Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 27.8, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng nhấn mạnh thời gian giãn cách là thời cơ để tăng cường phát hiện F0 trong cộng đồng thông qua xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng vùng nguy cơ.
Từ ngày 23.8 đến nay, ngành y tế TP đã lấy mẫu khoảng 1.117.000 người, trong đó có 42.400 trường hợp F0, chiếm khoảng 3,5%. “Đây là tín hiệu có thể yên tâm vì số ca mắc trong cộng đồng đang nằm trong mức cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)”, ông Hưng nói. Như vậy, kể từ khi bắt đầu kế hoạch xét nghiệm (ngày 23.8), TP.HCM luôn ghi nhận tỷ lệ số ca F0 trên tổng số mẫu lấy là 3,5%, con số này ổn định trong 4 ngày qua.
Phó giám đốc Sở Y tế cho biết khi tập trung xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm thì F0 tăng đúng như dự báo, trong mức độ cho phép, không quá sức của hệ thống y tế.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thông tin tại buổi họp báo
|
Cụ thể, TP.HCM đã chủ động triển khai hơn 400 trạm y tế lưu động ở các phường, xã, thị trấn để hỗ trợ F0 cách ly tại nhà, khắc phục tình trạng chậm trễ trước đây. Hiện nay, các trạm y tế lưu động không chỉ tăng cường chăm sóc cho các F0 đang quản lý, điều trị tại nhà mà còn góp phần hỗ trợ cấp cứu và khám chữa bệnh ban đầu cho bệnh lý khác. Với sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế thì nhân sự các trạm y tế lưu động cơ bản đủ đáp ứng yêu cầu.
Qua khảo sát ban đầu, ông Hưng nhìn nhận các trạm y tế lưu động đã đi vào hoạt động nề nếp, giải quyết được yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân.
Hiện nay, trạm y tế lưu động được trang bị 3 bình ô xy nhỏ và 2 bình ô xy lớn. Khi bệnh nhân có nhu cầu thì tổ phản ứng nhanh sẽ mang bình ô xy đến cấp cứu tại chỗ, nếu quá tầm thì chuyển cho trạm y tế lưu động, đồng thời kết nối với bệnh viện tuyến trên để chuyển bệnh nhân đi điều trị kịp thời.
Ông Hưng nhìn nhận cũng có thể một số trường hợp chưa được tốt lắm và mong nhận được phản ánh của báo chí để nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời.
Cam kết khi sử dụng thuốc đặc trị
Liên quan túi thuốc an sinh cho F0, ông Hưng cho biết khi F0 đủ điều kiện để quản lý, điều trị tại nhà sẽ có túi thuốc điều trị gồm 3 nhóm thuốc. Nhóm 1 gồm các loại thuốc thông thường như paracetamol, vitamin. Nhóm 2 gồm thuốc đặc trị hơn như thuốc kháng viêm, kháng đông; các thuốc này chỉ được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Nhóm 3 là thuốc kháng vi rút, được quản lý nghiêm ngặt.
Ông Hưng cho biết TP.HCM vừa nhận được 16.000 liều thuốc đặc trị, căn cứ vào số lượng F0 tại các cơ sở y tế, Sở Y tế sẽ phân bổ cho phù hợp. Đây là thuốc sử dụng có điều kiện, nên bệnh nhân phải ký cam kết tuân thủ điều kiện theo mẫu của Bộ Y tế. Đơn cử, bệnh nhân là phụ nữ thì cam kết không có thai trong vòng 100 ngày khi uống viên thuốc cuối cùng, phụ nữ đang có con nhỏ thì chỉ cho con bú sau 100 ngày uống viên cuối cùng…