1 bác sĩ chăm sóc 1 gia đình F0, F1
Thạc sĩ Phùng Quán, Phó chủ tịch Công đoàn ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết hiện Công đoàn ĐH này bắt đầu triển khai hoạt động tư vấn sức khỏe trực tuyến 1-1 chăm sóc sức khỏe tại nhà cho các F0, F1 theo mô hình bác sĩ gia đình.
Chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến sẽ bắt đầu từ ngày mai (31.8), áp dụng cho các cán bộ nhân viên, người lao động hoặc người thân thuộc diện F0, F1 đang thực hiện cách ly tại nhà. Mỗi gia đình có ca bệnh hoặc F1 sẽ có một bác sĩ phụ trách riêng theo mô hình bác sĩ gia đình.
Cũng theo thạc sĩ Phùng Quán, bác sĩ và gia đình trao đổi thông qua gọi điện thoại trực tiếp hoặc nhắn tin theo khung thời gian quy định qua nhóm riêng đã được thiết lập. Việc tư vấn trực tiếp 1-1 này sẽ thực hiện kéo dài cho đến khi bác sĩ thấy tình trạng F0, F1 đã ổn, thời gian tư vấn kéo dài 7 – 14 ngày tùy theo mức độ bệnh.
Bác sĩ sẽ chẩn đoán từ xa thông qua việc mô tả của bệnh nhân hoặc người tiếp xúc gần. Từ đó sẽ hướng dẫn cách điều trị, chăm sóc và sử dụng thuốc phù hợp. Ngoài 2 khung giờ cố định trong ngày, bệnh nhân vẫn có thể gọi bác sĩ trong các trường hợp khẩn cấp.
Ông Quán thông tin thêm để thực hiện chương trình hỗ trợ chăm sóc các ca nhiễm hoặc hướng dẫn người tiếp xúc gần, ĐH Quốc gia TP.HCM huy động đội ngũ bác sĩ và đồng nghiệp giảng dạy tại Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) tham gia.
Không chỉ hỗ trợ điều trị, thạc sĩ Phùng Quán, cho biết một trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM còn dự kiến triển khai chương trình tư vấn tâm lý cho người lao động, học sinh, sinh viên trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo đó, chương trình đặc biệt quan tâm hỗ trợ tâm lý cho các trường hợp F0.
700 sinh viên, giảng viên hỗ trợ chăm sóc F0 cho người dân
Trong khi đó, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng đã đưa vào hoạt động mô hình “Tổ y tế từ xa” hỗ trợ chăm sóc F0 nhẹ đang cách ly tại nhà trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, tổ này sẽ chăm sóc và theo dõi sức khỏe trong suốt thời gian điều trị tại nhà thông qua tổng đài với hơn 700 nhân viên y tế gồm: chuyên gia, bác sĩ, giảng viên và sinh viên y khoa năm cuối của trường. Mỗi ngày tổ y tế sẽ tư vấn theo 3 khung giờ, mỗi khung giờ kéo dài 2 tiếng.
Trước đó, từ đầu tháng 8 mô hình này đã triển khai chạy thử và đến nay hỗ trợ được hơn 500 ca bệnh. Hệ thống này ước tính sẽ tiếp nhận và hỗ trợ thêm được nhiều bệnh nhân sau khi được kết nối với UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức.
Số điện thoại tiếp nhận của Tổ y tế từ xa hỗ trợ theo dõi F0 tại nhà miễn phí của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch
|
Không chỉ chăm sóc các bệnh nhân nhẹ, tổng đài còn liên hệ với hệ thống taxi chuyển bệnh cấp cứu 115 và Tổng đài cấp cứu 115 có hướng chuyển viện phù hợp với các trường hợp F0 chuyển nặng. Hệ thống taxi và tổng đài cấp cứu này cũng do hơn 300 sinh viên các năm cuối của trường phối hợp với Trung tâm cấp cứu 115 triển khai.
Chia sẻ về mô hình trên, PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các trường hợp F1 và F0 tăng cao, bệnh viện và khu cách ly quá tải khiến nhiều bệnh nhân không được điều trị và chăm sóc sức khỏe. Thấu hiểu sự khó khăn của ngành và người dân, trường huy động giảng viên và sinh viên tham gia góp sức cùng thành phố.