Khoảng 50 cán bộ, giảng viên Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM xắn tay, tình nguyện trực xử lý hàng ngàn tin nhắn mỗi ngày ở các fanpage “hotline” của Trung tâm an sinh TP.HCM để hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân khó khăn vì Covid-19.
“Không lương, mắt rõ, kiên nhẫn, thấu cảm…”
Bạn Khổng Văn Mạnh (20 tuổi, sinh viên trọ ở Q.Bình Thạnh) nhận được túi an sinh vào hôm 28.8. Mạnh bị kẹt lại TP.HCM đã 4 tháng, khi TP.HCM siết chặt phòng dịch Covid-19, phòng trọ Mạnh không còn gì ăn, Mạnh định đặt “đi chợ hộ” nhưng địa chỉ nhận thông tin đã lên tới 44.000 đơn, quá tải.
“Nhà mình hết gạo, hết cả mì gói. Mình và bạn chung phòng phải qua xin ké mì nhà hàng xóm, ăn được 2 ngày. Mình cũng có gọi cho Tổng đài 1022 nhưng không được. Sau đó, có người gợi ý mình nhắn tin lên Trung tâm an sinh hỏi, thì ngày hôm sau là nhận được túi quà”, Mạnh kể.
Mạnh chỉ là một trong số hàng ngàn trường hợp nhắn tin lên fanpage của Trung tâm an sinh kêu cứu. Đội ngũ hỗ trợ Mạnh, ít ai biết, là các thầy cô của ĐHQG TP.HCM.
Ngoài đường dây nóng, Trung tâm an sinh TP.HCM còn công bố 2 trang fanpage Facebook gồm: “Tuyên giáo Mặt trận Thành phố Hồ Chí Minh” (website: https://www.facebook.com/MTTQ.TPHCM) và “An sinh xã hội TP.Hồ Chí Minh” (website: https://www.facebook.com/ansinhxahoitphochiminh). Hai trang này nhận phản ánh nhiều hơn cả đường dây nóng, trung bình tiếp nhận hàng ngàn tin nhắn mỗi ngày.
|
Thạc sĩ Phùng Quán, Phó chủ tịch Công đoàn ĐHQG TP.HCM cho hay, ban đầu, chỉ có 1 – 2 người trực fanpage, nhưng ngày càng đông người dân vào hỏi. Sau này có thêm trang riêng của Trung tâm an sinh, lượt tin nhắn dồn dập, nên phải huy động thêm tình nguyện viên.
“Tính tới nay là gần 50 người quản lý cả hai fanpage, tất cả là giảng viên, chuyên viên, viên chức, người lao động của ĐHQG TP.HCM. Ngoài ra, còn có nhiều thầy, cô đang thực hiện 3 tại chỗ để đóng các túi quà an sinh tại kho của trung tâm”, ông Quán nói.
Giảng viên, cán bộ của ĐHQG TP.HCM trực fanpage cứu trợ của Trung tâm an sinh TP.HCM
|
Điều đặc biệt, khi tuyển người trực fanpage của Trung tâm an sinh để tiếp nhận phản ánh, hỗ trợ cho người dân, ông Quán có ghi rõ yêu cầu của công việc này: “Không lương, mắt rõ, kiên nhẫn, thấu cảm”, không được đặt quá nhiều cảm xúc bởi nhiều tình nguyện viên vừa đọc hoàn cảnh của người dân, vừa khóc, đến khi họp với nhau vẫn khóc.
Ban đầu, nhóm tình nguyện viên ĐHQG TP.HCM chia làm 3 ca trực, nhưng tin nhắn quá nhiều, cộng với công việc của mỗi người mỗi khác nên giờ, ai rảnh giờ nào sẽ vào trả lời, theo dõi tin nhắn.
“Những ngày đầu chỉ vài trăm tin nhắn, sau này mỗi ngày từ 1.000 – 2.000 tin. Tôi thấy 50 người làm cũng không kịp. Mỗi buổi tối, chúng tôi đều họp lại với nhau, để xem xét công việc, rút kinh nghiệm để làm sao xử lý tốt nhất cho người dân. Khi nào TP.HCM còn quy định người dân còn ở trong nhà, vẫn triển khai gói an sinh thì chúng tôi còn làm”, ông Quán nói.
Ở hai trang fanpage của mà 50 tình nguyện viên là cán bộ của ĐHQG TP.HCM trực không chỉ có các tin nhắn yêu cầu cứu trợ gói an sinh. Người dân cầu cứu mọi vấn đề.
“Thậm chí, hôm 1.9, gia đình của một bé gái bị phỏng vùng ngực ở H.Hóc Môn, cũng liên hệ Trung tâm cầu cứu. Chúng tôi khi nhận được tin nhắn đã báo ngay cho Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và chính quyền cơ sở để trợ giúp, rồi gửi sữa hỏi thăm em”, ông Quán nói.
TS Phan Như Nguyệt (Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: “Ban đầu, khi Công đoàn ĐHQG vận động cán bộ trẻ tham gia hỗ trợ, tôi rất băn khoăn vì hiện tại các bạn còn dạy học trực tuyến, nghiên cứu khoa học… nhưng sau đó tìm hiểu, tôi muốn đồng hành. Tôi kết nối điện thoại của mình vào máy tính luôn, rủ rê thêm chồng làm nhập liệu. Buổi tối trước khi đi ngủ, cố gắng nhắn thêm được mấy chục người. Sáng dậy khi họ đã gửi thông tin qua là mình có thể ghi nhận liền. Có khi, mỗi lần đặt lưng xuống có thể thấy đầu óc vẫn còn lâng lâng, tay mỏi vì ngồi tập trung vào máy tính, điện thoại quá nhiều. Nhưng đã lựa chọn làm, thì không vấn đề gì cả”.
Cô Nguyệt nói thêm: “Mình cũng hiểu, mọi người đang nỗ lực để cố gắng tiếp cận với những thông tin người dân cần hỗ trợ để giúp nhanh nhất có thể. Mỗi khi mình giúp được một người, điều đó có nghĩa là mình cũng có thêm niềm tin trong cuộc sống”.
|
“Có những tin nhắn là các sinh viên đang mắc kẹt, khó khăn. Các em nói, những ngày qua chỉ toàn ăn mì gói cho qua bữa, sắp hết rồi. Chúng tôi không biết nói làm sao, chỉ biết động viên các em, rồi báo ngay cho chính quyền cơ sở để hỗ trợ ngay vì đó là trường hợp cấp bách. Nhưng trường hợp các sinh viên kêu cứu không nhiều, trước ngày 23.8, ĐHQG TP.HCM và các trường thành viên đã hỗ trợ khoảng 6.000 em khó khăn”, ông Quán nói thêm: “Bây giờ, người giàu cũng khóc. Nhiều người không mua kịp đồ ăn, không ra ngoài được. Rồi những người dân trong xóm lao động, không có tiền phải đong gạo ăn hằng ngày”.
Theo ông Quán, những yêu cầu hỗ trợ cấp bách như người già, người khuyết tật, nhà có trẻ em… sẽ đưa vào file SOS để Đội SOS của Trung tâm an sinh TP đi hỗ trợ ngay; trường hợp F0 cần cứu trợ sẽ chuyển qua cho các tổ phản ứng nhanh cơ sở.
Gặp bạn của chồng mình kêu cứu
Chị Lê Ngọc Trúc Huỳnh (Chuyên viên Ban tổ chức cán bộ ĐHQG TP.HCM) là một trong số tình nguyện viên trực fanpage. Trò chuyện với chúng tôi chưa đầy 3 phút, chị đã khóc nức nở. Chị Huỳnh nghĩ về công việc, nghĩ về các hoàn cảnh. Chị chưa bao giờ hình dung được công việc này phải tiếp xúc với những thân phận, mảnh đời oái ăm.
Bên cạnh công việc ở trường đại học, bất kể thời gian, miễn rảnh, chị lao ngày vào kiểm tra, trả lời tin nhắn, tiếp nhận các trường hợp hỗ trợ. Điện thoại chị Huỳnh để online 24/7, các tin nhắn cứ nhảy liên tục báo sáng màn hình.
“Tầm khoảng 5 – 6 giờ sáng là có thầy, cô trực rồi. Vừa tiếp nhận thông tin, vừa nhập dữ liệu, mỗi trường hợp mình phải hỏi rõ chi tiết thông tin, nhiều người họ không rành công nghệ thông tin nên nhờ người khác nhắn hộ”, chị Huỳnh nói.
Ở các trang fanpage tiếp nhận cứu trợ, thông thường, tầm buổi chiều tối sẽ nhận tin nhắn nhiều nhất. Đa số người phản ánh, kêu cứu là công nhân, lao động tự do thất nghiệp…
“Không xuể, 3 đầu 6 tay làm vẫn chưa xuể. 3, 4 giờ sáng vẫn thấy tin nhắn báo. Những ngày tin nhắn về đến 1.000 tin, cả nhóm chỉ kịp xử lý 500 tin”, chị Huỳnh nói.
Chị Huỳnh không nghĩ, tin nhắn nhiều đến vậy, nhiều người nhắn tin kể hoàn cảnh, đã mất việc, công ty giảm lương…; một số người ở trọ, chăm con nên nhiều gánh nặng.
Những trường hợp gia đình có con nhỏ, người già…, các tình nguyện viên tiếp nhận sẽ chuyển vào file SOS để Đội SOS – Trung tâm an sinh hỗ trợ khẩn cấp
|
“Mình thấy xót xa. Nó không còn là công việc tiếp nhận đơn thuần, mà là sự chia sẻ giữa con người với nhau. Chúng mình cố gắng ghi lại đầy đủ thông tin các hoàn cảnh để khi địa phương đọc được, họ sẽ hỗ trợ một cách tốt nhất, nhanh nhất”, chị Huỳnh cho biết.
Dẫn chứng vài trường hợp, chị kể, có mẹ đơn thân, mới sinh em bé được 3 tháng thì dịch giã ập tới, phải nhắn lên hỏi về gói hỗ trợ. Nhưng Trung tâm chỉ hỗ trợ túi an sinh thành thử phải hướng dẫn họ về hỏi chính quyền địa phương.
“Có trường hợp ở tỉnh Bình Dương nhưng vì thuộc địa phương khác nên TP.HCM không hỗ trợ. Nhưng họ là lao động tự do thất nghiệp, có con nhỏ cần sữa, sống trong khu phong tỏa, nhà lại không còn đồ ăn, cũng không còn tiền để gửi mua đồ giúp. Họ bảo họ không còn đường lui, nên phải đi kêu cứu khắp nơi. Nhà mình cũng ở Bình Dương, thấy vậy mình trích tiền riêng ra hỗ trợ và nhờ người quen gần đó mua đồ gửi giúp cho họ”, chị Huỳnh xúc động.
Chị bảo chỉ ước sao… trúng được một tờ vé số để hỗ trợ được nhiều người. Bởi, đâu chỉ riêng người lao động đi kêu cứu, có cả trường hợp chủ nhà đi xin hỗ trợ cho người dân trong khu trọ mình. Họ nói, đã 2 tháng họ không lấy tiền trọ, đồ ăn họ tiếp tế dần cạn trong khi bản thân họ cũng vay mượn ngân hàng để xây trọ.
Khi trực fanpage, chị bất ngờ gặp đồng nghiệp của chồng mình kêu cứu. “Hỏi ra, mới biết bạn đang gặp khó khăn quá. Bạn có ba mẹ già và hai người cô, chú câm điếc bẩm sinh. Nhà còn có 2 chị em, nhưng từ dịch tới nay đều thất nghiệp cả. Hổm nay không đặt được thực phẩm nên phải nhờ hỗ trợ”, chị Huỳnh kể thêm.
Những khi trực xong buổi tối, quyết đinhh tắt điện thoại nghỉ ngơi, nhưng chị cứ trằn trọc mãi, cứ nằm trên giường suy nghĩ. “Sau đó tôi lại mở điện thoại lên tiếp tục kiểm tra tin nhắn yêu cầu cứu trợ …”, chị Huỳnh tâm sự.
Tính từ ngày 15.8 đến 3.9, Trung tâm an sinh TP.HCM đã tiếp nhận hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 với tổng trị giá hơn 61 tỉ đồng và đã phân phối hơn 46 tỉ đồng đến các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, các quận huyện và TP.Thủ Đức, các bếp ăn từ thiện… Trung tâm cũng đã chuyển hơn 1.4 triệu túi an sinh về các địa phương. Riêng chương trình SOS đã hỗ trợ 10.149 phần quà và 9.017 lốc sữa.
Đồng thời, ngày 1.9, Trung tâm cũng cho ra mắt ứng dụng An sinh. Thông qua ứng dụng, người dân có thể tạo yêu cầu cứu trợ cũng như theo dõi yêu cầu của mình. Chức năng “hotline” này kỳ vọng sẽ giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực thay cho phương thức truyền thống là tập hợp và xử lý dữ liệu bằng file excel/word các trường hợp cần hỗ trợ từ nhiều nguồn rồi mới cập nhật vào hệ thống.
|