Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM (BCĐ) vừa ban hành kế hoạch tiêm chủng vắc xin Covid-19 từ ngày 29.8 – 31.12. Mục tiêu cơ bản hoàn thành tiêm vắc xin Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn TP (theo thống kê của Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình tính tới ngày 30.6.2021 là hơn 7,2 triệu người).
Ưu tiên người cao tuổi, người có bệnh nền
Theo BCĐ, từ ngày 8.3 đến hết ngày 27.8, TP.HCM đã thực hiện tiêm vắc xin Covid-19 được 5,8 triệu liều, trong đó có 273.767 mũi tiêm thứ 2. Ngoài ra, các đơn vị thuộc T.Ư đóng trên địa bàn TP được Bộ Y tế phân bổ khoảng 500.000 liều vắc xin Covid-19, phần lớn số vắc xin này được tiêm cho cán bộ, công nhân viên, các lực lượng khác của đơn vị T.Ư đang làm việc và sinh sống trên địa bàn TP. Theo ước tính có khoảng 83% người từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn đã được tiêm vắc xin Covid-19.
Lượng vắc xin Covid-19 được cấp tại TP.HCM trong thời gian qua
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM
|
Theo kế hoạch lần này, BCĐ cho biết đối tượng tiêm là toàn bộ người dân trên địa bàn TP trong độ tuổi quy định có chỉ định sử dụng vắc xin.
Trong đó, ưu tiên cho nhóm đối tượng sau: Người cao tuổi, người có bệnh nền, thai phụ từ 13 tuần trở lên và bà mẹ đang cho con bú. Lực lượng tuyến đầu chống dịch (những người chưa tiêm). Lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế (nhà đầu tư, doanh nghiệp, công nhân trong và ngoài các khu công nghiệp, người lao động thuộc nhóm cung cấp dịch vụ và hàng hóa thiết yếu, nhóm đảm bảo lưu thông…).
4 giai đoạn tiêm
Giai đoạn 1 (từ 29.8 – 15.9). Tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 cho khoảng 680.000 người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1.
Tiêm vắc xin Covid-19 nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vắc xin với khoảng hơn 2 triệu người.
Bao gồm: 733.000 người cần tiêm bằng vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer; 485.000 người cần tiêm vắc xin Moderna; 31.000 người cần tiêm vắc xin Pfizer; 840.000 người cần tiêm vắc xin Vero Cell. Tập trung tổ chức tiêm trong thời gian từ ngày 6.9 – 10.9.
Tổng số lượng vắc xin Covid-19 cần sử dụng giai đoạn 1 là hơn 2,7 triệu liều.
Các loại vắc xin, số lượng mà TP.HCM cần trong thời gian tới
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM
|
Giai đoạn 2 (từ 16.9 – 30.9). Bao phủ mũi 1 cho 10% còn lại của người từ 18 tuổi trở lên (khoảng 720.000 người).
Tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vắc xin (khoảng 656.900 người).
Bao gồm: 500.000 người cần tiêm bằng vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer; 18.200 người cần tiêm vắc xin Moderna; 700 người cần tiêm vắc xin Pfizer; 138.000 người cần tiêm vắc xin Vero Cell.
Tổng số lượng vắc xin cần sử dụng cho giai đoạn 2 là hơn 1,3 triệu liều.
Giai đoạn 3 (từ 1.10 – 15.10). Tiêm nhắc mũi 2 cho 2,6 triệu người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian bằng vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer.
Giai đoạn 4 (từ 16.10 – 31.12). Tiêm nhắc mũi 2 cho 1,4 triệu người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo loại vắc xin phù hợp (trong giai đoạn từ ngày 29.8 – 30.9).
Như vậy, tổng cộng số lượng vắc xin cần sử dụng cho 4 đợt từ ngày 29.8 – 31.12 là khoảng hơn 8,1 triệu liều. Trong đó, sử dụng cho mũi 1 khoảng 1,4 triệu liều; sử dụng cho mũi 2 khoảng hơn 6,7 triệu.
Nguồn vắc xin từ đâu ?
Để đảm bảo nguồn cung ứng vắc xin đáp ứng nhu cầu bao phủ vắc xin cho người dân, TP.HCM tiếp nhận nguồn vắc xin phòng Covid-19 do Bộ Y tế cấp.
Song song đó, TP giao Sở Y tế chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất UBND TP.HCM thực hiện đàm phán và mua vắc xin phòng Covid-19 theo hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền và quy định của pháp luật. Vận động nguồn vắc xin phòng Covid-19 được tài trợ từ các đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật.
Tổ chức tiêm chủng như thế nào ?
TP.HCM tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả, chất lượng. Trong đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Thủ Đức và các quận, huyện đóng vai trò chủ đạo trong triển khai, giám sát, đôn đốc các đơn vị liên quan, phối hợp tổ chức hiệu quả công tác tiêm chủng tại địa phương, đảm bảo các yêu cầu an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; đặc biệt trong giai đoạn TP thực hiện giãn cách xã hội và tuân thủ các quy định chuyên môn hiện hành do Bộ Y tế và Sở Y tế hướng dẫn và chỉ đạo.
Số mũi vắc xin Covid-19 TP.HCM cần tiêm đến cuối năm
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM
|
Các cơ sở y tế trên địa bàn TP tiếp tục tham gia chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 theo phân công của Sở Y tế và huy động của chính quyền địa phương, đảm bảo các yêu cầu chuyên môn về tiêm chủng.
Căn cứ số lượng đối tượng cần tiêm vắc xin phòng Covid-19 và các điều kiện thực tế tình hình dịch bệnh tại địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Thủ Đức và các quận, huyện vận dụng các hình thức tổ chức tiêm chủng đáp ứng yêu cầu về an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo tiến độ đề ra tại kế hoạch này.
Cụ thể, duy trì và vận hành tốt các điểm tiêm trong và ngoài cơ sở y tế. Tổ chức các hình thức tiêm lưu động để tăng khả năng tiếp cận vắc xin Covid-19 cho người dân nhưng phải đảm bảo yêu cầu giãn cách và an toàn phòng chống dịch trong quá trình tổ chức, như: các xe tiêm lưu động, các điểm tiêm riêng cho khu chung cư hoặc khu nhà trọ đông người, các tổ tiêm tại nhà… Kết hợp với đội thực hiện xét nghiệm nhanh tầm soát cộng đồng để tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân sau khi có kết quả âm tính.
BCĐ chỉ đạo tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 ngay khi có nguồn vắc xin phù hợp quy định của Bộ Y tế và nhà sản xuất. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người đã được tiêm mũi 1 đủ thời gian chủ động lập danh sách gửi về UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện và sở, ban, ngành quản lý để tổng hợp nhu cầu tiêm vắc xin và phối hợp tổ chức tiêm theo địa bàn.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM chỉ đạo danh sách người cần tiêm mũi 2 phải được nhập liệu lên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia (ghi rõ thời điểm và loại vắc xin đã tiêm mũi 1) để các địa phương quản lý thông tin và lập kế hoạch sắp xếp lịch mời người dân đến tiêm.
|