Ngày 1.9, dầu thô ngọt nhẹ WTI giao dịch ở ngưỡng 68,5 USD/thùng, dầu Brent ở ngưỡng 71,5 USD/thùng, mức giá ngang bằng lúc kết thúc phiên giao dịch khuya 31.8.
Như vậy, cả 2 hợp đồng dầu ghi nhận tháng đầu tiên giảm kể từ tháng 3.2021, mức giảm của tháng 8 khoảng 7%. Tuy nhiên, giá dầu thế giới vẫn đang trên mốc 71 USD/thùng. Cùng thời điểm này năm ngoái, là ở mức 46 USD/thùng.
Hôm nay 1.9, theo dự kiến, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) sẽ nhóm họp liên quan sản lượng. Theo Reuters, thông tin đưa ra trước cuộc họp này cho thấy, OPEC + dự kiến thị trường dầu sẽ thâm hụt ít nhất cho đến cuối năm nay và dự trữ sẽ ở mức tương đối thấp cho đến tháng 5.2022. Một số thông tin cho thấy, có thể OPEC+ vẫn thực hiện các chính sách về sản lượng như đã bàn trước, bất chấp đề nghị của Mỹ yêu cầu bơm thêm dầu để tránh áp lực dầu tăng giá trong giai đoạn các nền kinh tế mở cửa trở lại, cần sự ổn định để phục hồi trong và sau đại dịch. Trước đó, OPEC+ đã điều chỉnh cho tăng sản lượng lên 400.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 8 cho đến khi mức giảm hiện tại là 5,8 triệu thùng/ngày được phục hồi lại hoàn toàn như trước đại dịch.
Tuy nhiên, giá dầu hôm nay (1.9) cũng bị chững lại do tác động Covid-19 gia tăng tại nhiều nước, đây cũng là lý do khiến nhiều phân tích thiên về khả năng OPEC+ có thể xem xét lại về chính sách nới lỏng sản lượng khai thác.
Trong nước, ngày 1.9, giá xăng dầu bán lẻ theo niêm yết là: xăng E5 RON92 19.891 đồng/lít, xăng RON95 21.131 đồng/lít, dầu diesel 15.667 đồng/lít, dầu hỏa 14.762 đồng/lít, dầu mazut 15.050 đồng/kg.