người tham gia quá trình thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm, vệ sinh thiết bị, dụng cụ đựng chất thải tại các cơ sở y tế đều được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định. Các đơn vị y tế cũng chủ động hạn chế nguy cơ ảnh hưởng của chất thải phát sinh trong quá trình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31-12-2015 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các văn bản có liên quan. Đảm bảo chất thải phát sinh trong quá trình tiêm chủng không rơi vãi, phát tán khi thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế; đảm bảo an toàn cho người thực hiện tiêm chủng, người tham gia quản lý chất thải y tế, người đến tiêm chủng và cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ sở y tế và khu vực cách ly tập trung phải bố trí các điểm thu gom, lưu giữ khẩu trang y tế theo đúng quy định. Cần hướng dẫn người dân đến các cơ sở y tế thăm, khám trước khi ra về phải thải bỏ vào các thiết bị lưu chứa chất thải y tế để bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường và ngăn ngừa nguy cơ phát tán mầm bệnh.
Nguồn: moitruongvadothi.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.