Ông Nguyễn Cảnh Hồng chia sẻ: Chỉ trong vòng 8 tháng đầu năm 2021, đã có 85.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường, trung bình mỗi tháng hơn 10.000 doanh nghiệp rút lui. Theo Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43.200 doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; 30.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%. Những con số đó là minh chứng rõ nét cho thấy những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19.

Phát huy tối đa nguồn lực của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ

 

Hội viên Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ đang quản lý các doanh nghiệp quy mô lớn, giải quyết  việc làm cho hàng trăm ngàn lao động và trải dài trên tất cả các lĩnh vực hoạt động kinh tế của xã hội. Đại dịch COVID- 19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, các thành phần kinh tế,… đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động. Thêm vào đó, trong thời gian gần đây, việc áp dụng các chính sách giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong khâu tổ chức sản xuất, lưu thông hàng hoá.

 

Phục hồi kinh tế cần có một chính sách nhất quán và quyết liệt của Chính phủ. Chống COVID- 19 như chống giặc. Phục hồi kinh tế cũng là cuộc chiến. Chống giặc trên chiến trường cần các chiến sỹ quân đội nhân dân. Chống covid cần các chiến sỹ áo trắng. Phục hồi kinh tế cần các chiến sỹ xung kích trên mặt trận kinh tế. Vì vậy đây là cuộc chiến của các doanh nhân đích thực với sự hậu thuẫn của Chính phủ.

Chính phủ cần xây dựng một kịch bản dài hạn để sống chung và thích nghi với dịch. Cần có các chính sách vĩ mô, tạo những gói kích cầu mới cho doanh nghiệp để kích thích hoạt động sản xuất chung của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách dài hạn của nền kinh tế theo hướng tập trung hơn, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp

Để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và triển khai hiệu quả trong thực tiễn của kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới, bên cạnh việc tham vấn các bộ ngành có liên quan cũng như các chuyên gia kinh tế, nên và cần lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là thông qua các hiệp hội doanh nghiệp. Qua đó, vừa đảm bảo các mục tiêu trước mắt vừa đảm bảo mục tiêu lâu dài để nguồn lực hiện có của doanh nghiệp được phát huy tối đa.

 

Vừa qua chúng tôi được biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong bối cảnh đại dịch COVID- 19 trên cơ sở kiến nghị của các doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước. Theo chúng tôi, Nghị quyết này đã bao trùm toàn bộ kiến nghị của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, từng nhóm vấn đề trong Nghị quyết cần cụ thể hóa hơn nữa và cần đẩy nhanh tiến độ đưa vào thực tiễn, tạo đà cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển, khôi phục nền kinh tế.