Liên quan đến một bài báo của các nhà khoa học Trung Quốc có đăng bản đồ “đường lưỡi bò”, sáng ngày 31.8 (theo giờ Việt Nam), tạp chí khoa học nổi tiếng Science có thông báo trên trang Facebook của tạp chí này là rút bài viết trên Facebook và xem xét các bước xử lý tiếp theo.
Thông báo của tạp chí Science
|
Cụ thể, Science thông báo rằng”Một bài đăng trước đây trên tài khoản của chúng tôi cho bài báo “Rapid greening response of China’s 2020 spring vegetation to COVID-19 restrictions: Implications for climate change” đã bị xóa bỏ sau những lo ngại về các bản đồ được tham chiếu trong bài báo. Science Advances đánh giá cao phản hồi này và đang xem xét các mối quan tâm liên quan và xem xét các bước tiếp theo”.
Phản hồi này của tạp chí Science diễn ra sau khi các nhà khoa học Việt Nam đồng loạt lên tiếng mạnh mẽ phản đối bản đồ “đường lưỡi bò” trong tạp chí này sau lá thư của Giáo sư tập sự (Asistant Professor) Đinh Ngọc Thạnh (ĐH Soongsil, Hàn Quốc). Ngoài việc gửi thư phản hồi đến tạp chí Science, anh Thạnh cũng viết bài trên trang Facebook cá nhân thông báo và kêu gọi các nhà khoa học Việt Nam khác cùng lên tiếng phản đối.
Cụ thể, ngày 28.8, anh Đinh Ngọc Thạnh (giáo sư tập sự tại ĐH Soongsil, Hàn Quốc), cho biết trên trang Facebook cá nhân: “Mình vừa gửi thư yêu cầu Science rút bài báo ” Rapid greening response of China’s 2020 spring vegetation to COVID-19 restrictions: Implications for climate change” xuất bản trên tạp chí này với bản đồ có “đường lưỡi bò” chứa các quần đảo của Việt Nam. Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, tôi phản đối bất cứ ai đưa mục đích chính trị vào khoa học và phản đối bất cứ tấm bản đồ nào của Trung Quốc có đường lưỡi bò chứa các quần đảo không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Các nhà khoa học và mọi người cùng lên tiếng phản đối xuất bản những tài liệu vi phạm chủ quyền của Việt Nam như thế này nhé!”.
Các nhà khoa học Việt Nam đồng loạt lên tiếng phản đối trên trang Facebook của tạp chí Science
Anh Thạnh cũng cho biết dù sẽ có rút bài, hay yêu cầu xem xét với hình ảnh bản đồ khác hay không thì khi nhiều nhà khoa học và cộng đồng lên tiếng thì tạp chí cũng phải họp và đưa vào trường hợp rất thận trọng khi xem xét xuất bản những bài nghiên cứu có bản đồ đó lần sau. Và nếu nhiều người cùng như thế thì trường hợp này sẽ được lan truyền tới những tạp chí khác. Nếu cộng đồng khoa học Việt Nam im lặng thì e rằng chúng ta sẽ thua về chủ quyền ngay trên sân chơi khoa học.
Ngày 31.8, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, anh Đinh Ngọc Thạnh cho biết việc tạp chí Science rút bài trên trang Facebook của họ là tin rất vui. Điều này có nghĩa là tạp chí này đã quan tâm tới kiến nghị và đã có bước tiến thứ nhất. Anh Thạnh cho rằng tạp chí Science đang xem xét việc xử lý tiếp theo, yêu cầu sửa bài hoặc rút bài như yêu cầu trước đó của anh.
Theo anh, việc này tạp chí cần tổ chức họp hội đồng biên tập mới ra quyết định được, nhưng cũng vui vì tạp chí này đã xem xét tới kiến nghị. Và chắc chắn tạp chí cũng sẽ phải đưa trường hợp này vào trường hợp đặc biệt quan tâm cho các ấn bản sau. Vì vậy, dù thế nào thì cũng có lợi cho Việt Nam sau sự việc này.
Anh Đinh Ngọc Thạnh cho biết sau khi anh chia sẻ, khá nhiều nhà khoa học trong mạng lưới đã ủng hộ lời kêu gọi. Anh cũng đưa lời kêu gọi tới nhóm nghiên cứu về Biển Đông để lan tỏa cho mọi người. Kết quả là có rất nhiều phản ứng đã được gửi tới tạp chí Science trên trang Facebook của tạp chí này cũng như gửi thư trực tiếp.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thùy Anh, Viện Biển Đông, trước năm 2009, số lượng các bài báo có bản đồ “đường lưỡi bò” chỉ mang tính đơn lẻ. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, con số này tăng mạnh qua từng năm. Năm 2018, các tạp chí khoa học tự nhiên uy tín đã đăng hơn 57 bài; sáu tháng đầu năm 2019 có 45 bài có hình vẽ đường chín đoạn. Và xu thế này vẫn tiếp diễn trong năm 2020, kéo dài đến năm 2021.