Những ngày gần đây, bài viết của cô Phạm Minh Phương Hằng, giáo viên tại Bình Dương với tiêu đề: Chậm lại được không? đăng trên một tờ báo điện tử đã chạm đến cảm xúc và mong muốn của rất nhiều người dân, gồm nhà giáo, học sinh và phụ huynh.
“Chậm lại một chút để dìu nhau qua khó khăn có phải là điều nên làm?”, cô Phương Hằng đặt câu hỏi nhưng thực ra là đề nghị thiết tha của cô với Bộ GD-ĐT. Đó cũng là tiếng nói của một giáo viên trực tiếp đứng lớp, đang chưa biết phải bắt đầu năm học mới thế nào; đang hàng ngày chứng kiến học sinh của mình, em thì còn ở nơi cách ly, em còn đang chiến đấu với bệnh tật, thậm chí còn chưa vượt qua được những mất mát vì dịch bệnh hay đang bận vật lộn với bữa ăn hàng ngày và không có máy móc để online….
Không chỉ giáo viên, tại hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm học mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, nhận định tình hình dịch bệnh có thể còn kéo dài, việc dạy học trực tuyến không thể thay thế hoàn toàn việc học trực tiếp, do vậy TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét, tính toán phương án kéo dài năm học để đảm bảo chất lượng giáo dục, nhất là đối với các khối lớp nhỏ lớp 1, 2, 3.
Những đề xuất này nhận được sự ủng hộ của dư luận, bởi mỗi người dân ở vùng dịch bệnh đều đang rối bời với nỗi lo an toàn, cơm áo…, họ không muốn con mình bắt đầu năm học theo cách bất an như vậy.
Khi ban hành Quyết định số 2551 về khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022, Bộ GD-ĐT dành quyền cho chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư được quyền quyết định thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày, để bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục trong trường hợp đặc biệt.
Cô giáo Phương Hằng hay Phó chủ tịch TP.HCM Dương Anh Đức khi đề xuất như trên, không phải vì họ không biết địa phương đã được Bộ GD-ĐT “uỷ quyền” ở mức độ nào, tại quyết định số bao nhiêu…
Thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh mấy tháng trời chưa được khống chế, rồi sau khi dịch bệnh được đẩy lui, tâm dịch còn mất nhiều thời gian nữa để vực dậy, trường học được lấy làm khu cách ly cần thời gian để lấy lại cơ sở vật chất, dọn dẹp vệ sinh; giáo viên, học sinh là F1, F0… cần thời gian để phục hồi…. Vậy thì 15 ngày mà Bộ uỷ quyền cho chủ tịch cấp tỉnh quyết định ấy, có thấm tháp gì.
Các ý kiến đề xuất với Bộ GD-ĐT về kéo giãn thời gian năm học không phải họ không nắm tình hình dịch bệnh của địa phương ra sao để đưa ra quyết định cho học sinh đi hay nghỉ học, mà họ cần tiếng nói của cơ quan quản lý về mặt chuyên môn: nên chậm lại để đảm bảo chất lượng dạy học tốt hơn (nhất là với học sinh non nớt như lớp 1, lớp 2), hay cứ phải lo chạy theo “khung thời gian” năm học vốn tồn tại từ thời chưa biết Covid-19 là gì.
Địa phương đề nghị Bộ GD-ĐT kéo dài năm học là để họ yên tâm tập trung chống dịch và không còn lo hết 15 ngày lại báo cáo Bộ; để họ yên tâm rằng các kỳ thi quốc gia do Bộ tổ chức sẽ phù hợp với tình hình dạy học thực tế của tất cả các địa phương, chứ không phải theo một mốc thời gian định sẵn.
Chưa năm học nào mà đến cả chục địa phương tuyên bố sẽ không tổ chức ngày khai giảng như năm học này, nỗi lo chồng chất nỗi lo, nhiều địa phương phía Nam đang ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, không có tâm trí đâu để “tưng bừng bước vào năm học mới” , dù chỉ là trực tuyến hay truyền hình trực tiếp như một số tỉnh, thành khác đang làm.
Vậy mà Bộ GD-ĐT cứ ra văn bản rồi… chờ địa phương báo cáo trong khi thực tế đang diễn ra, có bao nhiêu những tình huống cản trở việc dạy học bởi dịch bệnh mà không có văn bản nào lường trước được.
Một hướng dẫn, chỉ đạo chủ động từ phía Bộ GD-ĐT với các địa phương đang gồng mình chống dịch có thể áp dụng phù hợp, để họ yên tâm về một năm học không chạy theo thời gian mà ưu tiên số một là sức khoẻ thầy trò và chất lượng giáo dục thật, sẽ tốt hơn nhiều việc Bộ chờ địa phương kiến nghị.