Ngày 2.9, cả hai hợp đồng dầu thô giảm nhẹ, dầu thô ngọt nhẹ WTI giao dịch dưới ngưỡng 68 USD/thùng, dầu Brent dưới ngưỡng 71 USD/thùng. Trong phiên trước đó, hợp đồng dầu Brent lùi 4 cent xuống 71,59 USD/thùng, dầu WTI nhích 9 cent lên 68,59 USD/thùng.
Theo Reuters, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) dẫn đầu bởi Nga đã nhất trí tuân theo chính sách được đưa ra từ tháng 7.2021 là nới lỏng cắt giảm sản lượng, tiếp tục duy trì bơm thêm 400.000 thùng/ngày vào thị trường. Tuy nhiên, nhóm này tỏ ra lạc quan với nhu cầu dầu năm 2022, OPEC+ điều chỉnh dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2022 lên 4,2 triệu thùng/ngày, tăng so với mức 3,28 triệu thùng/ngày trước đó và dự kiến lập kế hoạch tăng thêm sản lượng trong tương lai. OPEC+ cho biết, trong khi những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tiếp tục gây ra một số bất ổn, các yếu tố cơ bản của thị trường đã được củng cố và dự trữ của các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế tiếp tục giảm khi sự phục hồi kinh tế tăng tốc. Đến nay, OPEC+ cũng đã hoàn thành mục tiêu loại bỏ lượng dầu dư thừa từ thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, ngày 1.9, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cũng cho biết dự trữ xăng tại Mỹ tăng 1,3 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 1,6 triệu thùng từ các nhà phân tích. Sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 có thể đang khiến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu ở Mỹ giảm. Báo cáo từ EIA cũng cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ sụt 7,2 triệu thùng trong tuần trước xuống 425,4 triệu thùng, trong khi các nhà phân tích dự báo trước đó là chỉ giảm một nửa, khoảng 3,1 triệu thùng.
Trong nước, ngày 2.9, giá xăng dầu bán lẻ theo niêm yết là: xăng E5 RON92 19.891 đồng/lít, xăng RON95 21.131 đồng/lít, dầu diesel 15.667 đồng/lít, dầu hỏa 14.762 đồng/lít, dầu mazut 15.050 đồng/kg.