“Phong sát” không phải là chữ do người Việt nghĩ ra, đó là từ Hán Việt, phiên âm từ chữ 封杀/ 封 殺(fēng shā) trong tiếng Trung Quốc. Phong (封) có nghĩa là đóng kín, cấm không cho sử dụng; sát (杀) là sát hại, giết chết.
Hiện nay ở Trung Quốc, trong môn bóng chày và bóng mềm, thuật ngữ “phong sát” được dùng với nghĩa là ‘chặn”. Khi một cầu thủ phòng thủ chạm vào chân trụ trước khiến người tấn công mất quyền sở hữu trụ thì có nghĩa là người tấn công đã bị phong sát.
Phạm Băng Băng cũng bị “phong sát” vì trốn thuế gần 900 triệu tệ năm 2018
|
Trong những lĩnh vực khác, “phong sát” có nghĩa là cấm tham gia công việc nhất định, hoặc cấm phổ biến ấn phẩm, một phần tin tức hay phát sóng chương trình. Lệnh “phong sát” đó có thể vĩnh viễn hoặc tạm thời.
Riêng trong từ điển, “phong sát” là lệnh cấm hoặc phong tỏa để ngăn cản người hay vật tồn tại trong một lĩnh vực nhất định (trích Hiện đại Hán ngữ từ điển, tái bản lần thứ 6).
Nhìn chung, khái niệm “phong sát” khá rộng. Một số đài truyền hình có thể cấm nghệ sĩ, không cho xuất hiện trên truyền hình. Một số ngành nghề cũng sẽ phong sát các học viên có “lý lịch xấu”, chẳng hạn như đạo văn hoặc sao chép tác phẩm của người khác.
Vài năm gần đây, hàng loạt sao Hoa ngữ đã bị “phong sát” chính thức hoặc ngầm, ví dụ như Trịnh Sảng (chuyện mang thai hộ); Lý Tiểu Lộ (scandal ngoại tình), Phạm Băng Băng (trốn thuế); Ngô Diệc Phàm (bê bối với gái vị thành niên); Kha Chấn Đông (sử dụng ma túy); Trần Quán Hy (lộ ảnh nóng của nhiều mỹ nữ). Rồi nào là Trương Triết Hạn, Hoắc Tôn cũng dính vào “phong sát” và mới đây nhất là Triệu Vy. Tuy Triệu Vy bị “phong sát” ngầm, song điều này đã phá hủy toàn bộ sự nghiệp của cô mà nguyên nhân vẫn còn là điều bí mật…
Bộ sách Đại Minh nhất thống chí (năm 146) đã từng ghi nhận từ “phong sát”
|
Ở một số quốc gia, chương trình truyền hình nào bị xem là “không phù hợp”, có nội dung nhạy cảm về chính trị, liên quan đến chính phủ cũng bị “phong sát”. Trong thể thao, nếu vận động viên vướng phải những điều cấm thì bị “phong sát”, không được thi đấu.
Trên các diễn đàn thảo luận trực tuyến, nếu người thảo luận có hành vi xấu hoặc kích động sự phẫn nộ của công chúng thì bị cấm vĩnh viễn (do người kiểm duyệt hoặc quản trị viên trang web quyết định). Trên internet có công cụ “phong sát” mà người Trung Quốc gọi là “sưu tác dẫn kình”. Đây là công cụ tìm kiếm ngăn không cho trang web của ai đó xuất hiện trong kết quả tìm kiếm.
Những nghệ sĩ Hồng Kông thường bị “phong sát” là do xuất hiện trên các phương tiện truyền thông khác hoặc có hành vi sai trái… Ví dụ Đài TVB cấm các nghệ sĩ hợp đồng của họ không được phỏng vấn bằng tiếng Quảng Đông trên các phương tiện truyền thông khác, mà phải sử dụng tiếng Quan Thoại.
Tại Nhật Bản, nếu nghệ sĩ nào dính đến ma túy hoặc các tội danh tày trời khác đều bị công ty chấm dứt hợp đồng, thay bằng người khác hoặc chỉnh kịch bản để xóa vai chính của nghệ sĩ đó. Điển hình là Pierre Taki (Lang Chính Tắc), thành viên của nhóm nhạc Denki Groove, đã bị bắt vì sử dụng cocaine vào tháng 2.2019.
Nhìn chung, tuy “phong sát” (封杀) được giải thích trong Từ điển Hán ngữ hiện đại (năm 2012) song không phải là từ mới, vì từ này đã từng có trong quyển 90 của bộ Đại Minh nhất thống chí (大明一統志) xuất bản năm 1461 (theo bản chụp của Thư viện tiểu bang Bavarian, Mucnich, nước Đức).
Trong lĩnh vực giải trí ở Trung Quốc, ngoài từ “phong sát”, người hâm mộ còn sử dụng những từ như tuyết tàng (雪藏), lãnh tàng (冷藏), phong chủy (封嘴) hay phong tỏa (封锁)… Đây là những từ tương tự, được xem là đồng nghĩa hoặc từ lóng.
Riêng trong tiếng Việt, khởi đầu “phong sát” xuất hiện trong thuật ngữ “thế phong sát” của Phong thủy. Về sau, cách hiểu “phong sát” là lệnh cấm hoặc phong tỏa chỉ xuất hiện trong vòng vài năm gần đây, chủ yếu là trên báo chí (chưa tìm thấy trong sách tiếng Việt).