Sunday, September 1, 2024

”Ngã ba cháo lòng” vùng đỏ Covid-19 ở Sài Gòn



P.14, Q.8 (TP.HCM) là vùng đỏ Covid-19, với hàng trăm ca nhiễm, hơn 80 ca tử vong trong đợt dịch thứ 4. Đây là phường nghèo nhất trong 16 phường của Q.8 với nhiều lao động tự do, người nhập cư ở trọ.

 

Ở “ngã ba cháo lòng, hủ tiếu gõ” này, có hàng chục người từ nhiều nơi đến thuê trọ trong những căn nhà nhỏ, lụp xụp. Dịch giã kéo dài, nơi thuê trọ lại là vùng đỏ Covid-19, tất cả đều nghỉ ở nhà. Xe đẩy mưu sinh hằng ngày để xếp lớp trước chỗ trọ. Không một ai ở đây biết rõ được ngày trở lại con đường mưu sinh khó nhọc

Xe đẩy bán cháo lòng, hủ tiếu “để không” nhiều tháng qua, hầu hết lốp xe đều bị xẹp hơi. Chủ nhân của những chiếc xe này kể trước đây khi chưa bùng dịch, họ mưu sinh mỗi ngày cũng kiếm được 200.000 – 300.000 đồng để trang trải cuộc sống. Dịch ập đến, tất cả đều “đứng bánh”, bao khó khăn ập đến khiến cuộc sống đã khó lại càng thêm khó

Vài ba hôm, ông Võ Thơm, 60 tuổi, bơm lại lốp xe, mong sớm hết dịch để đẩy xe đi bán cháo lòng. Ông vào Sài Gòn mưu sinh đã 26 năm qua, thuê trọ hết nơi này qua nơi khác, giờ vẫn ở trọ nơi ngã ba này. Ông bảo bao năm tháng qua, cực khổ không sao kể hết. Cũng rất may, ông vừa được tiêm vắc xin

Trước nhà trọ của ông Võ Thơm, nhiều tháng qua “đứng bánh” 3 chiếc xe đẩy, ngổn ngang. Hai chiếc của vợ chồng ông đều đi bán cháo lòng. Chiếc còn lại của đứa con trai, bán hủ tiếu gõ. Hàng chục năm qua, ngày nào cũng lao lực mưu sinh, bất kể nắng mưa, đến giờ vẫn chưa thoát cảnh đời ở trọ

Anh Đinh Tấn Vinh, 40 tuổi và vợ là chị Phạm Thị Nhung đang lâm vào thế kẹt. Từ Quảng Ngãi vô Sài Gòn bán cháo lòng mưu sinh đã 8 năm. Dịch Covid-19 kéo dài, xe đẩy “để lâu một chỗ hỏng hết rồi”. Anh còn nợ 3 tháng tiền trọ. Đứa con lớn ở ngoài quê với ông bà nội. Đứa nhỏ lớp 6 vào với ba mẹ dịp hè, cũng đang kẹt lại Sài Gòn vì dịch

Anh Võ Vinh, 37 tuổi, hoàn cảnh thương tâm. Vợ anh là chị Quyên, 36 tuổi, bị ung thư trực tràng giai đoạn cuối. Anh chị có 3 con, đứa thứ 2 đang học lớp 2 bị bệnh phù tay voi. Chị Quyên mấy tháng qua đến ở trọ gần Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (Q.Bình Thạnh) để vô thuốc. “Mong sao có tiền để chữa bệnh cho con, cho vợ”, anh Vinh ao ước

Cuộc sống nhiều gia cảnh ở “ngã ba cháo lòng, hủ tiếu gõ” rất tạm bợ. Mất đường mưu sinh, nhiều hộ được nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19, nhưng nhiều hộ vẫn chưa nhận được. Thỉnh thoảng, phường có cho gạo, nhu yếu phẩm nhưng vẫn không vơi bớt bao nỗi cơ hàn

Bà Võ Thị Tài, 72 tuổi, là dân gốc ở “ngã ba cháo lòng”. Bà có nhà mặt tiền đường Hoài Thanh. Phần nhà phía trước, bà đã gán nợ cho người khác để có tiền chữa bệnh. Một mình bà ở phần tạm bợ phía sau, chơi vơi trên kênh Đôi. Bà có 1 người con gái, cũng nghèo khổ

Ông Lê Văn Phi, 66 tuổi, cũng là dân gốc ở ngã ba này. Trước ông làm bốc xếp ở chợ, nay sức khỏe yếu, ông ở nhà, nhờ em và cháu nuôi cơm mỗi ngày. Nhà ông cũng chơi vơi ven kênh Đôi. Chiều chiều, ông lấy ghế ra phía trước đường hóng gió “vì ở trong nhà hoài bị ngộp”. Ông chưa chích vắc xin do có bệnh trong người

Người đàn ông này đứng ở “ngã ba cháo lòng”, là vị trí được quy hoạch xây cầu Bình Tiên, nối đường Cây Sung (P.14) vượt kênh Đôi sang đường Phạm Thế Hiển (P.6, Q.8). Cầu quy hoạch từ năm 1999, 22 năm qua vẫn “treo”. “Cả dân gốc và dân trọ nơi đây, nhà cửa lụp xụp, muốn sửa sang cũng không được. Mong thoát cảnh “treo” mà từ nhỏ tới lớn vẫn “treo” vậy”, người này nói

TP.HCM khởi xướng chương trình di dời nhà ven kênh rạch từ nhiều năm qua, trong đó ven kênh Đôi (Q.8) có hàng ngàn căn cần di dời, nhưng đến nay vẫn “treo”. Hàng chục ngôi nhà tạm bợ ở “ngã ba cháo lòng” cũng “treo miên man”. Ai cũng mong cầu Bình Tiên sớm được xây, nhà ven kênh được di dời để ổn định cuộc sống, nhưng cũng không ai biết rõ ngày nào sẽ thành hiện thực

Theo UBND P.14 (Q.8), quãng thời gian trước 23.8, phường có hơn 700 ca nhiễm. Từ ngày 23 – 30.8, qua xét nghiệm nhanh sàng lọc Covid-19, phát hiện thêm khoảng 700 mẫu dương tính. Phường có khoảng 25.000 dân. Đợt dịch thứ 4, địa bàn phường đã có hơn 80 ca tử vong vì Covid-19. Những ngày qua, xe cứu thương vẫn hay xuất hiện ở vùng đỏ Covid-19 này

 

 

 

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.



PHIM ĐẶC SẮC
Bàn tay nhân ái 2 - SCTV9
Bằng chứng thép VI - SCTV9
Đấu Trí SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi