Những ngày qua, Trung tâm Văn hoá – Thông tin và Thể thao, Ban quản lý di tích Đền thờ Hai Bà Trưng đang khẩn trương chuẩn bị các phần việc phục vụ Lễ Hội năm 2023 được diễn ra an toàn, trang trọng, tiết kiệm
Sau 2 năm (2021, 2022), Lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng không tổ chức để phòng, chống dịch bệnh Covid -19. Để đáp ứng sự mong mỏi của người dân và du khách, để được hoà mình vào không gian văn hoá Lễ hội Đền Hai Bà Trưng (được Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia năm 2018) khi đến với Mê Linh. Năm 2023, Lễ hội tiếp tục được tổ chức theo thông lệ vào các ngày 27, 28, 29/01/2023 (tức các ngày mùng 6, mùng 7, mùng 8 tháng Giêng – Âm lịch). Những ngày qua, Trung tâm Văn hoá – Thông tin và Thể thao, Ban quản lý di tích Đền thờ Hai Bà Trưng đang khẩn trương chuẩn bị ccacs phần việc phục vụ Lễ Hội năm 2023 được diễn ra an toàn, trang trọng, tiết kiệm và mời gọi đông đảo người dân, du khách khắp mọi miền Tổ quốc và đến với huyện Mê Linh.
cùng các tướng lĩnh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán giành lại nền độc lập dân tộc vào những năm 40 – 43 sau Công Nguyên.
Để đảm bảo công tác tổ chức Lễ hội theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc, UBND hu yện Mê Linh chỉ đạo Trung tâm Văn hoá – Thông tin và Thể thao, Ban Quản lý di tích Đền thờ Hai Bà Trưng phối hợp với các cơ quan ban, ngành và Nhân dân địa phương tích cực chuẩn bị những điều kiện tốt nhất phục vụ cho Lễ hội.
Lễ hội Đền Hai Bà Trưng, nhân dân nơi đây thường gọi là lễ hội Hạ Lôi. Hàng năm khu di tích quốc gia dặc biệt Đền Hai Bà Trưng huyện Mê Linh mở hội chính từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến ngày mùng 10 tháng Giêng năm Quý Mão, là ngày Hai Bà tế cờ khởi nghĩa. Ngày mồng 6 là chính hội. Lễ hội được tổ chức theo nghi thức Nhà nước và truyền thống địa phương gồm phần Lễ và phần Hội.
Phần Lễ: Tổ chức Lễ kỷ niệm 1983 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng Dâng hương, mít tinh kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa và tế lễ theo nghi thức truyền thống cổ truyền. Nhân dân còn ghi nhớ câu ca:
“Có về thăm hội Hạ Lôi,
Tháng Giêng mồng sáu cho tôi đi cùng”
Vào dịp Lễ hội mồng 6 tháng Giêng, người dân Mê Linh tổ chức rước kiệu Hai Bà, kiệu Thành hoàng làng Hạ Lôi và kiệu Thánh Cốt Tung – Là một danh tướng của Hùng Duệ Vương được thờ tại làng Hạ Lôi. Lễ rước kiệu ở Lễ hội Đền Hai Bà Trưng huyện Mê Linh có nét đặc trưng riêng:
Sáng mồng 4 tháng Giêng âm lịch, sau khi làm lễ “Tế trình”, đoàn rước hai cỗ kiệu của Hai Bà Trưng đi từ Đền về Đình làng (đình Hạ Lôi). Đi hộ giá Hai Bà có các đội nghi trương gồm: cờ lệnh, đội cờ ngũ hành, đội cờ tứ linh, đội cờ thần tàn lọng, đội gươm trường bát bửu, đội nữ binh hộ giá, hai voi trắng, ngựa hồng, ngựa bạch…cùng các đội múa xênh tiền, đội múa lân vừa đi vừa múa trong tiếng nhạc lễ cung đình của dàn nhạc bát âm, hòa quện trong tiếng trống, tiếng chiêng, rộn rã, linh thiêng.
Từ trong sân Đền, kiệu Bà Trưng Trắc đi trước, nhưng khi ra khỏi cổng đền, kiệu Bà Trưng Trắc dừng lại bên phải đường để kiệu bà Trưng Nhị đi trước (với ý nghĩa: Nội gia tỷ muội, ngoại quốc quân thần). Việc đổi vị trí kiệu gọi là “giao kiệu”. Cùng thời điểm này, từ Đình làng Hạ Lôi, đoàn rước kiệu Thành Hoàng làng và kiệu Thánh Cốt Tung đi đến ngã tư cổng Đền để nghênh đón kiệu Hai Bà về Đình làng (với ý nghĩa: Hai Bà Trưng đi kinh lý về thăm quê hương). Đoàn rước kiệu về đến cổng Đình làng thì kiệu bà Trưng Nhị dừng lại sang bên phải đường để kiệu bà Trưng Trắc đi vào sân Đình trước (giao kiệu lần hai).
Sau khi đoàn rước kiệu đã tề tựu theo thứ tự tại sân Đình làng, ảnh Hai Bà Trưng, bài vị của bốn vị Thành hoàng làng và bài vị Thánh Cốt Tung được rước đặt trên nhang án trong đình làng. Sau đó, dân làng tổ chức tế lễ tại đình làng từ chiều ngày mùng 4 đến hết ngày mùng 5 tháng giêng với ý nghĩa là để chào đón Hai Bà Trưng về thăm quê hương.
Sáng ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch, đoàn rước kiệu lại rước bốn cỗ kiệu từ đình làng về Đền Hai Bà Trưng. Từ trong Đình làng, đội nghi trương dẫn đầu đoàn, tiếp đền là kiệu bà Trưng Trắc đi trước. Khi đoàn rước kiệu ra khỏi cổng Đình làng, kiệu bà Trưng Trắc dừng lại để kiệu bà Trưng Nhị đi trước (giao kiệu lần thứ nhất trong ngày mùng 6). Trong quá trình lễ rước kiệu, nhiều lần đội hình rước kiệu dừng lại, thực hiện động tác đổi vai nâng kiệu qua đầu ba lần cả bốn cỗ kiệu. Động tác đổi vai nâng kiệu qua đầu của bốn cỗ kiệu được thực hiện không đồng thời mà tiếp nối nhau, nên nếu nhìn tổng thể sẽ thấy hình ảnh các cỗ kiệu nhấp nhô giữa đội hình cờ súy, tựa như thân hình một con rồng đang uốn lượn, hòa quyện trong tiếng trống, tiếng chiêng của dàn nhạc bát âm cung đình rộn rã và uy linh. Khi đoàn rước kiệu về đến cổng Đền, kiệu bà Trưng Nhị dừng lại để kiệu bà Trưng Trắc vào sân Đền trước (giao kiệu lần thứ hai trong ngày mùng 6). Việc “giao kiệu” trong lễ rước kiệu là một nghi thức độc đáo, đặc sắc chỉ riêng có tại Lễ hội Đền Hai Bà Trưng ở làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh.
Phần Hội: Diễn ra từ ngày 27/02/2023 đến hết ngày 29/01/2023 (từ ngày mùng 6 đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng). Tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống, thi đấu thể thao để Nhân dân và du khách được vui hội.
Đến thời điểm hiện tại việc trang chí chuẩn bị cho Lễ hội Đền Hai Bà Trưng gần như đã được hoàn tất.
Hiện nay, Đền Hai Bà trưng lưu giữ 23 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam, sắc phong sớm nhất là từ thời Vua Lê Hiển Tông năm Cảnh Hưng 44 (ngày 26 tháng 7 năm 1783) cho đến sắc phong triều Nguyễn năm Khải Định 9 (ngày 25 tháng 7 năm 1924, bao gồm sắc phong tôn hiệu cho Hai Bà và các sắc chỉ cho dân làng Hạ Lôi cùng các vùng lân cận phải chăm sóc, giữ gìn Đền Hai Bà Trưng.
Hai hàng cây Hạc Sồ đứng trước cửa nhà tướng hai bên đền thờ, tượng trưng cho hai hàng Tiêu Binh được trang trí đèn lồng là nơi check in lý tưởng cho du khách.
Lễ hội đền Hai Bà Trưng Mê Linh vốn có sức sống mãnh liệt trong trái tim, tình cảm, văn hoá truyền thống của người dân Mê Linh nói riêng và Nhân dân của mọi miền Tổ quốc nói chung, gợi lên âm huởng của quá khứ hào hùng, mãnh liệt, làm nên phong cách con người nơi đây, như một sự giáo dục truyền thống, biểu thị lòng tôn kính của các thế hệ người dân của quê hương đối với Hai Bà Trưng.
Du khách đặt chân tới điểm du lịch di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng huyện Mê Linh là về với quê Hương Hai Bà Trưng – một vùng quê huyền thoại của kinh đô xưa, mang đậm nét truyền thống lịch sử văn hoá với những nguời dân cần cù sáng tạo, hăng say lao động trên những cánh đồng Hoa đang đua nhau khoe sắc muôn màu, tạo nên một vùng hoa Mê Linh nổi tiếng.
Không khí mùa Xuân đang đến gần, háo hức chờ đón Lễ hội Đền Hai Bà Trưng Xuân Quý Mão 2023. Tin tưởng rằng, với sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và Nhân dân trên địa bàn huyện Mê Linh, Lễ hội Đền Hai Bà Trưng Xuân Quý Mão 2023 sẽ mang lại cho người dân và du khách bốn phương sự khởi đầu của một năm mới nhiều may mắn, bình an và hạnh phúc. Sự nồng hậu, mến khách cũng như hình ảnh của mảnh đất, con người Mê Linh đang căng tràn sức sống, phát triển tiếp tục được lan tỏa, bay xa.
Tin Nguyễn – Phạm Thùy