“Vàng tặc” trong khu dân cư, chính quyền không hay
Gần đây, người dân thôn 1, xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam vô cùng bức xúc trước việc hộ ông Nguyễn Hóa (trú thôn 4, xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) lén lút làm vàng trái phép tại mảnh vườn của gia đình giáp địa phận của thôn này, gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng nhiều diện tích lúa của người dân.
Ông Nguyễn Th, trú xã Trà Dương cho biết tình trạng khai thác vàng của ông Hóa đã diễn ra nhiều năm qua. Khi họ làm vàng thì máy nổ phát ra gây ô nhiễm tiếng ồn, nước thải tuyển quặng vàng chảy thẳng ra suối hoặc xuống diện tích đất canh tác hoa màu của người dân phía dưới. Người dân ở đây rất lo ngại, vì khai thác vàng gần khu dân cư có thể gây ra ô nhiễm nguồn nước ngầm.
“Địa điểm khai thác vàng của ông Hóa chỉ cách quốc lộ 40B chưa tới 100 m. Tôi không hiểu vì sao, địa điểm khai thác vàng gần khu dân cư vậy mà các ngành chức năng không hay biết, hay có sự bao che của ai?. Tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm xử lý địa điểm khai thác vàng để bảo môi trường trong sạch cho người dân địa phương”, ông Nguyễn Th, cho hay.
Phản ánh trường hợp này với chính quyền 2 địa phương, ông Trần Ngọc Thương, Chủ tịch UBND xã Trà Dương, ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND xã Tiên Hiệp và lực lượng Công an đã tiến hành kiểm tra địa điểm khai thác vàng trái phép này. Tại đây, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản hiện trường, đồng thời yêu cầu hộ dân này tự tháo dỡ các vật dụng phục vụ hoạt động khai thác vàng trái phép và viết cam kết không được tái vi phạm.
“Tiếp nhận thông tin, chúng tôi đã phối hợp với lãnh đạo UBND xã Tiên Hiệp đến khu vực này kiểm tra, ghi nhận thực tế và có thấy máy móc, lán trại, nhưng không có người khai thác vàng. Sau đó tôi yêu cầu chủ hộ tự nguyện tháo dỡ hoàn trả lại hiện trạng, do khu vực này giáp ranh với địa bàn xã Tiên Hiệp cũng gây khó khăn cho lực lượng chức năng quản lý”- ông Trần Ngọc Thương, Chủ tịch UBND xã Trà Dương cho biết.
Trong khi đó ông Nguyễn Văn Long cho rằng: Địa điểm khai thác vàng này thì thuộc địa phận của xã Trà Dương. Do đó, chúng tôi không thuộc thẩm quyền xử lý về sự việc này.
Thực tế cho thấy, việc quản lý khai thác khoáng sản vùng giáp ranh hết sức phức tạp do địa bàn rộng, hiểm trở, lại thiếu cán bộ chuyên trách và chưa có sự phối hợp tốt giữa các địa phương.
Nhiều khó khăn
Theo ông Trần Thanh Hà, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, thời gian qua địa phương liên tục thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản và xử phạt các trường hợp vi phạm mới mức phạt nặng, thậm chí kiến nghị dừng hoạt động, song nạn khai thác tài nguyên vẫn còn không ít khó khăn.
Trong năm 2022, các Sở, ngành, địa phương đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị được cấp phép hoạt động khoáng sản, trong đó thanh tra Sở TN&MT tỉnh chủ trì triển khai 9 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 17 đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật của các đơn vị, ban hành và tham mưu UBND tỉnh ban hành 15 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 14 tổ chức với tổng số tiền 1,6 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với 2 tổ chức với số tiền 142 triệu đồng.
Đặc biệt, Sở đã kiến nghị tạm dừng khai thác khoáng sản đối với 2 đơn vị vi phạm trong khai thác. Các địa phương cũng tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính hơn 1 tỷ đồng các trường hợp khai thác, chế biến khoáng sản trái phép.
Đối với khoáng sản chưa khai thác, lực lượng Công an tỉnh đã tổ chức 30 đợt truy quét trên địa bàn các huyện Phú Ninh, Phước Sơn, Núi Thành…. phát hiện 166 vụ, trong đó khởi tố 1 vụ vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; xử phạt vi phạm hành chính 165 vụ. Đồng thời tịch thu và phá hủy, làm mất tác dụng nhiều dụng cụ, phương tiện phục vụ khai thác khoáng sản trái phép.
Ông Hà cũng thừa nhận, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra ở một vài địa phương, nhất là khai thác vàng trái phép tại các huyện miền núi như mỏ vàng Bồng Miêu (Phú Ninh), Đông Giang, Phước Sơn… Các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, hoạt động vào ban đêm, bố trí lực lượng cảnh giới để đối phó với cơ quan chức năng, gây khó khăn, trở ngại trong công tác đấu tranh, xử lý.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản, môi trường, đất đai của một số tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng chưa cao, chưa thực hiện tốt chế độ báo cáo giám sát định kỳ theo quy định, một số đơn vị mặc dù giấy phép đã hết thời hạn nhưng vẫn còn nợ các khoản nghĩa vụ tài chính và chậm trễ trong việc hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường, đất đai.
Một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức, chưa làm hết trách nhiệm được giao trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, chưa phát hiện kịp thời, tổ chức lực lượng kiên quyết ngăn chặn dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thiếu quyết liệt, chưa thường xuyên, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để chấn chỉnh, xử lý triệt để, công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các xã giáp ranh còn hạn chế.
Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, năm 2022, UBND tỉnh đã cấp 22 cấp giấy phép khai thác khoáng sản; ngoài ra, theo ủy quyền của UBND tỉnh, Sở TN&MT đã cấp 7 bản xác nhận đăng ký khai thác khoáng sản trong dự án đầu tư xây dựng công trình. Đến ngày 10/2/2023, trên địa bàn tỉnh có 74 Giấy phép khai thác khoáng sản và 6 Bản xác nhận đăng ký KTKS đá, cát còn hiệu lực.
Nguồn: moitruongvadothi.vn