Thêm 14.224 ca nhiễm mới được công bố
Bản tin Bộ Y tế tối 30.8 cho biết tính từ 17 giờ ngày 29.8 đến 17 giờ ngày 30.8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.224 ca nhiễm mới, trong ngày có 9.014 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Cũng trong ngày 30.8, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 315 ca tử vong tại 16 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Việt Nam lên 11.064 ca.
Thông tin về 14.224 ca nhiễm mới được công bố trong ngày 30.8 như sau.
– 5 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
– 14.219 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 7.504 ca trong cộng đồng. Gồm tại Bình Dương (6.050), TP.HCM (5.889), Long An (524), Đồng Nai (491), Tiền Giang (221), Khánh Hòa (126), Hà Nội (110), An Giang (90), Kiên Giang (73), Nghệ An (68), Tây Ninh (56), Đà Nẵng (54), Bình Thuận (46), Thừa Thiên – Huế (40), Đồng Tháp (37), Cần Thơ (36), Trà Vinh (36), Bà Rịa – Vũng Tàu (33), Quảng Bình (30), Quảng Ngãi (30), Đắk Lắk (24), Bình Định (20), Sóc Trăng (19), Thanh Hóa (18), Bình Phước (15), Phú Yên (14), Bến Tre (11), Quảng Nam (10), Vĩnh Long (7), Ninh Thuận (7), Quảng Trị (6), Đắk Nông (5), Hà Tĩnh (4), Hậu Giang (4), Lâm Đồng (3), Bạc Liêu (3), Sơn La (2), Kon Tum (2), Hưng Yên (2), Bắc Ninh (2), Cà Mau (1).
– Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.467 ca. Tại Bình Dương tăng 636 ca, TP.HCM tăng 932 ca, Long An giảm 9 ca, Đồng Nai tăng 114 ca, Tiền Giang tăng 66 ca.
– Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 449.489 ca nhiễm, đứng thứ 59/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 163/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.572 ca nhiễm).
– Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 445.291 ca, trong đó có 226.042 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang.
+ Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ, Kon Tum.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (215.810), Bình Dương (110.258), Đồng Nai (23.132), Long An (21.457), Tiền Giang (9.438).
– Tổng số ca được điều trị khỏi: 228.816
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.449 ca, trong đó:
– Thở ô xy qua mặt nạ: 4.157
– Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.247
– Thở máy không xâm lấn: 105
– Thở máy xâm lấn: 916
– ECMO: 24
Cũng trong ngày 30.8, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 315 ca tử vong tại 16 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (245), Bình Dương (39), Tiền Giang (7), Long An (6), Đồng Nai (4), Đồng Tháp (3), Khánh Hòa (2), Đà Nẵng (1), Hà Nội (1), An Giang (1), Bến Tre (1), Bình Định (1), Bình Thuận (1), Sóc Trăng (1), Thừa Thiên Huế (1), Vĩnh Long (1).
– Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 11.064 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
– Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 13.252.329 mẫu cho 32.742.499 llượt người.
– Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 19.710.560 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.186.153 liều, tiêm mũi 2 là 2.524.407 liều.
TP.HCM đã đạt đến đỉnh dịch Covid-19 hay chưa?
Trong đợt dịch 4, ca đầu tiên ghi nhận tại TP.HCM vào ngày 29.4. Kể từ ngày 29.4 đến ngày 10.6 (khoảng 40 ngày) ghi nhận tổng cộng 562 ca Covid-19; đến 30.6 (khoảng 60 ngày từ ngày 29.4) ghi nhận tổng cộng 3.818 ca; đến 20.7 (khoảng 80 ngày) ghi nhận tổng cộng 37.787 ca; đến 20.8 (khoảng 110 ngày) ghi nhận tổng cộng 129.751 ca; đến 29.8 (khoảng 120 ngày), ghi nhận tổng cộng có 209.921 ca nhiễm Covid-19.
Tính trong khoảng thời gian tháng, thì trong tháng 6.2021 ngày 25.6 có ca nhiễm cao nhất với 704 ca (thấp nhất là ngày 1.6 với 19 ca). Trong tháng 7, ngày 27.7 cao nhất với 6.318 (thấp nhất là ngày 2.7, với 419 ca). Trong tháng 8, ngày 28.8 cao nhất với 5.481 ca nhiễm (thấp nhất là ngày 4.8, với 3.300 ca).
Tính bình quân tổng 209.921 ca nhiễm của đợt dịch 4, mỗi ngày TP.HCM ghi nhận khoảng 1.749 ca.
Từ 27.4 đến 23.8 (mốc thời gian siết chặt giãn cách xã hội), ngày có số ca nhiễm cao nhất là ngày 27.7, với có 6.318 ca.
Ngày 29.8, theo thông tin mà Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM công bố, trong 7 ngày tăng cường giãn cách (từ ngày 23.8 – 29.8), TP.HCM xét nghiệm nhanh kháng nguyên đối với vùng đỏ và vùng vàng (vùng nguy cơ cao về Covid-19), tổng cộng 1.677.154 mẫu, phát hiện 64.299 mẫu dương tính, chiếm 3,8% số mẫu xét nghiệm (bình quân khoảng 9.185 mẫu dương tính/ngày).
Song, cũng trong 7 ngày tăng cường giãn cách (từ ngày 23 – 29.8), dữ liệu công bố số ca nhiễm dao động chỉ từ hơn 4.200 đến hơn 5.400 ca nhiễm/ngày.
Cho đến thời điểm này, chưa có số liệu hay phát ngôn chính thức từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM về đỉnh dịch Covid-19 tại TP.HCM.
TP.HCM đề xuất bổ sung đối tượng nhận gói hỗ trợ 9.247 tỉ đồng
Ngày 30.8, theo thông tin từ Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, ngày 28.8, đơn vị đã gửi khẩn tờ trình đề xuất bổ sung đối tượng gặp khó khăn nhận gói hỗ trợ Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, với tổng số tiền hơn 9.200 tỉ đồng.
Thực hiện Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM, Công văn số 2209/2021 (triển khai gói hỗ trợ Covid-19 đợt 1) và Công văn 2627/2021 (triển khai gói hỗ trợ đợt 2) của UBND TP.HCM, đối với đối tượng lao động tự do (lao động không có giao kết hợp đồng lao động), TP.HCM đã giải quyết cho 804.491/1.369.156 lượt người (đạt 58,76%) với tổng số tiền hơn 1.200 tỉ đồng.
UBND TP.HCM đã ban hành Công văn số 2627 và Công văn số 2799 về việc tiếp tục hỗ trợ người dân gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.
Sở LĐ-TB-XH đề nghị hỗ trợ cho 2 đối tượng gồm: hộ nghèo, hộ cận nghèo và người lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 7.291 tỉ đồng.
Sở LĐ-TB-XH cũng nêu rõ trong tờ trình, đề xuất bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ, gồm: Hỗ trợ cho gần 39.000 người thuộc nhóm đối tượng người có công và thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng, vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác đang hưởng trợ cấp hằng tháng, đối tượng quân nhân, công an, thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Dự kiến kinh phí hỗ trợ hơn 58 tỉ đồng (mức 1,5 triệu đồng/người).
Đối tượng thứ hai được đề xuất nhận hỗ trợ là nhóm bảo trợ xã hội như: người cao tuổi, người khuyết tật, người khiếm thị; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sống ở cộng đồng, trẻ sống ở các mái ấm ngoài công lập. Dự kiến có gần 158.000 người được hỗ trợ trực tiếp một lần, mức 1,5 triệu đồng/người. Dự toán kinh phí là hơn 236 tỉ đồng.
Tự xưng “Ban chỉ đạo Q.7” lớn tiếng la lối ở siêu thị
Trước cửa Trung tâm thương mại Aeon Citimart Q.7 (TP.HCM) chiều 29.8.2021, một người đàn ông mặc áo sọc đang tiếng cự cãi với nhân viên an ninh để đòi vào mua sắm. Theo những hình ảnh từ video do nhân viên an ninh ghi lại, người đàn ông tự xưng là “Ban chỉ đạo Q.7” và một mực đòi vào bên trong dù các nhân viên và cả người phụ nữ đi cùng đã can ngăn.
Theo thông tin ban đầu, người đàn ông lớn tiếng gây rối trong video năm nay 41 tuổi, ngụ P.Tân Phong, Q.7. Chiều 29.8, ông đi cùng với một người phụ nữ đến Trung tâm thương mại Aeon Citimart để mua hàng hóa nhưng không được cho vào. Tại đây, ông đưa ra một tấm thẻ và nhiều lần khẳng định là “Ban chỉ đạo Q.7”. Cuối video, người này còn kéo cả khẩu trang ra để cãi nhau với nhân viên an ninh.
Sau khi video lan truyền trên mạng xã hội, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Quận ủy Q.7 cho biết, qua xác minh bước đầu, người đàn ông trong clip không phải là thành viên của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Q.7, cũng không phải cán bộ, chiến sĩ công tác tại Công an Q.7.
Thai phụ ùn ùn kéo đến Bệnh viện Hùng Vương vì nghe tin tiêm vắc xin Pfizer
Sáng 30.8, trên mạng xã hội lan truyền clip hàng ngàn thai phụ và phụ nữ đang cho con bú xếp hàng dài chờ vào Bệnh viện Hùng Vương (trên đường Lý Thường Kiệt P.12, Q.5, TP.HCM). Các thai phụ và phụ nữ đang cho con bú đứng san sát nhau. Đối diện cổng Bệnh viện Hùng Vương là cảnh người thân của những người này đậu xe trên vỉa hè chờ đợi.
“Sáng đi làm, tôi đã thấy cảnh rồng rắn. Tôi đã huy động lực lượng để giải quyết, chia 10 điểm đăng ký, nhưng không đáp ứng nổi nên phải kéo giãn ra ở các tầng lầu. Số còn lại cắt hàng cho về hẹn hôm khác. Chỉ trong buổi sáng, bệnh viện đã tiếp nhận khám để tiêm cho 1.000 người”, PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết cho PV Thanh Niên biết.
Theo PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, trước đây bệnh viện tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 AstraZeneca và vẫn có nhiều thai phụ, phụ nữ đang cho con bú đến tiêm. Nhưng thời gian tiêm nhắc AstraZeneca cho thai phụ hơi lâu ( 8 – 14 tuần). Do đó, bệnh viện xin vắc xin Covid-19 Pfizer để tiêm 2 mũi cho thai phụ nhanh hơn (mũi 1 cách mũi 2 là 4 tuần), nhằm đáp ứng miễn dịch cho thai phụ, phụ nữ đang cho con bú và đã được Sở Y tế đồng ý.
Khi triển khai tiêm vắc xin Covid-19 Pfizer, bệnh viện đã gửi link đăng ký, nhưng nhiều người không đăng ký mà đến thẳng bệnh viện, gây ra cảnh tập trung đông khi TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội. “Bệnh viện muốn làm tốt cho dân mà dân không hỗ trợ”, PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết nói.
Shipper tại TP.HCM được miễn phí xét nghiệm nhanh
Theo nguồn tin từ Thanh Niên, Ban giám đốc Sở Công thương TP.HCM đã đồng ý chủ trương miễn phí xét nghiệm nhanh Covid-19 cho lực lượng tài xế đủ điều kiện tham gia hoạt động từ ngày hôm nay (30.8) và trao đổi với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) để cùng phối hợp thực hiện. Như vậy, các shipper đến xét nghiệm nhanh tại các Trạm Y tế lưu động theo danh sách https://hcdc.vn sẽ không phải trả phí.
Trước đó, tối 29.8, UBND TP.HCM có văn bản khẩn về việc lưu thông, cho phép lực lượng giao hàng công nghệ theo danh sách của Sở Công thương được lưu thông ra đường theo phạm vi 1 quận, huyện, TP.Thủ Đức trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Công bố những địa phương chậm triển khai gói hỗ trợ Covid-19
Ngày 30.8, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, cả nước đã có hơn 15 triệu người được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68, tiền đã chi hỗ trợ 8.400 tỉ đồng; 1,2 triệu lao động tự do với tổng số 2.180 tỉ đồng đã được nhận và 37.000 hộ sản xuất kinh doanh được hỗ trợ.
Trong tổng số kinh phí đã hỗ trợ này, các tỉnh phía nam và một số tỉnh miền Trung chiếm 72%; riêng TP.HCM đã dành trên 3.000 tỉ đồng tiền mặt hỗ trợ lao động tự do, người yếu thế.
Nhiều địa phương có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ tích cực, bổ sung chính sách rất đặc thù như hỗ trợ người có công, người nghèo, người làm nghề cá, nghề chế biến, gia đình khó khăn, người lang thang cơ nhỡ.
Tuy nhiên, theo danh sách Bộ LĐ-TB-XH công bố, một số địa phương phía nam chậm triển khai các chính sách của Nghị quyết 68.
Sinh viên Đà Nẵng rời khỏi KTX, nhường chỗ lập bệnh viện dã chiến
Ngày 30.8.2021, Bộ chỉ huy Quân sự TP.Đà Nẵng đã hoàn thành di dời tư trang giúp sinh viên chuyển sang ký túc xá KTX phía Đông (thuộc Q.Ngũ Hành Sơn), nhường KTX phía Tây để thành phố lập bệnh viện dã chiến 2.000 giường điều trị Covid-19.
Trước đó, UBND TP.Đà Nẵng quyết định lập thêm bệnh viện dã chiến tại khu KTX phía Tây (đường Hà Văn Tính, Q.Liên Chiểu), trong đó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng phụ trách bệnh viện này.
Trong khi đó, nơi đây đang có hàng ngàn sinh viên đang lưu trú nên Bộ chỉ huy Quân sự TP.Đà Nẵng đã vào cuộc, điều động 100 cán bộ chiến sĩ đến giúp sinh viên vận chuyển tư trang ra khỏi KTX.
Đà Nẵng dùng flycam kiểm soát người dân “ai ở đâu thì ở đó”
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Vũ Quang Hùng, Bí thư Quận ủy Hải Châu (Đà Nẵng), cho biết địa phương hiện vẫn đang chờ Quân khu 5 cấp phép bay flycam tại một số khu vực trên địa bàn quận để giám sát, xử lý việc người dân ra ngoài.
Đây được xem là một trong những giải pháp ứng dụng công nghệ nhằm chống dịch Covid-19 khi Đà Nẵng phong tỏa toàn TP “ai ở đâu thì ở đó”.
Ông Hùng cho biết thêm, vào sáng cùng ngày, lực lượng chức năng địa phương kết hợp với sự hỗ trợ của 15 flycam từ Hội Phát triển Đà Nẵng đã bay thử nghiệm tại một số khu vực.
“Qua bay thử nghiệm, chúng tôi ghi nhận một số kết quả tốt. Người dân khi thấy flycam cũng ý thức hơn. Ngoài ra, chúng tôi đã triển khai thêm hơn 40 camera tại các con hẻm nâng lên tổng số camera tại các địa điểm này lên khoảng 60 cái để tổ chức giám sát”, ông Vũ Quang Hùng nói.
Lo ngại các ổ dịch tại Hà Nội “vượt khỏi tầm kiểm soát”
Với hơn 300 ca dương tính Covid-19 tính đến trưa 30.8.2021, ổ dịch Covid-19 ở P.Thanh Xuân Trung (Q.Thanh Xuân) đang là điểm nóng phức tạp nhất, lây nhiễm nhanh và nhiều nhất Hà Nội hiện nay. Theo các chuyên gia, nếu không can thiệp đúng, nguy cơ dịch sẽ dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát.
Ngày 30.8, lực lượng chức năng đã huy động nhiều xe cứu thương để đưa các ca nhiễm này đi cách ly, điều trị. Khoảng 1 tuần trở lại đây, “ổ dịch” mới tại P.Thanh Xuân Trung được phát hiện và có diễn biến rất phức tạp, mỗi ngày đều ghi nhận thêm hàng chục ca nhiễm. Tính đến trưa 30.8, “ổ dịch” này đã ghi nhận hơn 300 ca.
Sau nhiều đợt đưa F0, F1 đi điều trị, cách ly, sáng 30.8, lực lượng chức năng huy động 3 xe cứu thương, đưa hàng chục ca nhiễm mới đi điều trị. Phần lớn các ca F0 đều là những người trong các gia đình sinh sống tại ngõ 328 Nguyễn Trãi, trong đó có nhiều trẻ em.
Người Phú Quốc làm mắm ruốc, muối tiêu tiếp sức TP.HCM
Mấy ngày nay, những thành viên nhóm thiện nguyện Phú Quốc (Kiên Giang) đã mượn tạm khu vực bếp của một nhà hàng tiệc cưới ở Phường Dương Đông để làm hàng ngàn hũ mắm ruốc, muối tiêu gửi tặng người dân TP.HCM.
Chị Hằng Ni, thành viên nhóm thiện nguyện chia sẻ, nhóm chọn muối tiêu và mắm ruốc là 2 món chủ lực gửi tặng người dân TP.HCM vì 2 món này nhỏ gọn, dễ vận chuyển và dễ giao nhận, đồng thời còn có thể bảo quản được lâu hơn.
Bà Châu Xuân Mai, đại diện nhóm thiện nguyện Phú Quốc, cho biết kinh phí của nhóm thực hiện việc này do các mạnh thường quân đóng góp, trong đó có những mạnh thường quân ở nước ngoài. Bà Mai mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để có thể giúp những phần quà cho người dân TP.HCM đến khi tình hình dịch được kiểm soát.
Công an gõ cửa dãy trọ trao gạo, cá hộp giữa dịch Covid-19
Từ 7 giờ sáng, các cán bộ chiến sĩ Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đã tất bật chuyển những bao gạo 10kg kèm cá hộp, nước tương lên thùng xe tải để đi vào các dãy trọ trao tận tay người dân gặp khó khăn vì dịch Covid-19.
Thượng tá Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng Công an Q.Bình Thạnh cho biết đợt này quận sẽ trao tặng 2.100 phần quà, mỗi phần gồm 10 kg gạo, 1 chai nước tương và 10 hộp cá hộp.
Sau khi nhận các phần hỗ trợ từ quận, lãnh đạo Công an phường 28 và phường 27 cùng các cán bộ chiến sĩ đã đi gõ cửa các dãy trọ trên địa bàn để trao các phần hỗ trợ đến tận tay người dân.
Trưởng công an Q.Bình Thạnh cho biết sau khi rà soát danh sách từ địa bàn, quận đến tận nhà tặng quà các gia đình thật sự khó khăn, thất nghiệp vì dịch, những người yếu thế bị tác động bởi dịch Covid-19. Không phân biệt thường trú, tạm trú hay không có tạm trú, các hộ có hoàn cảnh khó khăn là đều được hỗ trợ.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 30.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.