Một trong những điều đặc biệt nhất ở chuyến công du châu Âu hiện tại của Tổng thống Mỹ Joe Biden là trên danh nghĩa không thăm chính thức Anh nhưng nội dung và kết quả cuộc trao đổi giữa ông Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson lại như thể định hướng cho gần hết các sự kiện ngoại giao diễn ra sau đó. Điều này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà có chủ ý.
Hai nhà lãnh đạo tạo ra những sự đã rồi cho tất cả các sự kiện ngoại giao tiếp theo để gây dựng và thể hiện vai trò dẫn dắt của họ. Ông Biden cần điều đó để thực hiện chủ trương đưa “nước Mỹ trở lại thế giới” với mục đích sâu xa là Mỹ trở lại thế giới với vai trò và ảnh hưởng lãnh đạo hoặc dẫn dắt, chi phối thế giới. Ông Johnson nhằm tới mục tiêu tìm kiếm vai trò và ảnh hưởng ở tầm vóc toàn cầu cho nước Anh sau khi rời khỏi EU. Do đó, hai người này củng cố “mối quan hệ đặc biệt” giữa Mỹ và Anh, kiến tạo lại cái gọi là Hiến chương Đại Tây Dương mà Mỹ và Anh ký kết năm 1941, được coi là đặt nền tảng cho việc thành lập LHQ và NATO sau này, nhưng đề ra định hướng chiến lược và xác định trọng tâm ưu tiên mới.
Do vậy, ông Biden tuyên cáo trước việc Mỹ ủng hộ thế giới 500 triệu liều vắc xin Covid-19 để buộc các thành viên G7 khác phải tham gia đóng góp. Về những chủ đề nội dung khác như thống nhất quan điểm và phối hợp hành động đối phó Nga và Trung Quốc, áp dụng thuế toàn cầu đối với doanh nghiệp hay chống biến đổi khí hậu cũng vậy. Mối quan hệ Mỹ – Anh được họ kiến tạo thành trục quan hệ quan trọng và quyết định nhất đối với Mỹ trong khối phương Tây.