Tàu lặn có người lái Struggler của Trung Quốc đã hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học lặn sâu có người lái lần đầu tiên quanh châu Đại Dương và được tàu nghiên cứu khoa học Explorer số 1 của Trung Quốc đưa trở về Tam Á vào ngày 11/3.
Theo truyền thông Trung Quốc, nhóm nghiên cứu khoa học đã liên tiếp thực hiện nghiên cứu khoa học toàn diện về lặn sâu có người lái một cách có hệ thống ở rãnh đại dương Kermadec Tây Nam Thái Bình Dương, vực sâu Diamantina ở Đông Nam Ấn Độ Dương và vực sâu Wallaby-Genes, đưa nghiên cứu khoa học lặn sâu có người lái của Trung Quốc đến nhiều rãnh vực sâu trên thế giới, được mở rộng từ rãnh Mariana.
Trong thời gian thực hiện nghiên cứu, Struggler đã hoàn thành có hiệu quả 63 hoạt động lặn. Trong đó, 31 lần lặn ở rãnh Kermadec và có 4 lần lặn với độ sâu vượt qua 10.000 mét, 30 lần lặn ở vực sâu Diamantina và 2 lần lặn được thực hiện ở vực sâu Wallaby-Genes, đạt đến điểm sâu nhất trong khu vực này.
Ngoài hoạt động lặn sâu có người lái của Struggler, nhóm nghiên cứu khoa học còn hoàn thành các nhiệm vụ như triển khai và thu hồi thiết bị đổ bộ, thu thập mẫu nước và lấy mẫu trọng lực. Đây là cuộc khảo sát lặn sâu có người lái quy mô lớn và có hệ thống đầu tiên trên thế giới được thực hiện ở khu vực rãnh Kermadec, đồng thời cũng là lần đầu tiên trong lịch sử con người đặt chân đến đáy vực sâu Diamantina và vực sâu Wallaby-Genes, để quan sát và lấy mẫu tại chỗ.
Năm nhà nghiên cứu khoa học nước ngoài từ Viện nghiên cứu nước và khí quyển quốc gia New Zealand và Bảo tàng Auckland đã tham gia chuyến nghiên cứu khoa học và lặn cùng Struggler. Tiến sĩ Kareen Schnabel, nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu nước và khí quyển quốc gia New Zealand và thợ lặn Đặng Ngọc Thanh, thuộc Viện khoa học Trung Quốc đã trở thành 2 người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nhân loại chạm tới điểm sâu nhất của rãnh Kermadec./.
Nguồn: vov.vn