Nhà văn – nhà thơ Trần Hữu Lục sinh ngày 14.3.1941 tại Vỹ Dạ, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam và từng làm Phó Trưởng ban Nhà văn Trẻ (Hội Nhà văn TP.HCM).
Ông đa tài, viết thành công ở nhiều lĩnh vực với các bút danh: Yên My, Trần Phước Nguyên, Hồng Hữu. Nhà văn Trần Hữu Lục nguyên là Giáo sư dạy Văn trường Trung học Bùi Thị Xuân (Đà Lạt), nguyên Ủy viên Thường trực Hội đồng hương Thừa Thiên – Huế tại TP.HCM, nguyên Chủ biên Tập san Nhớ Huế. Nhiều tác phẩm của nhà văn – nhà thơ Trần Hữu Lục từng gây tiếng vang: Cách một dòng sông (tập truyện 1971), Chiếc bóng (tập truyện 1987), Lời của hoa hồng (tập thơ 1997), Thời tôi yêu (tập truyện 1998), Đưa đò (bình văn – tản văn 2002), Thu phương xa (tập thơ 2003), Chuyện Huế ít người biết (biên soạn 2004), Vạn Xuân (tập thơ 2006), Mẹ và con (truyện – bút ký 2007)…
Nhà văn – nhà thơ Trần Hữu Lục là người có nhiều đóng góp cho văn học, điện ảnh và báo chí phương Nam
|
Sau thời gian lâm bệnh nặng, nhà văn – nhà thơ Trần Hữu Lục đã từ trần vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 30.8.2021 (nhằm ngày 23.7 năm Tân Sửu) tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM.
Nhà thơ Trần Hương Giang, em gái nhà văn – nhà thơ Trần Hữu Lục cho biết: “Anh tôi nhập viện cách đây mấy ngày do sốt và có biểu hiện triệu chứng của Covid-19 nên gia đình đưa vào viện. Vì đã 80 tuổi, có nhiều bệnh nền lại bị mắc Covid-19 nữa nên bác sĩ không thể cứu chữa được. Anh cũng không kịp trăng trối lại điều gì. Là người em gắn bó, sâu sát gần như cả cuộc đời với anh, tôi vô cùng tự hào vì những đóng góp của nhà văn – nhà thơ Trần Hữu Lục cho văn học, điện ảnh và báo chí nước nhà cũng như quê hương xứ Huế”.
Nhà thơ Ngô Minh, người bạn thân thiết xứ Huế của nhà văn – nhà thơ Trần Hữu Lục từng chia sẻ những kỷ niệm cảm động với ông: “Sống và viết ở Huế hơn 30 năm, thỉnh thoảng tôi lại gặp nhà văn Trần Hữu Lục cùng với mấy anh chị trí thức Huế khắp bốn phương như nhà thơ Lê Văn Ngăn ở Quy Nhơn, tiến sĩ triết học Thái Kim Lan ở Đức, nhà nghiên cứu Cao Huy Thuần, Võ Quang Yến ở Pháp, nhà văn Trần Kiêm Đoàn, bác sĩ, nhà ngôn ngữ Huế Bùi Minh Đức ở Mỹ… về Huế thăm gia đình, bè bạn. Tôi có cảm giác dường như các anh chị không bao giờ vắng mặt trong sương Huế miền Kim Long, Vĩ Dạ, Nguyệt Biều…”.
Lúc sinh thời, trong một lần ngồi tâm sự với nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, nhà văn – nhà thơ Trần Hữu Lục bộc bạch về cuộc đời mình: “Tôi vốn có thiên hướng hoạt động từ lúc trẻ. Tôi đã là chủ bút báo Sinh viên Huế, là thành viên nòng cốt của nhóm Việt, nhóm văn học nghệ thuật về nguồn được thành lập tại Huế. Nhóm Việt là một nhóm văn học nghệ thuật đối kháng gần 10 năm tại miền Nam trước năm 1975. Được tập thể ủy nhiệm, tôi đã phụ trách văn nghệ trên nguyệt san Đối Diện (Sài Gòn) từ năm 1971-1975. Thời đó tôi là một cây bút trẻ trong số 10 cây bút trẻ tiêu biểu của miền Nam do báo Văn (Sài Gòn) bình chọn. Những người viết trẻ thế hệ chúng tôi làm văn chương nhập cuộc. Vừa học, hội thảo – xuống đường, vừa viết văn, viết báo… với lý tưởng của thanh niên sinh viên thời tao loạn, cho nên chúng tôi dễ chia sẻ ngọt bùi, đắng cay trên từng trang văn, trang thơ. Cái tôi, cái riêng cũng là cái chúng ta, cái chung. Đó là tinh thần yêu nước và sự tiến bộ. Đó cũng là đấu tranh vì tự do hòa bình”.
Một tác phẩm của nhà thơ Trần Hữu Lục
|
Nói về những đóng góp của nhà văn – nhà thơ Trần Hữu Lục dành cho Huế, nhà thơ Ngô Minh từng viết: “Trần Hữu Lục hơn bốn chục năm qua lãng du tìm Huế trong cõi riêng mình. Anh bảo anh chỉ là hạt bụi, còn ai nhớ, nhưng Huế vẫn nhớ anh và nhớ một thế hệ văn nghệ sĩ tài hoa, biết dấn thân vì lẽ sống như Trần Vàng Sao, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Hữu Lục, Bửu Chỉ, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn, Trần Duy Phiên… Chính thế hệ vàng này đã làm nên diện mạo văn chương nghệ thuật Huế những năm 60 của thế kỷ trước. Cho đến bây giờ ngòi bút của họ vẫn còn rất nồng nàn”.
Nhà thơ Trần Hương Giang, em gái nhà văn – nhà thơ Trần Hữu Lục cho biết thêm: “Tủ sách Nhớ Huế trực thuộc Hội đồng hương Thừa Thiên – Huế tại TP.HCM do anh tôi thực hiện đã phát hành 60 tập san không chỉ có độc giả trong nước yêu thích mà kể cả người Việt Nam xa Tổ quốc đều tìm đọc. Anh Trần Hữu Lục đã tận tâm, tận lực cùng bạn hữu luôn hết mình với Huế và mảnh đất phương Nam, nhất là Sài Gòn nơi anh có cả một thời tuổi trẻ cùng các anh chị trong giới trí thức tranh đấu, ‘cháy’ hết mình cho lý tưởng”.
Nhà văn – nhà thơ Trần Hữu Lục (trái) và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường
|
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng có những dòng “tri âm” về người bạn thân thiết nhà văn – nhà thơ Trần Hữu Lục: “Trong Lục cho đến nay vẫn luôn luân lưu một dòng thi ca, rất nhẹ nhàng mà nồng ấm, ngọt ngào mà tinh tế, lay động với những kỷ niệm mang mang về tình yêu, quê nhà. Đó không phải là đề tài dành riêng cho Lục, nhưng thật sự Lục là kẻ ít sống gần với quê nhà. Trong thơ Trần Hữu Lục có bóng dáng của một dòng sông xanh rất xanh năm mười sáu tuổi, một thuở trăng tròn thời cũ trên những đồi thông”.