Trong cuộc đời của mỗi con người, chắc chắn ai cũng có một món ăn nhớ mãi theo thời gian. Đó có khi không phải là món ăn khoái khẩu nhất, mà nó xuất hiện trong một thời khắc đặc biệt nhất. Hơn 40 năm tồn tại trên cõi đời, tôi không còn nhớ mình đã ăn bao nhiêu món từ trong nước đến quốc tế. Thế nhưng, nếu ai đó hỏi tôi rằng món ăn trong ký ức nào đáng nhớ nhất, tôi sẽ nói ngay là món cá lóc bông kho nước dừa vào ngày tết năm ấy.
Đó là lúc tôi tầm 12 tuổi. Má tôi về Cần Thơ mua bán để lo cho anh chị tôi học đại học, còn tôi ở lại Châu Đốc với ba học cấp 2. Trước năm 1975, ba tôi dạy trung học. Về sau, vì nhiều nguyên nhân, ông không tiếp tục dạy trường công mà chỉ “gõ đầu trẻ” ở những lớp bổ túc văn hóa cho học sinh nghèo và những thanh niên bỏ học. Công việc ấy không có lương, chỉ có một ít trợ cấp của phường. Ông mưu sinh bằng nghề dạy võ. Nói là mưu sinh chứ thật ra học phí chỉ là một khoản rất nhỏ đủ để trà nước, và đa số học trò võ của ông đều nghèo. Ba tôi và tôi sống trong điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn của thời bao cấp.
Món cá lóc kho tôi làm cho má năm nay vẫn không thể nào giống y như trong ký ức tết ngày xưa |
Dù nghèo đến mấy thì ngày tư ngày tết cũng phải chuẩn bị sao cho coi được, ít nhất là phải có một bữa ăn tươm tất. Năm đó, má và anh chị cũng vất vả nên không về quê sớm như mọi khi, việc chuẩn bị thức ăn tết do ba tôi lo liệu, còn tôi chực chờ được sai vặt. Đã hết ngày 27 tết rồi mà ba vẫn không xoay được tiền để mua ký thịt ba rọi, chục trứng vịt để nấu món thịt kho hột vịt truyền thống. Ba thấp thỏm, ngồi xuống đứng lên, nhưng cũng không nhớ ra ai có thể cho mượn ít tiền. Bí lối, cha con chúng tôi tập trung vào quét nhà cửa cho thật sạch. Ba xuống bến tàu, nhắn về mấy cô trong quê gửi xuống ít bánh tét và ít trái cây. Qua ngày 28 tết, ba nói: “Thôi thì năm nay có gì dùng nấy, năm sau sẽ khá hơn”.
Đúng lúc chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho cái tết không có “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” như truyền thống, thì một học trò của ba tôi ghé tặng 2 con cá lóc bông, mỗi con khoảng 2,5 ký. Anh học trò này bình thường làm công nhật trên bè nuôi cá. Anh làm quần quật đến 28 tết chủ bè mới cho nghỉ, tặng mớ cá ngon làm quà tết. Anh nhớ tới thầy nên gửi chút lòng. Ba tôi nhìn hai con cá lóc bông to tướng vừa mừng vừa lúng túng, vì ở quê tôi có ai nấu món cá làm món đặc thù ngày tết bao giờ. Suy đi tính lại, ba nói thà ngày tết trong nhà có đồ ăn, còn hơn là không có gì. Vậy là, ba làm hai con cá thật kỹ và sạch. Ba hỏi dì năm hàng xóm cách nấu món thịt kho trứng với nước dừa. Về nhà, ba sáng chế ra món cá lóc bông kho nước dừa.
Ông ướp hành tím, tỏi, ớt bằm, ít nước màu, nước mắm, bột ngọt và ít đường vào cá, rồi để đó tầm 1 tiếng cho thấm. Khi bắt nồi lên lò nấu một lúc, ông cho nước dừa vào, và hạ lửa riu riu. Cá lóc bông có vẻ ngoài hơi giống cá lóc đồng nhưng to hơn và trên mình có hoa văn đóm trắng, đóm đen nên người ta gọi là bông. Đặc biệt, cái ruột cá to bự dày mỡ nên nấu một hồi mỡ ngập cả nồi và màu sắc từng khoanh cá từ từ chuyển qua nâu bóng. Mùi cá và gia vị hòa quyện thơm ngát cả nhà. Tôi vừa phụ ba lau nhà, vừa nuốt nước miếng ừng ực. Ánh mắt ba như có tia cười vừa ý.
Sáng ngày 30 tết, má và anh chị về tới quê mang theo ít thèo lèo cứt chuột và 2 trái dưa hấu. Lúc ấy chợ quê đã đóng nên không thể mua gì thêm. Ba nói: “Tết năm nào cũng ăn hột vịt thịt kho, hơi ngán, năm nay đổi khẩu vị nhé”. Má nhìn ba cười đồng ý dù trong lòng bà thừa biết rằng ở cái thời ấy, người ta chỉ tranh thủ đến tết để có dịp ăn thịt heo, chứ quanh năm làm gì có điều kiện ăn món đó, trừ một số ít nhà giàu. Thực ra, cá lóc bông cũng là thứ cá khá mắc tiền.
Thường ngày chỉ có nhà khá giả mới ăn loại cá này, còn nhà nghèo như chúng tôi quanh quẩn cá linh, cá lòng tong, cá ba kỳ, ba sa, cá tra, cá sặc. Vậy nên, ngày tết mà được ăn cá lóc bông kho nước dừa cũng xem như là an ủi.
Sáng ngày mồng một tết, sau khi đã cúng kiến đâu đó xong xuôi, ba kêu chị hai bày mâm cơm đầu năm. Cả nhà 5 người quay quần bên nồi cơm nóng và tô cá lóc bông thơm lừng. Má gọt trái dưa hấu đỏ, cắt thành từng miếng nhỏ để ăn kèm thay cho dưa leo. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi ăn món cá lóc bông kho nước dừa cùng với gia đình. Không biết là ba khéo tay, hay thịt cá bông ngon tự nhiên mà ăn đến đâu tôi thấy đã đến đó. Thịt cá bùi và ngọt, vị nước kho cá không mặn, mà rất dịu chan ngập cơm ăn hoài không chán. Lâu lâu chấm một miếng dưa hấu ngọt vào nước cá, cảm nhận cảm giác mát lạnh đầu lưỡi.
Má chia cái ruột lớn ra làm nhiều phần, bà gấp một miếng cho tôi, tôi bỏ ngay vô miệng. Trời ạ, béo ngậy và thơm thơm. Ở cái thời thiếu đạm và chất béo ấy, ăn được miếng mỡ ngon biết nhường nào. Ba và má ăn chậm, chỉ lo nhìn đàn con, còn chúng tôi thì ăn quên thôi, tới mức no cành hong.
Nhiều năm sau này, chúng tôi đã đi qua nhiều cái tết đủ đầy. Có năm, chúng tôi đón tết ở một nơi khác ngoài lãnh thổ Việt Nam. Nhưng tuyệt nhiên, không có mùa tết nào chúng tôi ăn lại món cá lóc bông kho nước dừa. Có lúc, rảnh rỗi, ngẫm nghĩ vu vơ tôi tự hỏi vì sao món ăn ngon như thế mà không được gia đình tôi nấu lại. Tôi tự trả lời rằng trước tiên có thể những gì đã gọi là tập quán được truyền từ đời này qua đời khác mới được người ta nhớ đến. Ví dụ như món thịt kho trứng ngày tết, còn món cá lóc bông kho nước dừa chỉ là món chữa cháy của nhà tôi vào cái thời khắc túng quẫn ấy. Một khi đã gọi là món chữa cháy thì chỉ là tạm thời và thoáng qua.
Nhưng chính vì là khoảnh khắc duy nhất, không lập lại, nó mới ở lại sâu trong ký ức của tôi mãi đến bây giờ.
Nguồn: thanhnien.vn