Chị Nguyễn Thị Hiếu Thảo, phụ huynh học sinh Trần Thị Cẩm Tiên (lớp 10A6, Trường THPT Cần Thạnh, Cần Giờ) vừa nghe nhắc đến chuyện học trực tuyến của con, đã thở dài chia sẻ: “Khổ quá các cô, các chú ơi! Nhà giờ tiền ăn hằng ngày còn không có, lấy đâu ra tiền mua điện thoại cho con học trực tuyến. Chắc cho con nghỉ học quá”.
Lo lắng vì không có thiết bị học trực tuyến
Năm trước, khi chúng tôi đến những vùng xa xôi và tách biệt nhất của huyện Cần Giờ (TP.HCM) chứng kiến hành trình học trực tuyến của học sinh nơi đây mới thấy hết được việc học trực tuyến không hề đơn giản và không phải gia đình nào cũng có điều kiện, chưa nói đến việc đường truyền internet chập chờn lúc có lúc không.
Như 2 chị em Phạm Thị Quỳnh Nghi và Phạm Thị Xuân Mai, đang sinh sống ở nơi được xếp vào địa điểm “khỉ ho cò gáy” nhất của ấp đảo Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An, Cần Giờ), ở nơi đây bắt sóng điện thoại đã kém, nên để bắt được mạng 3G học trực tuyến thì chị em Nghi phải xách ghế, cầm tập và điện thoại ra chòi muối cách nhà gần 500 m để bắt sóng. Bất kể ngày hay đêm, cứ cần mạng để học trực tuyến là chị em Nghi lại xách ghế chạy ra chòi muối. Nhưng mạng chập chờn, lúc được lúc mất, nên đang học màn hình đứng sựng là chuyện bình thường, hay có lúc giáo viên đang đặt câu hỏi, chưa kịp nghe thì mạng đã đứng…
Chị em Nghi phải ra chòi muối mới bắt được mạng học trực tuyến
|
Vốn dĩ đời sống của người dân ở vùng sâu xa nhất của TP.HCM đã khó khăn, năm nay khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, cuộc sống của người dân ở đây càng khó trăm bề, nên với nhiều hộ gia đình, chuyện trang bị thiết bị cho con học trực tuyến là điều quá xa xỉ.
“Chồng làm thợ hồ nhưng thất nghiệp mấy tháng nay vì dịch, tôi bình thường ai mướn gì thì làm nấy mà dịch nên cũng chẳng ai mướn. Nhà có con nhỏ, mấy tháng nay không tiền mua tả, mua sữa cho con. Đợt trước mới được nhận trợ cấp 1,5 triệu đồng mà về trang trải mùa dịch nên cũng chẳng còn đồng nào, nhờ người ta cho gạo, cho rau mà có miếng ăn qua ngày”, chị Thảo kể.
Người viết thắc mắc: “Vậy giờ con học trực tuyến thì phải làm sao?”, như nhắc đúng đến nỗi lo khiến cả 2 vợ chồng mất ăn mất ngủ, nên chị Thảo lại thở dài và nói: “Giờ tiền ăn hằng ngày còn không có thì lấy đâu ra tiền mua điện thoại cho con học. Tôi dùng cái điện thoại cục gạch này đây nên cũng chịu thua luôn. Thật khổ. Mấy nay nghĩ hoài nghĩ không ra nên chắc cho con nghỉ học quá chứ biết sao giờ, máy đâu mà học”.
Ba mẹ lo một thì Cẩm Tiên lo đến 10, cô học trò nghẹn ngào chia sẻ với người viết: “Con không biết sao giờ nữa, con lo quá. Con nghe mọi người nói học lớp 10 khó lắm, không học trực tuyến là không hiểu được gì hết, nên con rất lo. Sợ không học theo kịp bạn bè, rồi không có bài để chép, con nghe thầy cô báo là ngày 6.9 này học trực tuyến rồi nhưng giờ nhà con không có điện thoại để học”.
Giáo viên cũng phải đi mượn máy tính
Chị Võ Ngọc Mai, phụ huynh của em Nguyễn Ngọc Hiền (lớp 10A4, Trường THPT Cần Thạnh, Cần Giờ) cũng đang đau đầu vì nhà chỉ xài điện thoại “cùi bắp”, mới được cô út của Hiền mua cho cái điện thoại cũ để học trực tuyến mà nhà lại có 3 đứa con nên không biết phải làm sao.
“Nếu không được cô út mua cho cái điện thoại cũ có thể vào mạng được thì chắc gia đình cũng chẳng mua nổi cho con học. 2 vợ chồng đi làm thuê làm mướn, ai mướn gì làm nấy mà dịch bệnh này không ai mướn nên thất nghiệp ở nhà mấy tháng nay. Nhà có 4 đứa con, tiền tập vở rồi áo quần cho con giờ cũng không có để mua. Đứa nhỏ 2 tuổi thì không nói, còn 3 đứa lớn đều đi học hết nên có một cái điện thoại giờ không biết sao cho tụi nhỏ học nữa. Khổ quá chừng khổ”, chị Mai phân trần.
Cũng giống chị Mai, anh Nguyễn Minh Thuận, có con là Nguyễn Nhật Huy, học sinh lớp 10A5, Trường THPT Cần Thạnh, Cần Giờ cũng đang nan giải vì chuyện học trực tuyến của con sắp tới.
Năm trước, những học sinh nhà ở sâu trong rừng đước ở ấp đảo Thiềng Liềng thì không thể học trực tuyến mà thầy cô phải in bài tập và mỗi tuần các em lại băng rừng ra ấp nhận bài về làm, làm xong lại băng rừng đi nộp
|
Anh Thuận làm bảo vệ, tháng được hơn 2 triệu tiền lương, vợ ở nhà đi mò cua bắt ốc bán kiếm tiền sinh sống qua ngày, cuộc sống khó khăn nhưng 2 anh chị vẫn cố gắng nuôi các con ăn học. Đứa lớn vừa thi xong tốt nghiệp THPT, đứa nhỏ thì năm nay học lớp 10.
“Ở nhà chỉ có một cái điện thoại đời cũ được người ta mua cho, vì quá cũ nên vào mạng rất chậm. Mà nhà cũng không có mạng phải nhờ ké của nhà hàng xóm để sắp tới cho con nó học. Mà điện thoại cũ quá, chậm thế kia không biết làm sao để con học được, nên cũng lo lắng vô cùng”, anh Thuận bày tỏ.
Chia sẻ với người viết, thầy Ngô Văn Hội, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh, Cần Giờ cho biết hiện nay việc triển khai học trực tuyến ở trường cũng gặp một số khó khăn. Vì địa bàn ở đây đời sống của người dân đa phần khó khăn nên có những trường hợp học sinh không có thiết bị để học trực tuyến.
“Theo chủ trương thì tất cả học sinh đều phải được tiếp cận học, nếu không học qua internet thì sẽ học tại nhà bằng tài liệu. Với những trường hợp học sinh không có thiết bị để học trực tuyến, nhà trường cũng đã nắm được tình hình và đã cho tổ bộ môn gửi tài liệu để học sinh học tại nhà. Thầy cô cũng sẽ theo sát, phát tài liệu hằng tuần và trao đổi những thắc mắc, khó khăn của học sinh qua việc gọi điện thoại. Song song với đó, nhà trường đang liên hệ các nguồn của mạnh thường quân để vận động thiết bị cũ cho học sinh. Tuy nhiên, tình hình hiện tại rất khó khăn vì không có nguồn lực dư do mùa này ai cũng cần trang thiết bị để học và làm việc tại nhà. Đây cũng là một khó khăn mà nhà trường phải trăn trở để có nhiều giải pháp hỗ trợ cho học sinh”, thầy Hội chia sẻ.
Không những thế, theo thầy Hội, học sinh ở đây mà có được điện thoại thông minh để học trực tuyến là may mắn lắm rồi, nên việc có máy tính để học là rất xa xỉ. Mà học trên điện thoại như thế này, theo thầy Hội cũng rất ảnh hưởng đến việc tiếp cận kiến thức của học sinh vì màn hình điện thoại nhỏ và phải ngồi nhiều giờ để học.
Không chỉ học sinh, thầy Hội cho biết đến cả giáo viên cũng khó khăn về trang thiết bị dạy trực tuyến.
“Giáo viên cũng khó về thiết bị, vì giáo viên ở đây đa phần xài máy cũ, cấu hình yếu và rất chậm. Hạ tầng nhiều nơi Cần Giờ lại rất hay bị sự cố, mạng cứ chập chờn lúc được lúc mất, nên năm trước có nhiều tình huống lúc học trực tuyến mà học trò vào rồi ngồi chờ không thấy giáo viên do máy của thầy cô đời cũ chạy không nổi, mạng lại hay bị sự cố. Nên năm nay, một số giáo viên đề xuất nhà trường cho mượn máy tính để dạy trực tuyến, nhà trường đang tính phương án phải chở máy bàn ở phòng máy của trường xuống cho giáo viên mượn”, thầy Hội kể .