Mới đây các ngân hàng đồng loạt công bố các gói hỗ trợ như giảm lãi, cho vay ưu đãi lãi suất 4%/năm. Tuy nhiên đối tượng ưu tiên chỉ gồm các doanh nghiệp dệt may, da giày, dược, vật tư y tế, thương mại phân phối, bán lẻ, lúa gạo, thủy sản, vật tư nông nghiệp, vận tải, hàng tiêu dùng thiết yếu… Các ngân hàng còn lưu ý, việc giảm lãi suất trên không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá… Điều này đã vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.
Đóng góp nhiều nhưng không được giảm
Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land, nói rằng chương trình này có cái gì đó “sai sai” khi phân biệt đối tượng khách hàng vay. Bởi khách hàng nào cũng trả lãi sòng phẳng thậm chí cho vay bất động sản lãi suất còn cao hơn các ngành nghề khác. Các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng đã đồng hành và gắn bó chặt chẽ với nhau trong suốt một hành trình dài. Doanh nghiệp bất động sản đóng góp không nhỏ vào hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Vậy mà khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì lại bị loại trừ ra khỏi các chương trình hỗ trợ.
“Khi tôi hỏi thăm thông tin bên lề thì được phản hồi là để chống đầu cơ. Thực hư quan điểm này của ngân hàng không biết có chính xác không nhưng cách mà ngân hàng đang phân biệt khách hàng là không công bằng. Còn nhớ rất lâu trước đây bất động sản bị quy chụp không khác gì tội đồ, “lên bờ xuống ruộng” bởi các chính sách siết chặt. Sau một thời gian dài đấu tranh, cuối cùng bất động sản được trả về đúng vị trí của nó khi được thừa nhận đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế, đóng góp khoảng 11% GDP và có tác động đến hơn 200 ngành nghề khác nhau. Vậy mà bây giờ khi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực này gặp khó lại bị thẳng thắn quy chụp là đầu cơ và bị bỏ rơi. Cái thành kiến này chẳng lẽ mãi vẫn không thay đổi được”, bà Hương bức xúc và khẳng định, một dự án bất động sản khi phát triển hoàn thiện tạo ra bao nhiêu sản phẩm, tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm, chưa kể các đóng góp thay đổi về môi trường sống, chất lượng sống cho người dân, đóng góp rất lớn cho ngân sách mà không được thừa nhận và hỗ trợ là không ổn. Gần đây nhất trong báo cáo khoản thu ngân sách lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2021 chính là từ chứng khoán và bất động sản.
Bất động sản đóng góp nhiều nhất cho GDP, tác động nhiều lĩnh vực kinh tế nhất, nhưng luôn bị phân biệt đối xử và bị xem là tội đồ
|
Lãnh đạo một tập đoàn bất động sản nói rằng, việc loại trừ bất động sản là điều quá bất hợp lý bởi với các ngành đang được ưu đãi, dịch bệnh càng nặng nề, càng kéo dài thì họ càng có lợi nhuận, doanh thu cao vì họ là những ngành nghề được ưu tiên, tạo điều kiện để kinh doanh và thực tế là có thể sống được, thậm chí sống khỏe trong đại dịch. Trong khi đó, ngành bất động sản gần như chết lâm sàng. Dẫn chứng chuỗi Bách hóa Xanh vừa công bố tình hình kinh doanh tháng 7 với kỷ lục mới khi doanh thu gần 4.240 tỉ đồng, tăng 55% so với tháng 6 và tăng 133% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt hơn 2,1 tỉ đồng một tháng, cao nhất từ trước tới nay. Tính lũy kế 7 tháng, chuỗi Bách hóa Xanh ghi nhận doanh thu hơn 17.600 tỉ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Hay như các hãng dược, nhà thuốc doanh thu khủng, kiếm siêu lợi nhuận khi biến thể dịch Covid-19 lan rộng… vị này kết luận : “Trong khi các lĩnh vực khác, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, du lịch gần như chết đứng gần 2 năm nay vì dịch Covid-19 thì không được hỗ trợ còn các ngành vẫn hoạt động được, có doanh thu thậm chí lãi lớn khi dịch bệnh bùng phát thì được hỗ trợ. Không những vậy, khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ, các địa phương kêu gọi hỗ trợ thì các doanh nghiệp bất động sản cũng là đi đầu, đóng góp nhiều nhất cả về vật chất, con người nhưng lại không nhận được sự hỗ trợ là quá vô lý, quá phi lý không thể chấp nhận được”.
70% doanh nghiệp đóng cửa
Một thống kê của Công ty DKRA Việt Nam về doanh thu của doanh nghiệp môi giới bất động sản khu vực TP.HCM trong 3 tháng gần đây cho thấy, có đến 50% doanh nghiệp có mức doanh thu đạt dưới 10%. Nhóm này được xếp vào nhóm doanh nghiệp có nguy cơ ngưng hoạt động rất cao. Khoảng 30% doanh nghiệp có nguy cơ ngưng hoạt động cao với mức doanh thu từ 30-50%. Chỉ 10% doanh nghiệp có mức doanh thu 50-70%, trong khi đó chỉ có 10% doanh nghiệp có doanh thu ổn định. “Dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng tại TP.HCM với số ca nhiễm lên đến hàng nghìn ca mỗi ngày khiến tình hình kinh doanh tê liệt”, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nói rằng sau hơn một năm rưỡi đồng hành với Nhà nước trong phòng, chống đại dịch Covid-19 và nỗ lực chống chịu để tự cứu mình, cho đến nay có thể nhận thấy rõ là hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức, thậm chí có một số doanh nghiệp lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt, nguồn lực bị bào mòn, có nguy cơ bị phá sản, nếu không được hỗ trợ kịp thời.
Thiếu dòng tiền đang là cái khó trực tiếp lớn và đáng quan ngại nhất hiện nay, có thể làm cho doanh nghiệp bị ngộp thở, do không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, duy trì bộ máy, hỗ trợ, giữ chân người lao động. Do các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, công trình xây dựng phải dừng nên DN không có sản phẩm để bán, giao dịch bị sụt giảm mạnh, doanh số bán hàng rơi thẳng đứng, không thể huy động được vốn như trước đây.
Doanh nghiệp bất động sản mong được đối xử công bằng
|
“Kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản” mặc dù có thể vẫn còn tài sản nên doanh nghiệp có thể bị “chết trên đống tài sản” của chính mình. Được tiếp cận tín dụng hơn lúc nào hết chính là “oxy tín dụng” cấp cứu cho doanh nghiệp và phải trông cậy vào “máy trợ thở dòng tiền” từ nguồn tín dụng của các ngân hàng thương mại. Thế nhưng với quy định như trên, có thể nói, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản nguy cơ bị ngộp thở vì thiếu oxy dòng tiền.
Đề xuất giảm 2% lãi suất
Ông Châu kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng (doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp bất động sản, hộ gia đình, cá nhân) và được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23.1.2020 đến ngày 30.6.2022 (do Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định kéo dài đến ngày 31.12.2021), nhất là việc xem xét cho khách hàng được vay vốn mới, sẽ hỗ trợ thiết thực hơn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, giúp giảm chi phí vốn vay, giảm chi phí đầu vào, được tiếp cận các khoản vay mới, để có thêm thời gian dần phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.
Đối với các ngân hàng thương mại xem xét xây dựng cơ chế xác định lãi suất cho vay theo công thức cơ bản sau đây: lãi vay = lãi suất tiền gửi bình quân + NIM. Với NIM bằng khoảng 2,5% – 3% (hoặc có thể cao hơn một chút) để vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh của ngân hàng, vừa xây dựng thị trường tín dụng phát triển bền vững, vừa hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Trên cơ sở lãi suất tiền gửi bình quân hiện nay, Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi cho vay khoảng 2%/năm cho các khách hàng là hợp lý hợp tình, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.