1. Bệnh sốt phát ban là gì?
Theo BSCKI. Vũ Thanh Tuấn – Chuyên khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, sốt phát ban là bệnh truyền nhiễm vì nó có thể nhanh chóng lây truyền từ người bị bệnh sang người khỏe mạnh qua con đường hô hấp, tiếp xúc với dịch tiết của bệnh nhân. Bệnh này có 2 loại đó là sốt kèm phát ban đỏ hoặc phát ban đào, các nốt ban có thể ẩn dưới da hoặc nhô lên trên bề mặt da.
Bệnh sốt phát ban ở trẻ là tình trạng hay gặp ở các bé trong độ tuổi từ 6 – 36 tháng tuổi. Thời gian này trẻ có sức đề kháng kém, dễ bị virus tấn công gây tình trạng nổi ban đỏ như virus sởi, virus Rubella (bệnh sởi Đức) hoặc virus đường ruột ECHO gây ra. Hầu hết trẻ em đều có ít nhất 1 lần mắc bệnh này. Bệnh không gây ra nhiều nguy hiểm. Thế nhưng, nếu không được chăm sóc đúng cách, sốt phát ban có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ sau này.
2. Nguyên nhân gây nên bệnh sốt phát ban ở trẻ?
Sốt phát ban là bệnh do lây nhiễm virus human herpes 6 hoặc 7. Ngoài ra còn có 2 nguyên nhân gây phát ban sau sốt ở trẻ là siêu vi sởi và siêu vi gây bệnh rubella. Bệnh sởi còn gọi là ban đỏ, còn bệnh rubella còn gọi là ban đào.
3. Bệnh sốt phát ban và sởi, rubella khác nhau thế nào?
Biểu hiện chung của trẻ bị sốt phát ban là sốt nhẹ 37,5- 38 độ C hoặc sốt cao đến 39,4 độ C. Khi tình trạng sốt giảm thì da của trẻ bắt đầu xuất hiện các vết ban. Tuy nhiên, tùy theo nguyên nhân mà triệu chứng của trẻ phát ban sau sốt sẽ khác nhau:
+ Sốt phát ban: Trẻ thường sốt cao trên 38,5 độ C. Dấu hiệu này thường kéo dài từ 3 – 5 ngày. Sốt thường kèm theo các dấu hiệu như bệnh cảm cúm: ho, sổ mũi, viêm họng, nhức đầu,… Lúc này có thể nhận biết dấu hiệu viêm, sưng to các hạch bạch huyết, đặc biệt là hạch cổ và hạch dưới hàm. Các nốt phát ban thường xuất hiện sau cơn sốt. Trên người trẻ xuất hiện các đốm đỏ, có thể nằm ẩn trong da như hiện tượng xuất huyết hoặc nhô hẳn lên như bị côn trùng đốt. Phát ban thường lan rộng ở vùng ngực, bụng, lưng, cánh tay, cổ, thậm chí ở mặt. Sau vài giờ đến vài ngày, các nốt phát ban sẽ biến mất và không để lại vết tích nào trên da.
Ngoài ra, bệnh ở trẻ nhỏ có thể kèm theo các triệu chứng như: trẻ tiêu chảy nhẹ, chán ăn, sưng mí mắt, quấy khóc nhiều,…
+ Bệnh ban đỏ: Sốt phát ban đỏ thường do virus sởi gây ra, trẻ cũng sẽ bị sốt, dấu hiệu sốt giảm khi phát ban xuất hiện. Phát ban ban đầu mọc ở sau tai sau đó lan ra mặt, rồi lan dần xuống ngực bụng và ra toàn thân. Các nốt ban dạng sẩn, nổi lên bề mặt da, khi mất thường để lại những vết thâm trên da gần như dạng vằn hổ. Bên cạnh đó, trẻ bị sốt phát ban đỏ có triệu chứng kèm theo là chảy nước mắt, nước mũi, ho, đỏ mắt.
+ Bệnh ban đào: Là một dạng phát ban sau sốt, đây là bệnh nhiễm trùng do virus gây ra. Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi dễ mắc phải khi tiếp xúc với những virus ở nước bọt, khi ho và hắt hơi. Ban đào sẽ xuất hiện sau tình trạng sốt cao đột ngột, từ 38,8°C đến 40,5°C và kéo dài trong khoảng 3-7 ngày. Một số trẻ khi phát ban sau sốt sẽ vẫn hoạt động thoải mái và không có triệu chứng nào khác, nhưng những trẻ khác có thể kèm theo biểu hiện như: ăn không ngon, tiêu chảy, ho, sổ mũi, sưng mắt hoặc viêm kết mạc mắt, sưng hạch bạch huyết, buồn ngủ hoặc khó chịu.
Khi cơn sốt dịu bớt, trẻ thường nổi mẩn đỏ trên thân người, với nốt ban xuất hiện ở mặt đầu tiên, sau đó lan xuống chân. Ban đào do virus rubella gây ra thường dày hơn, có màu nhạt hơn ban đỏ. Các đốm nhỏ màu hồng, rộng khoảng 5mm, vết ban đôi lúc sẽ hơi sưng lên, vết ban xuất hiện trên thân người và dần lan ra tay, mặt, cổ, không có cảm giác đau đớn hoặc ngứa, vết ban biến mất khi ấn vào và nhạt dần sau 1- 2 ngày.
4. Sốt phát ban ở trẻ có biến chứng gì không?
Sốt phát ban ở trẻ thường sẽ diễn ra 1 năm/lần tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và sức đề kháng của mỗi bé, nhiều trường hợp trẻ bị sốt nhiều lần. Tác nhân gây sốt phát ban ở trẻ đa số là các virus lành tính, và sẽ tự khỏi trong thời gian từ 5-7 ngày nếu được phát hiện và chăm sóc tốt.
Ngược lại, nếu bố mẹ không nắm rõ nguyên nhân gây/lây bệnh, cách chăm sóc đúng cách khi trẻ mắc bệnh thì có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như có thể gây viêm phổi, viêm tai giữa, đi ngoài ra máu hoặc nặng hơn là viêm não hoặc khiến trẻ thường xuyên bị tái sốt, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ sau này.
5. Làm gì để bệnh sốt phát ban ở trẻ nhanh khỏi?
Mỗi bậc phụ huynh cần trang bị kiến thức để biết cách xử trí khi con bị sốt phát ban. Đối với một số trường hợp nhẹ, các bậc phụ huynh có thể chăm sóc con tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ như sau:
+ Cho con mặc những bộ quần áo rộng, có chất liệu thấm hút tốt, tránh để quần áo cọ xát vào những nốt phát ban khiến cho trẻ bị khó chịu.
+ Mẹ lưu ý không để trẻ gãi lên da quá nhiều tránh làm xước da gây nhiễm trùng hay những vết lở loét gây hình thành sẹo.
+ Hạ sốt đúng cách từ từ cho trẻ, nếu con sốt từ 38,5 độ C cho trẻ uống thuốc hạ sốt loại paracetamol loại đơn chất với liều 10 – 15mg/kg cân nặng, 4 – 6 giờ một lần.
+ Khi trẻ bị sốt, mẹ có thể chườm ấm cho con, dùng khăn ấm sạch lau lên cổ, hai hố nách và vùng bẹn của trẻ giúp trẻ nhanh chóng hạ nhiệt. Trong trường hợp trẻ sốt cao, có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo sự tư vấn của bác sĩ. Mẹ thường xuyên theo dõi thân nhiệt của trẻ. Trong trường hợp trẻ không hạ sốt, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và điều trị.
+ Cho con uống nhiều nước và bổ sung nước điện giải cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ.
+ Khi bị sốt, cơ thể trẻ thường yếu, cha mẹ cần chú ý trong việc tắm rửa, vệ sinh cho bé để tránh gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
+ Cách ly trẻ bị bệnh với những trẻ khỏe mạnh để tránh lây nhiễm.
Một số trường hợp trẻ bị sốt phát ban cần đưa đến bệnh viện như:
+ Trẻ đã được uống thuốc hạ sốt nhưng thân nhiệt vẫn cao.
+ Trẻ nhỏ sốt trên 39,4 độ C.
+ Sau 3 ngày khởi phát triệu chứng những nốt phát ban không có dấu hiệu chuyển biến tốt.
+ Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, có hệ miễn dịch kém.
+ Trẻ bị tiêu chảy và có dấu hiệu mất nước.
6. Bệnh sốt phát ban kiêng gì?
Theo các bác sĩ, cha mẹ không nên kiêng gió, kiêng nước, kiêng ăn khi trẻ bị sốt phát ban. Thói quen kiêng gió, kiêng nước bằng cách trùm kín trẻ, không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó hạ sốt và dễ co giật do sốt cao. Việc không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó chịu và dễ nhiễm trùng da và biến chứng viêm phổi. Tuy nhiên phụ huynh không nên để trẻ bị lạnh. Còn việc, kiêng ăn sẽ làm cho trẻ rất dễ bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém và dễ bị nhiễm trùng. Ngược lại, cha mẹ nên cho trẻ ăn nhiều hơn bình thường, ăn thành nhiều bữa, ăn thức ăn dễ tiêu.
7. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh sốt phát ban?
Ngoài thắc mắc trẻ sốt phát ban phải làm sao thì nhiều phụ huynh cũng rất băn khoăn về vấn đề làm thế nào để phòng ngừa bệnh cho con một cách hiệu quả nhất. Dưới đây là những gợi ý cho cha mẹ:
+ Tiêm phòng: Hiện nay tiêm phòng bệnh là cách hiệu quả nhất. Để phòng ngừa tình trạng sốt phát ban, mẹ nên cho trẻ tiêm phòng sởi khi trẻ được 9 tháng tuổi, tiêm vắc xin 3 trong 1 (bao gồm Rubella, quai bị và sởi) khi trẻ 12 – 15 tháng tuổi và đến khi trẻ đạt 4 đến 6 tuổi sẽ được tiêm nhắc lại liều thứ 2.
+ Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc người có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh. Trường hợp trẻ bị bệnh, phụ huynh không nên cho trẻ đến trường hoặc đến các khu đông người để tránh lây nhiễm bệnh sang cho các trẻ khác.
+ Hướng dẫn trẻ thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ.
+ Mẹ nên cho trẻ ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
Nguồn: toquoc.vn