Về Cần Giờ (TP.HCM) là miên man cùng cái nắng cái gió phần phật nơi huyện đảo. Vẻ đẹp của một vùng đất vô cùng thanh bình cùng màn trời xanh mướt, những cơn gió lùa mọi lúc qua từng góc phố dễ khiến bước chân người ghé thăm ngẩn ngơ. Không chỉ thế, Cần Giờ còn là vùng đất của những địa chỉ ẩm thực nổi tiếng, và một món ăn chinh phục nhiều người chính là bún ốc Duyên Hải.
Nếu bạn tìm “bún ốc Duyên Hải” trên mạng thì có khi sẽ tìm không ra, vì đây là cách gọi riêng của người Cần Giờ dành cho quán để dễ nhớ. Duyên Hải là trục đường chính, dài tầm 8 km chạy xuyên qua huyện đảo Cần Giờ. Đường Duyên Hải chia làm hai “thế giới” rõ rệt. 4 km đầu tiên của con đường đưa mọi người chìm đắm cùng nắng, gió và không gian phần phật của những hàng dương, rừng ngập mặn hoặc đồng khô. 4 km còn lại, bạn sẽ lạc vào những mảng xanh cùng nếp sống yên bình đầy quyến rũ của TT.Cần Thạnh, và đâu đó trên một vỉa hè rợp bóng cây của khúc đường Duyên Hải này, quán bún ốc “thần sầu” ấy bỗng xuất hiện.
Bà chủ quán bún ốc là dì Sáu, và thật ra phải gọi đầy đủ là bún riêu ốc. Vì cách thức làm ốc của dì Sáu khá đặc biệt, nên nhiều người chỉ nhớ đến bún ốc mà quên mất vị riêu cua “đã” không kém mà dì chế biến. Có hai điều cần nhớ khi đến quán dì Sáu thưởng thức bún ốc, đó là phải đến tầm từ 6 giờ đến 9 giờ sáng, đến muộn hơn chút thôi thì hẹn dịp khác vì bún ốc sẽ hết sạch. Hai là, dì Sáu không chỉ bán bún ốc, mà còn “tiện tay” bán thêm bún đỏ – một đặc sản của… Tây nguyên. Nhiều khi sau 9 giờ, bún ốc hết là lúc để món bún đỏ Tây nguyên lên ngôi giữa lòng Cần Giờ.
Tôi vào quán và ngồi chờ tô bún của mình, mọi người đang vây quanh hàng bún của dì Sáu. Tô bún được bê ra, và đập vào mắt tôi là những mảng riêu cua “hào phóng” gần như lấp đầy tô bún, đặc biệt hơn là phần thịt ốc ú nụ, no tròn. Cảm giác đầu tiên khi động đũa là vị ngọt thanh của nước lèo, vị béo ngập răng từ riêu cua, vị ốc ngọt lừ cùng cảm giác giòn dai sừn sựt phần thịt ốc. Lúc ấy, không còn gì để suy nghĩ, lắng lo, tôi chỉ biết sì sụp cùng tô bún của mình.
Dì Sáu kể rằng, vùng đất Cần Giờ quê mình giờ chẳng thiếu thứ gì, tuy nhiên ốc bươu thì nơi này đành chịu, tìm không ra. Chính vì thế, mỗi ngày, người thân của dì Sáu phải đi 70 km, qua phà để vào TP.HCM mua ốc, rồi 70 km trở về lại Cần Giờ. Dì không ngần ngại chia sẻ cách thức làm ốc cho ngon lành. Thông thường, người ta thường ngâm ốc chỉ vài tiếng cùng với nước muối và ớt để xả ốc, dì thì không. Dì mua ốc còn sống, loại ốc to. Dì ngâm ốc trước 2 ngày rồi mới chế biến. Cách thức ngâm ốc của dì cũng khác, dì ngâm bằng nước vo gạo và ớt, mỗi ngày đổi nước vo gạo 2 lần. Sau khi vệ sinh ốc và luộc, dì chịu khó “hy sinh” cơm cháo lần nữa để tẩm ướp gia vị phần thịt ốc trước khi cho vào nồi nước lèo.
Quán bún ốc của dì Sáu chính là nơi “xôn xao” nhất lúc đầu ngày nơi thị trấn bình yên Cần Thạnh. Tại nơi đó, nhiều người như tôi vào ra, lao xao, đợi chờ, và sau cùng thì khề khà chép miệng sảng khoái khi thưởng thức xong tô bún ngon không thể tả. Tại trung tâm huyện đảo Cần Giờ này, gió biển vô tư lùa qua từng góc phố, gió có thể thổi bay đĩa rau sống mướt rượt trên bàn, và trong làn gió mơn man ấy có hương bún ốc Duyên Hải hấp dẫn khiến người dân địa phương luôn tề tựu về mỗi sáng đầu ngày.