Mới đây, Bộ GD-ĐT gửi công văn sang Bộ LĐ-TB-XH về việc Bộ GD-ĐT đã tiếp thu như thế nào về ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục (GD) nghề nghiệp (gọi tắt là quy định về dạy văn hóa phổ thông ở trình độ trung cấp).
Bộ GD-ĐT chưa tính đủ quyền lợi cho người học?
Bộ GD-ĐT cho biết, bộ này đã tiếp thu, điều chỉnh xây dựng khối lượng kiến thức văn hóa THPT, thiết kế thống nhất với chương trình giáo dục phổ thông mới về cấu trúc, nội dung và thời lượng nhằm tạo cơ hội học tập cho người học trình độ trung cấp có nguyện vọng học lên trình độ cao đẳng.
Theo Bộ GD-ĐT, vì học sinh đang phải học nghề, dù có nguyện vọng học thêm văn hóa thì khối lượng kiến thức được học cũng chỉ tập trung vào các kiến thức cơ bản cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông và ở một số môn học bảo đảm kiến thức nền tảng cho các em tiếp tục học được ở trình độ cao đẳng, nên dự thảo này chỉ quy định khối lượng kiến thức và việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT.
Do đó, việc quy định cho học sinh học bổ sung kiến thức một số môn (nếu các em có nguyện vọng) để bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông sẽ không được đề cập.
“Vấn đề này sẽ được quy định bởi văn bản khác sẽ giúp các em được bảo lưu kiến thức đã học và học sổ sung để bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông (nếu có nguyện vọng) và có thể đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Chính vì vậy, ở tất cả các điều khoản của thông tư này không đề cập việc học bổ sung và xét điều kiện dự thi tốt nghiệp”, Bộ GD-ĐT giải thích.
Tại hội thảo trực tuyến góp ý cho dự thảo thông tư nói trên do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB-XH) tổ chức hôm nay, 8.9, nhiều đại biểu, trong đó có đại diện lãnh đạo tổng cục này, cho rằng việc Bộ GD-ĐT bỏ qua ý kiến tiếp thu trên là không tính đủ lợi ích của người học, không đảm bảo quyền lợi được học tập suốt đời của người dân.
Cần tạo quyền lợi được dự kỳ thi tốt nghiệp THPT cho người học trung cấp
Theo TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), các môn học văn hóa THPT trong dự thảo Thông tư quy định về dạy văn hóa phổ thông ở trình độ trung cấp của Bộ GD-ĐT không chỉ cần đảm bảo tính liên thông dọc (để có thể học tiếp lên cao đẳng), mà cần cả tính liên thông ngang.
TS Vũ Xuân Hùng phát biểu tại hội thảo
|
Để đảm bảo tính liên thông ngang, nội dung quy định của Bộ GD-ĐT cần được thiết kế thống nhất với các môn học của chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc chương trình giáo dục THPT về cả cấu trúc, nội dung, thời lượng học tập (số tiết các môn học).
Tính liên thông này giúp người học nếu có nguyện vọng thì có thể học bổ sung các môn học theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc chương trình giáo dục THPT để tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bộ GD-ĐT cần cho phép học sinh được cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT có nguyện vọng đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT thì được học bổ sung các môn học còn thiếu theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc chương trình giáo dục THPT.
Theo TS Trương Anh Dũng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, mục đích của Thông tư quy định về dạy văn hóa phổ thông ở trình độ trung cấp trước hết là đảm bảo quyền lợi, tạo điều kiện tối đa cho người học, đồng thời khai thác tối ưu hóa các cơ sở GD nghề nghiệp trong hoạt động tham gia kiến thức văn hóa, dạy nghề cho người dân.
Vì thế, Bộ GD-ĐT cần đưa ra được các giải pháp kỹ thuật giải quyết đồng thời 2 mục tiêu trên. Bộ GD-ĐT cần quy định cụ thể khối lượng văn hóa để học sinh học xong trung cấp là có kiến thức có thể học lên cao đẳng.
“Thông tư hiện hành đã quá lạc hậu, đặc biệt so với chương trình GD phổ thông mới. Vậy dự thảo thông tư mới có phù hợp với chương trình GD phổ thông mới không?”, TS Dũng nêu câu hỏi.
TS Dũng tiếp tục đặt vấn đề: “Nguyện vọng của nhiều em học sinh là không chỉ dừng lại ở việc có kiến thức để học liên thông lên cao đẳng. Các em mong muốn sau khi học xong khối lượng kiến thức văn hóa phổ thông mà Bộ GD-ĐT quy định, thì các em học bổ sung thêm để đủ kiến thức dự thi tốt nghiệp THPT, hoặc để được cấp giấy chứng nhận hoàn thành kiến thức THPT. Mong muốn đó liệu có được đáp ứng không? Hay các em phải học lại từ đầu?”.
Theo TS Dũng, các câu hỏi trên phải được nhanh chóng giải quyết thấu đáo, như thế mới tạo ra động lực phấn đấu cho học sinh theo đuổi con đường học nghề, GD nghề nghiệp mới tạo được sức hút, mới thực hiện được mục tiêu phân luồng giáo dục mà Chính phủ đã đặt ra.