Ngày 28.8, UBND TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết vừa có văn bản giao UBND P.10 (TP.Đà Lạt) khẩn trương tổ chức kiểm tra, lập hồ sơ xử lý hành vi vi phạm, tái vi phạm trật tự xây dựng (TTXD), thực hiện nghiêm biện pháp khắc phục hậu quả tại khuôn viên biệt thự 22 Hùng Vương theo quy định và phải hoàn thành trước ngày 31.8.
Công trình “mọc” trong khuôn viên biệt thự 22 Hùng Vương
|
UBND TP.Đà Lạt cũng giao Phòng quản lý đô thị, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm TTXD của UBND P.10 đối với các công trình, hạng mục ở đây. Trường hợp UBND P.10 không tổ chức thực hiện phải kịp thời tham mưu, đề xuất UBND thành phố xử lý trách nhiệm của cán bộ được giao nhiệm vụ về TTXD theo quy định.
Chủ đầu tư “phù phép” để xây công trình trong khuôn viên biệt thự cổ?
Năm 2018, Báo Thanh Niên có nhiều tin, bài phản ánh về tình trạng vi phạm TTXD ở khuôn viên biệt thự này. Toàn bộ diện tích nhà, đất tại đây đã được UBND tỉnh Lâm Đồng giao Công ty CP địa ốc Đà Lạt, nhưng sau đó công ty này đã cho Công ty TNHH tư vấn thiết kế đầu tư xây dựng Kiến Đại Việt thuê lại.
Một công trình khác “mọc” trong khuôn viên biệt thự 22 Hùng Vương
|
Năm 2017, chủ đầu tư nộp hồ sơ đến Sở Xây dựng Lâm Đồng để được cấp phép xây dựng có thời hạn các công trình ở đây. Điều đáng nói là trong hồ sơ này, Quyết định số 1473 của UBND tỉnh (bản photocopy) và “sổ đỏ” có đóng dấu đỏ (dấu treo) của Công ty CP địa ốc Đà Lạt đều đã bị “phù phép”, sai lệch với bản gốc nên Sở Xây dựng bị “qua mặt” và đã cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho chủ đầu tư.
Cụ thể, văn bản gốc Quyết định số 1473 và “sổ đỏ” có ghi: “…chỉ được sử dụng làm đường nội bộ, công viên hoa, sân vườn, không được xây dựng công trình”. Tuy nhiên, trong hồ sơ do chủ đầu tư nộp đã bị giả mạo, xóa nội dung này.
Một phần nội dung trong “sổ đỏ” gốc
|
Phần nội dung trong “sổ đỏ” chủ đầu tư nộp về Sở Xây dựng đã biến mất đoạn: “…không được xây dựng công trình”
|
Sau đó, Sở Xây dựng đã thu hồi giấy phép xây dựng có thời hạn đã cấp cho Công ty CP địa ốc Đà Lạt và các công trình ở đây cũng được yêu cầu tháo dỡ vô điều kiện. Tuy nhiên, vụ việc cứ kéo dài, chủ đầu tư chỉ tháo dỡ cầm chừng và tháng 3.2020, UBND TP.Đà Lạt đã ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện khắc phục hậu quả. Ngày 3.5.2020, UBND P.10 đã tổ chức thực hiện cưỡng chế và 7 khối công trình ở đây đã được tháo dỡ toàn bộ.
Bản gốc quyết định 1473 của UBND tỉnh Lâm Đồng
|
Quyết định 1473 mà chủ đầu tư nộp về Sở Xây dựng để làm thủ tục xin phép xây dựng có thời hạn cũng “biến mất” đoạn: không được xây dựng công trình
|
Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư đang sử dụng công trình đã tái vi phạm khi cho “mọc” trở lại các hạng mục công trình chủ yếu bằng vật liệu khung trụ sắt, vách kính + tôn, bạt và mái lợp tôn với tổng diện tích hơn 431 m2 để kinh doanh buôn bán hàng ăn sáng, rửa xe…
Ông Tôn Thất Thanh Vũ, Chủ tịch UBND P.10 (TP.Đà Lạt), cho biết: “Nhà, đất tại đây được tỉnh giao cho Công ty CP địa ốc Đà Lạt, tuy nhiên chúng tôi mời làm việc xử lý các vi phạm thì công ty cử người tham dự không đúng thành phần nên chúng tôi khó khăn trong việc xử lý”.
“Trong thời gian tới, ngoài vận động chủ đầu tư chấp hành tự tháo dỡ các công trình vi phạm, chúng tôi sẽ tiếp tục mời Công ty CP địa ốc Đà Lạt làm việc để lập các hồ sơ xử lý theo quy định. Nếu công ty này tiếp tục không hợp tác xử lý sai phạm tại biệt thự này, chúng tôi sẽ báo cáo UBND thành phố để báo cáo UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo xử lý”, ông Vũ thông tin thêm về hướng xử lý sai phạm tại biệt thự 22 Hùng Vương.
{C}