Monday, November 25, 2024

Hậu phương Hoàng Sa



Ở xã biển Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi), nơi nổi tiếng với tên gọi “xóm lặn Hoàng Sa”, có 2 người đàn ông không ra khơi nhưng giọng nói của họ luôn hiện diện trên các ngư trường tiền tiêu của Tổ quốc Việt Nam.

Hậu phương Hoàng Sa

 

Những ngày cuối tháng 5 trời yên biển lặng, đài ICOM cộng đồng xóm Gành Cả (xã Bình Châu) đặt tại nhà ông Nguyễn Thanh Nam, 57 tuổi, nhận nhiều tin vui, ngư dân báo về trúng cá. Còn ông Nguyễn Thanh Hùng, 67 tuổi, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, thì có thời gian thảnh thơi để nghiên cứu giấy tờ, hồ sơ bảo hiểm giúp ngư dân.
Nhưng Biển Đông thường không bình yên như thế. Từ năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 và có nhiều hành động uy hiếp ngư dân ta, đài ICOM và số điện thoại của hai ông Nam và Hùng luôn là đường dây nóng trên bờ. “Không có ai trả lương, chúng tôi làm vì tình cảm, trách nhiệm với bà con, vì Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống của ông bà mình”, ông Nam nói chắc nịch.

Một thời vùng vẫy Hoàng Sa

Làng Gành Cả của ông Nam nằm gần mũi Ba Làng An – cực đông đất liền của tỉnh Quảng Ngãi, và cảng Sa Kỳ – cảng cá lớn nhất tỉnh. Từ nhiều đời trước, ngư dân Gành Cả đã giong thuyền buồm ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản. 16 tuổi, ông Nam đã theo cha ra Hoàng Sa làm kình ngư lặn biển. “Ngày đó cha tôi đi thuyền gỗ, dài 16 m, chạy loại máy nhỏ, chưa có máy móc định vị, các lão ngư xem bản đồ, lợi dụng sức gió nhưng 3 ngày mới đến”, ông Nam nhớ lại.
Trong ký ức của ông Nam, biển Hoàng Sa ngày ấy hải sản dồi dào, chỉ cần lặn xuống, ngoi lên, thì lúc nào cũng có cá mú, cà phèn, cá nục, hải sâm… Đánh bắt xong, thuyền ông thường ghé vào những đảo như Quang Ảnh, Bombay, Đá Lồi… để nghỉ ngơi, ăn uống.
Trở về từ chiến trường K, ông Nam cởi bỏ bộ đồ lính, lại lên tàu ra Hoàng Sa. Nhưng đến năm 33 tuổi, một tai nạn đã thay đổi cuộc đời ông. Hôm ấy, khi di chuyển từ đảo Bombay sang đảo Đá Lồi, ông Nam lặn biển ở độ sâu 35 – 40 m và bị áp suất nước khiến đôi chân của chàng kình ngư bị tê liệt.
Đây là tai nạn dễ gặp của những thợ lặn biển. Ở làng của ông Nam, nhiều người đã phải bỏ biển, nhiều đàn ông phải nằm một chỗ, thậm chí tử vong. Sau sự cố, ông thoáng nghĩ đến mình, ứa nước mắt, nhưng rồi lại gạt đi để nuôi hy vọng bằng việc điều trị ở nhiều nơi. “Bác sĩ bảo nếu đưa đến viện trong vòng 24 giờ thì có thể chữa trị được, còn bây giờ tình trạng đã mãn tính”, ông Nam nhớ lại.
Sau 1 tháng điều trị, chân ông Nam khỏe hơn nhưng vĩnh viễn không thể phục hồi như cũ. Thế rồi ông chọn “đi Hoàng Sa” bằng cách góp vốn đóng tàu để lớp ngư dân trẻ tiến ra Hoàng Sa.
Hậu phương Hoàng Sa

Khi đảm bảo kết nối thông tin liên lạc với đất liền, ngư dân làng biển Gành Cả tự tin vươn ra Biển Đông

Nối biển đông với bờ

Khác với ông Nam, ông Nguyễn Thanh Hùng ở làng biển nhưng không làm nghề lặn. Từng là Trưởng công an xã Bình Châu, ông Hùng nổi tiếng tốt bụng và gần gũi với bà con. Đến năm 2004, ông được bầu làm Phó chủ tịch xã phụ trách mảng kinh tế.
Xã biển Bình Châu lúc này đã thành một trong những làng chài lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi với hàng trăm con tàu công suất lớn đánh bắt ở khắp các ngư trường đất nước. Năm 2008, nhận thấy nhu cầu thông tin, liên lạc giữa Biển Đông với bờ rất quan trọng trong những mùa gió bão, hoặc có va chạm với tàu nước ngoài, UBND xã Bình Châu đầu tư một máy ICOM để liên lạc. Thấy ông Nam lanh lợi, giỏi giang trong việc quảng giao và ghi chép, ông Hùng đặt máy ICOM ở lăng vạn Gành Cả (nơi cúng thần biển) và giao ông Nam phụ trách máy ICOM.
“Người được chọn” hội đủ nhiều tiêu chí, vừa là “cổ đông” của tàu cá ngoài khơi xa, vừa thuộc ngư trường từ kinh nghiệm chinh chiến trên Biển Đông. Chỉ cần nghe miêu tả sơ qua, ông Nam có thể hướng dẫn ngư dân thoát khỏi những cơn bão lớn, hoặc cách xử trí khi bị tàu Trung Quốc tấn công.
Làng biển ngày thường phần lớn chỉ có đàn bà và trẻ nhỏ. Nghe đài báo tin bão mà chồng con còn ngoài khơi thì ai cũng thắc thỏm. Ông Nam và ông Hùng không thể nào quên những mùa bão ở lăng vạn, đàn bà cả xóm quây quần, nghe chồng con báo tin về. “Cứ mỗi lần đứt sóng, không liên lạc được là rất nhiều bà ngồi khóc, tôi và ông Hùng phải dỗ, mà dỗ không được thì quát cho mấy bà giữ trật tự, dù rất hiểu mấy bả đang rối bời”, ông Nam nói. Trấn an các chị em xong, ông Nam và ông Hùng lại gọi điện báo tin cho bộ đội biên phòng, lãnh đạo ngành nông nghiệp… để nắm được số liệu bao nhiêu tàu đang trong vùng nguy hiểm.
Biển Hoàng Sa mỗi ngày một dậy sóng, không chỉ có thiên tai mà cả nhân tai. Thời điểm Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981, thủ đoạn uy hiếp của Trung Quốc lúc này rất dã man, đâm tàu, phun vòi rồng, đánh đập ngư dân, cắt lưới, phá ngư cụ, thu hải sản, bắt ký vào các giấy tờ bất hợp pháp… Trong bờ, ông Nam và ông Hùng như ngồi trên đống lửa. Trong vòng một tháng, 4 tàu cá của Bình Châu đã bị tấn công, thuyền trưởng Nguyễn Tấn Hải, 32 tuổi và Lê Huyền Anh bị đánh trọng thương…
Khi những ngư dân kiên cường bị uy hiếp, bất kể ngày hay đêm, các nhà báo, các cơ quan chức năng gọi điện, ông Nam và ông Hùng luôn thường trực phản hồi mà không có lấy một câu cáu gắt.
Trước những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, ông Hùng triển khai chương trình ra khơi theo tổ đội của nghiệp đoàn, để khi làm thành “bó đũa” tàu Trung Quốc không dễ gì bẻ gãy. Những lời chủ tịch nghiệp đoàn nói cũng là nói hộ tấm lòng của dân biển, họ có thể bỏ một chuyến biển, chịu lỗ chứ không bao giờ bỏ nhau. Nhiều ngư dân như ông Võ Văn Lựu (ở xóm Gành Cả) đã nhiều lần lai dắt, cứu tàu bạn về bờ an toàn khi bị tàu Trung Quốc đâm hoặc bị chết máy…

Hậu phương “không mỏi”

Làm việc “bao đồng”, không công nhưng ông Nam lại được “biển đãi”, những con tàu ông Nam góp vốn làm ăn khấm khá. Đến năm 2015, ông Nam xây được nhà 2 tầng khang trang, đóng cho con trai Nguyễn Thành Linh con tàu 700 CV để nối nghiệp cha vươn ra Biển Đông.
Cuộc sống khấm khá, nhưng ông Nam vẫn gắn bó với “nghiệp ICOM”. Năm 2018, chiếc ICOM của nghiệp đoàn đã cũ, các ngư dân trong xóm đến nhà bàn với ông Nam góp tiền mua ICOM lớn. Mỗi chủ tàu 1,5 – 2 triệu đồng, họ mua cho ông chiếc ICOM 40 triệu đồng, đặt trong nhà ông để thuận tiện thông tin.
Ông Nam thường liên lạc với Đài khí tượng – thủy văn khu vực Nam bộ để nắm rõ tình hình thời tiết trên biển. Gần 4 năm qua, dù trời yên biển lặng hay sóng gió, ông đều “trực chiến” bên chiếc ICOM hằng ngày. “Mùa này trời yên, các tàu đang trúng cá, nên tôi chỉ trực canh 16 giờ/ngày, nhưng đến mùa bão gần như phải thường trực 24/24 giờ”, ông Nam nói.
Không chỉ có thiên tai và nhân tai, các sự cố trên tàu cũng được báo về ICOM của ông Nam. Hồi tháng 5.2020, tàu cá của ngư dân Trần Thị Kim Phụng đang đánh bắt ở Hoàng Sa thì chết máy. Chủ tàu liên hệ với ông Nam tìm thợ máy điện đàm ra biển, rồi mua thiết bị gửi ra biển để sửa chữa. “Sau 5 ngày thì tàu trong bờ ra đúng vị trí tàu bị nạn, đưa thiết bị để sửa chữa giúp tàu về bờ an toàn”, ông Nam kể.
Ngoài vai trò “người đưa tin”, ông Nam còn giúp các ngư dân giải quyết các giấy tờ, chế độ, thủ tục vay vốn cho tàu ra khơi bám biển. Đôi chân tập tễnh, thế nhưng mỗi khi có người nhờ là ông lại chạy 20 km lên TP.Quảng Ngãi, làm việc với các cơ quan nhà nước để các thủ tục được giải quyết nhanh chóng.
Trong khi đó, ông Hùng sau khi nghỉ hưu, thôi làm phó chủ tịch xã từ năm 2014 nhưng vẫn tiếp tục làm chủ tịch nghiệp đoàn. Ông là cầu nối giữa nhà nước và ngư dân, tham gia góp ý vào các chính sách, liên lạc với cơ quan nhà nước, tổ chức, nhà báo… để hỗ trợ ngư dân. Khi có các quỹ như Tấm lưới nghĩa tình của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, chương trình tiếp sức ngư dân của Báo Thanh Niên…, ông Hùng cố gắng sắp xếp để hợp tình hợp lý: “Tàu nào bị nặng thì hỗ trợ trước, bị nhẹ hỗ trợ sau, nhiều khi chương trình sau lại cho tiền nhiều hơn đoàn trước. Những lúc đó mình phải giải thích rõ để không mất lòng bà con”.
***
Hoàng Sa, Trường Sa là đất thiêng trên Biển Đông. Nơi ấy, biên cương của Tổ quốc càng thiêng liêng hơn khi ở đất liền luôn đậm sâu tình cảm của bao người con nước Việt hướng đến, tạo thành trì hậu phương vững bền. Nơi ấy, mỗi con tàu, mỗi ngư dân kiên cường vươn khơi xa như một cột mốc biên cương sống của non sông Việt Nam.

 

 

 

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.



PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img