Ngày 31.8, cả hai hợp đồng dầu thô lùi gần 0,5%, dầu WTI giao dịch sát ngưỡng 69 USD/thùng, dầu Brent cũng dưới mốc 72 USD/thùng. Cả hai hợp đồng đã tăng nhẹ khi kết thúc phiên khuya 30.8, dầu Brent tiến 54 cent lên 73,33 USD/thùng, dầu WTI tiến 34 cent lên 69,08 USD/thùng.
Trên Reuters, các nhà phân tích cho rằng, chính cơn bão Ida tàn phá Mỹ quyết định hướng đi trong ngắn hạn của giá dầu. Ida suy yếu và nếu hậu quả của cơn bão thấp hơn dự kiến, đà tăng của dầu sẽ tạm thời mất đà. Ngoài ra, giá dầu ngày 31.8 còn bị tác động bởi những lo ngại về dịch Covid-19 khi thế giới tiếp tục xuất hiện nhiều biến thể mới của Covid-19.
Tuy nhiên, thị trường dầu thô hôm nay (31.8) đang chờ đợi kết quả cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) về việc dự kiến tăng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/ngày, nhằm nới lỏng hơn nữa mức cắt giảm sản lượng kỷ lục đã thực hiện vào năm trước. Cuộc họp dự kiến sẽ được tổ chức ngày mai 1.9. Trên thế giới, dầu Brent đã leo dốc 40% trong năm nay, nhờ việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+.
Trong nước, cập nhật số liệu từ Tổng cục Hải quan, giá dầu thô của Việt Nam xuất khẩu trong tháng 7 đạt 615 USD/tấn, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 10% so với tháng 6 và tăng gần gấp 5 lần so với tháng 4.2020. Trong 7 tháng đầu năm, giá dầu thô xuất khẩu tăng đều qua các tháng. Thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu dầu thô trong tháng 7 đạt 303.000 tấn, giá trị 186 triệu USD, tăng 32,5% về lượng và tăng 47% về giá trị so với tháng 6. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu dầu thô đạt 1,8 triệu tấn, trị giá 944 triệu USD, giảm 34% về lượng, giảm nhẹ về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 31.8, giá xăng dầu bán lẻ theo niêm yết là: xăng E5 RON92 19.891 đồng/lít, xăng RON95 21.131 đồng/lít, dầu diesel 15.667 đồng/lít, dầu hỏa 14.762 đồng/lít, dầu mazut 15.050 đồng/kg.