Trái này là gì? Mã bao nhiêu?
Trước đó, nhiều cư dân chung cư Masteri Thảo Điền, TP.Thủ Đức) khó khăn trong việc liên hệ gửi phiếu đi chợ hộ theo số điện thoại được cho, một số người lại rơi vào tình trạng “nhờ nhiều nhưng mua hộ được chẳng bao nhiêu”. Một cư dân ở đây đã đăng ký làm tình nguyện viên tham gia chương trình “Đi chợ giúp dân” do phường Thảo Điền triển khai. Sau một buổi chiều “chinh chiến”, người tình nguyện viên này đã lý giải vì sao các chương trình đi chợ hộ luôn trong tình trạng quá tải.
Trải nghiệm đầu tiên của người này là gặp “các bạn bộ đội” và cảm nhận “các bạn ấy rất dễ thương và lễ phép” nhưng chưa quen với việc đi chợ. “Anh ơi cho em hỏi cái này có phải yaourt không” “Không phải em, cái đó là proby (sữa chua lên men sống), coi chừng lộn nha”. Việc chưa quen này, có thể khiến quá trình đi chợ những ngày đầu, chậm hơn.
Đặc biệt, do phần lớn nhân viên siêu thị đã phải cách ly tại nhà vì có ca dương tính. Thế nên một chị bên tổ chức đoàn thể Phường phải vào vai nhân viên rau củ. “Không nói thì bạn cũng biết, người thường mà đứng vào đây thì khổ sở thế nào. Họ không thể thuộc được hàng trăm mã số các lọa rau củ như nhân viên chuyên nghiệp- có thể thao tác thoăn thoắt”- người này kể. Thế nên thời gian rò mã, cân đồ vì thế cũng kéo dài hơn rất nhiều.
Đến lúc tính tiền thì nhận tin hủy đơn
Khó khăn chưa dừng lại, tính tiền mới là công đoạn được người đi chợ hộ bầu chọn là trải nghiệm đáng nhớ nhất.
Người này tường thuật: “Siêu thị giờ chỉ còn 2 quầy tính tiền. Sau khi gom đủ hàng, mình đưa xe vào xếp hàng. Trong thời gian đó, theo đúng quy trình, mình phải gọi lại cho người đặt xác nhận những món lấy được, những món không có, để đảm bảo là họ đồng ý đơn hàng. Đáng nói, khi mình gọi xác nhận thì nhận tin chị cư dân đã nhờ được một bên khác lấy, nên phải hủy và quay ra trả lại hàng. Khi nhân viên thanh toán quét ra tổng số tiền, đơn hàng được tạm treo để mình nhắn số tiền cho người đặt và đề nghị họ chuyển tiền vào số tài khoản của một bạn đại diện siêu thị (có vẻ như là ca trưởng). Sau khi chuyển xong, họ gửi mình hình chụp ủy nhiệm chi, mình lại chạy ra bạn ca trưởng để đưa bạn ấy kiểm tra đã nhận được tiền chưa. Nếu chưa, chờ tiếp. Nếu nhận rồi, bạn ấy sẽ ra quầy, dùng thẻ tín dụng cá nhân thanh toán. Đến đây, hóa đơn được xuất ra, mình chụp lại gửi cho người đặt rồi chuyển xe đến cho bộ phận giao hàng”.
Thế nhưng, sóng gió vẫn chưa dừng lại, bạn tình nguyện viên kể tiếp: “Trường hợp hy hữu đã xảy ra, một chị cư dân nước ngoài không biết nên chọn “chuyển thường khác hệ thống”. Nhân viên siêu thị thì chưa nhận được tiền, trong khi người đặt lại khẳng định đã chuyển. Lúc này đã là 17 giờ 30, sắp đến giờ “giới nghiêm”. Mình không còn cách nào khác, đành chuyển tạm cho nhân viên siêu thị số tiền đó, nhờ họ nếu mai mốt nhận được tiền của chị ấy thì chuyển lại cho mình, còn không thì coi như mình thanh toán cho đơn hàng này. Vừa qua ải này, mình lại nhận tin sét đánh từ bộ phận giao hàng: “Giờ nhiều quá rồi, lại sát giờ nên tụi em không giao được, anh chịu khó tự xử vậy”. Cũng chẳng còn cách nào khác, mình mượn siêu thị 2 xe hàng để có thể đẩy về các tháp giao cho cư dân”.
Có nhiều câu chuyện chuyện bi, hài thời đi chợ hộ tại TP.HCM
|
Nên kêu gọi tình nguyện viên “đi chợ hộ” ?
Trải qua cả buổi chiều “quay cuồng” ở siêu thị, người tình nguyện viên trên cũng chỉ xử lý được 6/20 đơn hàng nhận từ cư dân. Trung bình một đơn hàng sẽ mất khoảng 30 – 45 phút, kể từ khi bắt đầu đến lúc chuyển bộ phận giao hàng. Theo ước tính cá nhân, với cách làm và nhân sự hiện nay, mỗi ngày chỉ có khoảng 100 đơn hàng của cư dân Masteri Thảo Điền được giải quyết. Trong khi đó, đội ngũ tình nguyện viên này đang phục vụ cho cả phường Thảo Điền, chứ không riêng cư dân của một chung cư với gần 4.000 căn hộ.
Với trải nghiệm thực tế, theo người này, để việc “đi chợ hộ” hiệu quả hơn, Phường nên kêu gọi thêm sự tham gia của tình nguyện viên là cư dân các tháp, vì nhu cầu xử lý còn rất nhiều. Đồng thời, chuyển các đơn hàng thành dạng combo để thống nhất và xử lý được nhanh chóng trong các công đoạn soạn hàng, đóng gói và thanh toán. Về phía cư dân, nên cố gắng tìm các kênh mua khác, hoặc cậy nhờ sự san sẻ của cư dân nếu đồ dự trữ đã hết”.
Mới đây, Công ty TNHH Grab Việt Nam cũng đề xuất cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng gọi xe công nghệ để hỗ trợ kết nối lực lượng đi chợ hộ với đơn vị cung ứng hàng hóa và người dân tại các vùng cam và vùng đỏ. Theo phương án đề xuất, người dân có thể vào danh mục GrabMart trên ứng dụng Grab, nhập địa chỉ cư trú, thực hiện các thao tác lựa chọn các mặt hàng, số lượng cần mua và nhấn nút “Đặt hàng”. Đơn vị cung ứng hàng hóa sẽ tạo lập một gian hàng trực tuyến trên ứng dụng. Gian hàng sẽ hiển thị đầy đủ các mặt hàng có sẵn cập nhật theo từng thời điểm. Hàng hóa sẽ được sắp xếp theo dạng đơn lẻ hoặc theo gói combo. Khi người dùng đặt hàng trên ứng dụng, đơn vị cung ứng hàng hóa sẽ chuẩn bị hàng hóa theo chủng loại, số lượng được đặt và giao khi người đi chợ thay tới nhận.
Đối với lực lượng đi chợ hộ, mỗi tổ công tác đặc biệt của phường/xã tạo lập một tài khoản Người đi chợ hộ, bao gồm tên (ví dụ Tổ công tác đặc biệt P.Bình Chiếu TP.Thủ Đức), số điện thoại đầu mối liên hệ, email, tài khoản ngân hàng. Khi người dân đặt hàng trên ứng dụng, cán bộ đi chợ thay sẽ nhận được thông báo qua ứng dụng Grab, đến đơn vị cung ứng để nhận hàng hóa và giao cho người đặt theo đúng địa chỉ hiển thị. Mỗi cán bộ đi chợ hộ có thể nhận và giao nhiều đơn hàng trong cùng một chuyến.
|