Còn bao nhiêu chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp ?
Theo kế hoạch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, trước ngày 29.8 các trường ĐH nhập vào cơ sở dữ liệu quốc gia danh sách thí sinh (TS) xác nhận nhập học trúng tuyển bằng các phương thức riêng. Đồng thời, các trường phải chốt chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT để bắt đầu quy trình xét tuyển đợt 1 từ ngày 12.9.
Trong 3 ngày (13 – 15.9), các trường ĐH sẽ tham gia quy trình lọc ảo, xét tuyển theo nhóm và toàn quốc để xác định TS trúng tuyển.
Căn cứ trên tình hình nhập học thực tế, chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức điểm kỳ thi chung nhiều trường có nhiều thay đổi so với dự kiến ban đầu trong đề án tuyển sinh.
Theo tiến sĩ Bùi Quang Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đến thời điểm hiện tại trường xác định còn khoảng 30% chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT cho cơ sở TP.HCM (tương đương năm ngoái).
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Theo đề án tuyển sinh, trường dành 50% tổng chỉ tiêu xét điểm thi THPT (khoảng 3.000 TS). Tuy nhiên, theo tiến sĩ Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên, do dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên TS trúng tuyển phương thức xét học bạ mới xác nhận hơn 2.000 chỉ tiêu. Do vậy, chỉ tiêu còn lại cho đợt lọc ảo và xét tuyển chung dự kiến tăng lên ở mức hơn 50%.
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng còn tổng cộng 75% chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ này khác nhau và dao động từ 60 – 90% chỉ tiêu tùy ngành. Theo thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo, trường đã hoàn tất việc xác nhận nhập học trực tuyến các phương thức xét học bạ và xét tuyển thẳng. Tỷ lệ TS xác nhận nhập học có những ngành thấp hơn chỉ tiêu dự kiến. Do vậy, chỉ trừ 3 ngành (sư phạm toán, sư phạm tiếng Anh, ngôn ngữ Anh) có số lượng TS xác nhận tuyệt đối đạt 40% chỉ tiêu, thì các ngành còn lại ở các mức khác nhau.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho hay số TS trúng tuyển xác nhận nhập học bằng các phương thức khác hiện khoảng hơn 2.000 người. Như vậy, trường ĐH này còn gần 60% tổng chỉ tiêu cho phương thức còn lại, tương đương năm ngoái.
Trường ĐH Kinh tế – Luật cũng dự kiến dành từ 30 – 60% chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình tuyển sinh các phương thức khác, trường xác định chỉ tiêu còn lại xét điểm kỳ thi chung khoảng 50% tổng chỉ tiêu (tương đương 2.300 TS).
Điểm chuẩn tăng hay giảm ?
Trước thực tế điều chỉnh chỉ tiêu như trên, đại diện các trường ĐH đưa ra dự báo điểm chuẩn các ngành ở đợt 1. So với điểm chuẩn năm ngoái, đa phần các ngành sẽ tăng nhẹ hoặc tương đương, tuy nhiên có ngành có thể thấp hơn.
Theo tiến sĩ Bùi Quang Hùng, với số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển và tỷ lệ “chọi” tương đương năm ngoái, điểm chuẩn Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm nay dự kiến không xê dịch nhiều so với năm 2020. Biên độ dao động của điểm chuẩn có thể cao hơn hoặc thấp hơn 0,5 điểm so với năm ngoái tùy ngành.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, dự kiến điểm trúng tuyển xét điểm thi tốt nghiệp THPT sắp tới sẽ tăng so với năm 2020 ở một số ngành: công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, marketing, tài chính – ngân hàng, kế toán, luật. Tuy nhiên, một số ngành khác điểm chuẩn tăng nhẹ như: công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, nhóm ngành tự động hóa, công nghệ thực phẩm, xây dựng và ngoại ngữ. Các ngành còn lại điểm trúng tuyển có thể bằng điểm sàn nhận hồ sơ là 18,5 điểm.
Theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, điểm chuẩn các ngành Trường ĐH Bách khoa dự báo không có đột biết so với năm ngoái. “Năm ngoái ngành cao nhất khoa học máy tính (chương trình đại trà) lấy 28 điểm, năm nay khó có thể cao hơn. Những ngành có điểm chuẩn ở mức thấp, nhìn vào số lượng nguyện vọng đăng ký so với chỉ tiêu cũng thấy có thể không thay đổi nhiều”, ông Thắng nhận định.
Trước tình hình nhập học năm nay, thạc sĩ Lê Phan Quốc cũng dự báo điểm chuẩn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM không thay đổi nhiều so với năm ngoái. Ngành có điểm chuẩn thấp nhất ở phương thức này năm ngoái 19 điểm và cao nhất 26,5 điểm. Tương tự, trước thực tế nhập học đến thời điểm hiện tại, đại diện Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng có dự đoán điểm chuẩn năm nay chỉ tăng nhẹ 0,5 điểm với năm ngoái.