Tuesday, November 26, 2024

Bỏ Tết Nguyên đán, người Nhật ăn Tết Dương lịch ra sao?

Năm 1873, như một phần trong chính sách Duy Tân Minh Trị để phát triển đất nước, Nhật Bản đột ngột xóa bỏ Tết Nguyên đán đã có hàng thế kỷ. Tết Nguyên đán vĩnh viễn mất đi, thay vào đó, người Nhật chỉ ăn Tết Dương lịch; các sự kiện của tết theo lịch âm được dời vào ngày lịch dương. Thời điểm đó, tầng lớp tinh hoa Nhật Bản cho rằng, những tập quán của châu Á kém hơn phương Tây và kìm hãm sự phát triển của đất nước. Họ cho rằng bỏ Tết Nguyên đán sẽ giảm bớt ngày nghỉ, tập trung làm việc, tăng sản lượng quốc gia, phát triển kinh tế…

Bỏ Tết Nguyên đán, người Nhật ăn Tết Dương lịch ra sao?

Hộp cơm bento không thể thiếu trong ngày tết của người Nhật

Bảo tồn nghi lễ tết truyền thống trong tết Tây

Người Nhật ngày nay ăn Tết Dương lịch vẫn theo một số truyền thống được truyền lại từ thời Tết Nguyên đán. Những ngày đầu năm mới thường là khoảng thời gian người Nhật dành cho gia đình, trước đêm giao thừa thì dọn dẹp nhà cửa, trang trí… Trong các thành phố lớn, gần như tất cả các cửa hàng mua sắm đóng cửa từ ngày 1 – 3.1.

Anh Thắng Đoàn, sống và làm việc ở Nhật Bản 20 năm cho biết, người Nhật bảo tồn văn hóa và kiến trúc truyền thống rất tốt. “Nhiều lễ hội và phong tục xưa cũ vẫn tồn tại song song trong một xã hội hiện đại. Ngày tết, người Nhật vẫn giữ thói quen quay về với gia đình, cùng gia đình đi chơi và tổ chức các lễ nghi truyền thống. Ngày nay, thanh niên Nhật lên thành phố thường ít khi về tết với ba mẹ nhưng xã hội hiện đại nào cũng đối mặt với thực trạng này”, anh Thắng Đoàn cho hay.

Tuy nhiên, theo anh Thắng Đoàn, người Nhật rất quan trọng tết thanh minh (lễ hội Higan), diễn ra từ 18.3 đến 23.4. Dịp này, người Nhật được nghỉ làm, cùng gia đình tảo mộ, cầu nguyện cho ông bà tổ tiên… Ngoài ra, người Nhật còn có tuần lễ vàng vào tháng 4 để các gia đình quây quần nghỉ ngơi, du lịch cùng nhau, ngắm hoa đào… Không chỉ tết, người Nhật còn có nhiều ngày lễ truyền thống khác dành cho gia đình.

Theo Time Out, người Nhật vẫn giữ truyền thống gửi thiệp chúc mừng năm mới, như cách người dân các nước ăn Tết Nguyên đán vẫn làm. Những tấm thiệp năm mới được gọi là nengajo trong thời đại kỹ thuật số phổ biến theo một cách khác với thời trước. Nengajo được gửi đến bạn bè, gia đình hoặc đối tác doanh nghiệp để chúc mừng năm mới hoặc cầu mong thành công, hợp tác. Mặc dù thiệp điện tử đã chiếm lĩnh nhưng nhiều người Nhật vẫn chờ đợi những cánh thiệp chúc mừng năm mới bằng giấy trong hộp thư trước nhà.

Nếu người Trung Quốc ăn sủi cảo trong năm mới, người Việt Nam ăn bánh chưng bánh tét thì người Nhật nhất định phải ăn mì toshikoshi soba (mì soba xuyên năm). Món mì soba này làm từ kiều mạch với sợi mì thật dài, thể hiện mong ước những điều tốt lành cho năm mới, quên đi năm cũ và trường thọ. Du khách nước ngoài nếu đến Nhật Bản vào dịp tết, nhất định phải thử một bát mì soba vào chiều 31.12, ngay thời điểm năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến để cùng người Nhật xóa bỏ ưu phiền…

Bên cạnh đó, người dân còn cất công làm hộp bento nhiều lớp chứa đầy những món ngon, một bữa osechi thịnh soạn. Nhược điểm của món ăn truyền thống này không phải là đồ ăn nóng và được bảo quản trong nhiều ngày. Nhưng cảm giác ấm áp bù lại đến từ rượu sake, được phục vụ theo kiểu truyền thống với osechi. Tự tay làm được những món truyền thống này là điều không hề dễ dàng nên nhiều người Nhật ngày nay có thể mua ở cửa hiệu.

Tuy nhiên, sẽ rất thiếu nếu trong những ngày tết không có bánh mochi (bánh gạo). Đây là món ăn cực kỳ phổ biến trong văn hóa ngày tết của người Nhật. Du khách cũng nên thử một lần món bánh gạo ăn cùng súp zouni, để cùng người địa phương hưởng không khí tết.

Mua túi may mắn đầu năm

Phong tục từ ngàn năm vẫn còn đó, khi đầu năm mới, người Nhật Bản thường đến thăm đền thờ, gọi là hatsumode. Những ngôi đền lớn ở khắp nước Nhật đều mở cửa vào những ngày năm mới, riêng giao thừa được mở xuyên đêm để người dân đến cầu nguyện ngay những thời khắc của năm. Trong các đền thờ, thường có những dịch vụ xem bói, rút thăm để xem vận may, số mệnh.

Rút omikuji (tờ giấy có viết vận may ngẫu nhiên trên đó) là một phần phong tục khi đến thăm đền hoặc chùa ở Nhật Bản. Tục lệ rút những tờ thăm may mắn này đã có từ đầu thời Kamakura (1185 – 1333). Một omikuji tiêu chuẩn bao gồm một bài thơ và các chi tiết ngắn về những gì sẽ xảy ra trong tương lai gần, nhưng một số nơi thờ cúng đã vượt xa giới hạn đơn giản, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật nhỏ có thể làm đồ sưu tầm hoặc quà lưu niệm.

Bỏ Tết Nguyên đán, người Nhật ăn Tết Dương lịch ra sao?

Những lá thăm và lời cầu nguyện được treo lại trước một ngôi chùa ở tỉnh Gunma vào dịp tết

Một truyền thống thú vị khác đối với nhiều người Nhật trong năm mới là ra ngoài và mua fukubukuro. Đây là túi may mắn được các cửa hàng bán ra với các mức giá khác nhau nhưng người mua thậm chí không biết bên trong bán những gì.

Ngoài ra, văn hóa Nhật Bản vẫn còn lưu giữ nhiều nghi lễ truyền thống vào những ngày đầu năm mới. Chẳng hạn, joya no kane là nghi lễ rung chuông được tổ chức trên khắp nước Nhật vào đêm giao thừa. Kỷ niệm một năm cũ qua đi và bắt đầu một năm mới, các ngôi chùa sẽ rung chuông 108 lần, mỗi lần cho một ước muốn hoặc lo lắng. Lễ rung chuông sẽ kết thúc ngay khi đồng hồ điểm giây đầu tiên của năm mới. Du khách và người dân cũng có thể tham gia nghi lễ này nhưng thường thì dòng người rất dài mới đến lượt.

Người Nhật Bản có tín ngưỡng thờ thần, nên trang trí nhiều đồ vật chào đón thần linh vào nhà nhân dịp năm mới để cầu mong một năm thuận hòa, an lành. Trang trí năm mới của người Nhật thường có tre xanh với ý nghĩa sống lâu sống khỏe như cây tre; cành thông xanh là thọ như thông và những tờ giấy ghi câu ước năm mới, kiểu câu đối và bánh mochi (bột nếp giã nhuyễn) và quýt vàng. Ngày nay, việc trang trí nhà cửa ăn tết cầu kỳ hơn khi thêm nhiều loại hoa, cây lá đặc trưng của nước Nhật, bên cạnh tre và thông chủ đạo.

Bỏ Tết Nguyên đán, người Nhật ăn Tết Dương lịch ra sao?

Trang trí cây thông, tre và cây lúa trước nhà ngày tết

Có thể nói, mặc dù bỏ Tết Nguyên đán để ăn Tết Dương lịch, nhưng người Nhật vẫn giữ gìn những truyền thống văn hóa đã tồn tại ngàn năm trong ngày đầu năm mới. “Cái hay của người Nhật là họ nghỉ tết và đi làm lại ngay sau tết rất nghiêm túc, không như ở ta có ‘tháng giêng là tháng ăn chơi’, sau đợt nghỉ tết phải mất cả tuần mới lấy lại tinh thần làm việc”, anh Thắng Đoàn kết luận.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img