Ý thức phòng ngừa rất quan trọng
Ngày 12.9, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, kiêm phụ trách Bệnh viện dã chiến Q.8) cho biết vào thời điểm hơn 1,5 tháng trước, Q.8 là điểm nóng về F0 ngoài cộng đồng chuyển nặng vào bệnh viện. Nhưng thời điểm hiện nay, dù F0 được phát hiện nhiều, nhưng số F0 nặng chuyển đến đã hạ nhiệt rõ ràng. Để có được kết quả như hiện nay, bác sĩ Phong nhận định là nhờ các biện pháp quyết liệt từ chính quyền địa phương, các đội phản ứng nhanh, tổ Covid-19 cộng đồng, trong đó vai trò của các trạm y tế lưu động là rất quan trọng trong điều trị tại nhà.
“Ý thức người dân về phòng ngừa dịch bệnh rất quan trọng, đó là làm sao để không nhiễm bệnh, tăng cường tiêm vắc xin + 5K. Bệnh Covid-19 thì khoảng 70% không có triệu chứng, nếu có triệu chứng thì biểu hiện sốt, sổ mũi, ho, đau họng; giai đoạn 5 – 7 ngày tiếp theo là mất vị giác, khứu giác; sau đó là viêm phổi, suy hô hấp gây khó thở, mệt. Nếu trở nặng qua theo dõi ô xy máu giảm thì nhập viện ngay. Do đó nếu phát hiện mắc bệnh thì báo y tế địa phương để quản lý, theo dõi nhằm giảm chuyển nặng, tử vong”, bác sĩ Phong khuyến nghị.
Xoay chuyển đúng hướng
Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy), ngăn chặn F0 chuyển nặng ngay từ đầu, đó mới là chiến lược đúng của ngành nhiễm. Do đó, đặt ra vấn đề quản lý F0, TP.HCM tạo điều kiện cho F0 ở nhà, hướng dẫn theo dõi sức khỏe tốt hơn, gọi y tế khi nào… Kèm theo đó là cung cấp gói thuốc an sinh, y tế phường hỗ trợ, các bác sĩ dù không chuyên khoa nhiễm nhưng sau thời gian học hỏi thì hỗ trợ các F0 tại nhà.
“Cách ly tập trung có ưu điểm là cách ly F0 ra khỏi cộng đồng, nhưng với bệnh nhân thì không tốt lắm. Xoay chuyển của TP.HCM là cách ly F0 tại nhà là đi đúng hướng, kết hợp điều trị sớm cho bệnh nhân tại nhà, nhờ đó số bệnh nhân nặng vào bệnh viện giảm hẳn, thực tế điều đó cũng giúp kéo giảm tử vong xuống”, bác sĩ Hùng nói.