Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa trình Chính phủ, trong đó đưa ra 2 phương án đối với người lao động khi rút bảo hiểm xã hội một lần.
Mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, trong đó nội dung được nhiều người lao động quan tâm là quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần.
Về mức hưởng BHXH một lần, dự luật đưa ra 2 phương án:
Phương án 1: Giữ mức hưởng như luật hiện hành, tức mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 được tính hưởng bằng 1,5 tháng lương đóng, mỗi năm đóng sau năm 2014 được tính bằng 2 tháng lương đóng.
Phương án 2: Với người hưởng BHXH một lần vì lý do ra nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nguy hiểm tính mạng vẫn được tính mức hưởng như phương án 1.
Tuy nhiên, trường hợp nghỉ việc không đóng BHXH sau 12 tháng nếu hưởng BHXH một lần sẽ chỉ được hưởng bằng 1 tháng lương cho mỗi năm đóng. Số tiền đóng BHXH còn lại được bảo lưu để hưởng khi tới tuổi nghỉ hưu. Khi tới tuổi nghỉ hưu, với số tiền BHXH đang bảo lưu, người lao động có thể đóng một lần cho số năm còn thiếu để nhận lương hưu; hoặc hưởng trợ cấp hàng tháng cho tới khi đủ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội (nhận khi đủ tuổi nghỉ hưu tới năm 80 tuổi); hoặc nhận BHXH một lần phần còn lại.
Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện hưởng BHXH một lần, chỉ được nhận phần mình đóng, không gồm phần ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Như vậy, nếu theo phương án 1 kể trên của Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, về cơ bản là đưa nội dung Nghị quyết 93/2015 của Quốc hội vào luật (tương tự quy định hiện hành).
Nếu phương án 2 kể trên được chọn, người lao động chỉ được rút tối đa không quá 50% tiền bảo hiểm xã hội một lần nếu chưa đủ tuổi hưu. Phần còn lại sẽ được bảo lưu và người lao động sẽ nhận lại khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Cùng với đó, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi cũng đề xuất quy định điều kiện nhận lương hưu từ tối thiểu 20 năm đóng BHXH giảm còn 15 năm. Giải pháp này nhằm tạo điều kiện cho người lao động dễ tiếp cận hơn với chính sách lương hưu, thay vì hưởng BHXH một lần.
Trong giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm có khoảng gần 750.000 người rút BHXH một lần. Đặc biệt, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng từng năm.
Điều này đang đặt ra thách thức đối với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội trong tương lai. Bởi theo thống kê cho thấy, trong tổng số những người giải quyết bảo hiểm xã hội một lần có gần 10% là những người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 10 năm trở lên.
Nguyên nhân của việc gia tăng số người rút BHXH một lần là họ gặp khó khăn về tài chính, phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt như trang trải cho gia đình, đầu tư cho con học, nợ nần, chi phí sinh hoạt sau mất việc làm… Đặc biệt, trong 3 năm gần đây số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như suy thoái kinh tế.
Bên cạnh đó, quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội 20 năm để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí là quá dài, không phù hợp với khả năng tạo và duy trì việc làm cho người lao động của nền kinh tế.
Chính vì vậy, trong dự thảo Luật BHXH lần này ngoài đề xuất 2 phương án về rút BHXH 1 lần, thì đề xuất rút thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm và bảo lưu sẽ được một số quyền lợi liên quán đến bảo hiểm y tế… là những giải pháp được đặt ra để đảm bảo an sinh xã hội trong tương lai.
Nguồn: toquoc.vn